Có những đứa trẻ hiểu chuyện đến đau lòng, vừa đi học, vừa làm việc nhà, vừa trông em nhưng vẫn không nhận được tình thương của mẹ.
Thương con gái 11 tuổi đã phải vừa học vừa làm việc nhà vừa trông em, còn không được mẹ ôm ấp yêu thương. Con hiểu chuyện lắm, nhận hết mọi việc mà không oán trách, than vãn, trong khi cỡ tuổi con các bạn đi học về là cơm nước có sẵn, học xong thì chơi đùa, nhìn con vất vả lại không nhận được tình thương của mẹ, thật quá xót xa.
Ảnh: sina
Trong một gia đình đông con, cha mẹ dễ sinh ra tính thiên vị, luôn ưu tiên cho đứa bé nhất. Dù cho cha mẹ nghĩ rằng điều đó không có gì sai, nhưng việc thiếu thốn tình thương, bỏ mặc sự phát triển, tình cảm của con lớn đã là một lỗi lớn.
Chị Chu là bà mẹ 3 con, 2 con đầu là gái, đến đứa thứ 3 chị sinh được con trai nên thương yêu hết mực. Vì chỉ tập trung chăm sóc con trai nhỏ nên người mẹ này thấy rất mệt mỏi, phiền phức với con gái giữa vì con rất hay khóc nhè. Cuối cùng, chị quyết định thuê bảo mẫu để chăm con gái thứ 2, mình thì thoải mái hơn chăm con trai út.
Khi cô bảo mẫu đến nhà thì mới phát hiện vấn đề, trước khi thuê bảo mẫu, chị Chu giao cho con gái lớn 11 tuổi trông các em, bao gồm việc lo nấu ăn, cho em gái thứ 2 ăn uống và bế em trai út, đồng thời con cũng sẽ làm thêm nhiều việc nhà khác như rửa bát, giặt quần áo, lau nhà. Con rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện dù tuổi còn nhỏ.
Vấn đề chính là dù con vừa phải đi học, vừa phải làm việc nhà, còn phải trông em nhưng không hề nhận được tình thương của mẹ. Mỗi lần em gái khóc, con sẽ bị mẹ la mắng, mẹ nghiêm khắc chỉ trích con không biết lo cho em, không biết chăm sóc tốt em gái. Nhưng mẹ ơi, con gái của mẹ mới có 11 tuổi thôi, con cũng biết làm gì hơn để làm cho em không khóc, em muốn thì em khóc thôi.
Có lần, em trai út xé rách sách học của con, mẹ chỉ lôi ra khỏi tay em rồi quăng lại cho con gái lớn mà không hề có một lời an ủi, dỗ dành con mình. Tiếp đến, con lấy keo dán để dán chỗ rách thì em gái thứ 2 chạy tới giật lấy đòi chơi, con lấy lại thì em khóc. Mẹ lại quay ra mắng con một trận, bảo con không biết quan tâm nhu cầu cảm xúc của em gái nhỏ.
Ảnh: sina
Con gái 11 tuổi, trở thành bảo mẫu cho cả gia đình, nhưng dù con ngoan và hiểu chuyện đến đâu, mẹ vẫn luôn không hài lòng với con, cứ hay mắng con. Cô con gái lớn luôn chịu đựng sự bỏ rơi của mẹ trong im lặng, dù ngoan thế nào cũng không nhận được cái ôm nào của mẹ. Nhìn em gái nhỏ chỉ cần muốn gì là cứ khóc lên, mẹ sẽ chạy đến ôm ngay, chiều chuộng mà lòng con cứ khao khát mãi.
Khi cô bảo mẫu hỏi vì sao lại khó khăn với con gái lớn như vậy, người mẹ bảo do con gái lớn từ nhỏ gửi cho ông bà ở quê, có phần hơi xa cách, với lại con lớn rồi, chia sẻ việc nhà, phụ mẹ là chuyện thường.
Người mẹ này không hề biết rằng, con lớn lên rất cần sự quan tâm, đồng hành của mẹ, thiếu vắng tình thương sẽ khiến con chịu nhiều ảnh hưởng:
1. Thiếu cảm giác an toàn
Thay vì cha mẹ, một số đứa bé được gửi cho ông bà, nhưng thế nào cũng không thể so với cha mẹ ruột, con phải luôn sống trong sự cẩn thận, sợ làm phật lòng họ hàng. Đồng thời, con nghĩ rằng cha mẹ gửi mình đi là không thương mình, lâu dần sinh cảm giác bất an, khao khát tình thương và rất sợ bị bỏ rơi.
Ảnh: sina
2. Sống lụy tình cảm
Vì đã bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, hoặc bị cha mẹ yêu cầu chăm sóc anh chị em khác trong gia đình, nên những đứa trẻ đó khó hiểu rõ ràng đâu là thuộc về mình và đâu là của người khác bởi luôn phải nhường đồ chơi, thức ăn cho các em. Vì thiếu thốn tình thương nên trẻ sống rất lụy tình cảm, từ đó dễ chịu tổn thương hoặc dễ bị người khác lợi dụng, thực sự sống rất khổ.
3. Chỉ biết sống để làm hài lòng người khác
Nếu con cái luôn bị cha mẹ chỉ trích, lạnh lùng, thì con càng phải hiểu chuyện đến đau lòng, luôn cố gắng tỏ ra ngoan ngoãn để được cha mẹ yêu thương. Lớn lên, ra xã hội, con rất dễ đánh mất chính mình, chỉ biết phục tùng yêu cầu của người khác, không dám bộc lộ những suy nghĩ trong lòng.