Tìm hiểu sở thích bản thân, chăm chỉ học tập để lấy nền tảng, hạn chế chơi game là 3 trong 11 điều học sinh cuối cấp cần biết.
Đối mặt với những kỳ thi cuối cấp, nếu cứ học theo bản năng, vô tri, chờ nước đến chân mới nhảy thì việc thi trượt, kết quả kém là khó tránh khỏi. Nếu các em học sinh cứ học theo kiểu chần chừ, tư duy chờ đợi thì một ngày không xa, các em sẽ phát hiện ra mình bị bạn học bỏ rất xa rồi.
Mỗi kỳ thi qua đi, nhiều em học sinh được tuyên dương vì đậu thủ khoa, điểm cao, vào trường điểm. Trong khi nhiều em khác vào bình luận kiểu như “siêu nhân”, “không phải con người”, “học giỏi quá, bạn mình đó”. Các em ngưỡng mộ bạn mình quá giỏi và nghĩ bản thân mình không thể nào học được như vậy.
Điều đó thì chưa chắc đúng, thay vì ngước nhìn ngưỡng mộ bạn mình, tại sao chính bản thân các em không chịu cố gắng. Các em có biết, đằng sau những thành tích nổi bật của những bạn đó là nhiều năm chăm chỉ, ý thức học tập vô cùng cao.
Trong thời gian các em vẫn đang nghĩ nên uống trà sữa vị gì, nay có game gì hay thì những bạn đó đã vẽ xong kế hoạch tương lai rồi. Chỉ khi các em thay đổi suy nghĩ, chủ động học tập vì chính tương lai các em, các em sẽ làm được những điều phi thường hơn các em nghĩ.
Đối diện với năm học cuối cấp và những kỳ thi quan trọng, chắc hẳn nhiều em sẽ thấy bối rối, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nếu đang mơ hồ, không biết mình phải làm gì, các em có thể tham khảo một số việc cần làm trước năm cuối cấp.
1. Tìm hiểu sở thích của chính mình
Nhiều em thậm chí vào đại học rồi vẫn không biết mình thích gì, muốn làm gì. Trước đó, ở lớp 12, khi điền nguyện vọng, các em đơn giản chỉ chọn theo ý muốn gia đình, bạn bè, xã hội. Nhưng các em lại quên mất, các em đi học là vì chính bản thân các em.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sohu
Trước khi năm cuối cấp đến, các em hãy đi tìm xem mình thích gì, mình muốn học ở trường nào. Ước mơ của các em là gì, học trường nào sẽ giúp các em sớm thực hiện được ước mơ.
2. Xác định các mục tiêu phát triển trong tương lai
Kế hoạch cuộc đời quá to tát với lứa tuổi học sinh. Nhưng lập kế hoạch lớp 8 lấy chứng chỉ tiếng Anh bao nhiêu chấm, lớp 9 hoàn thành việc gì, lớp 10 vào học trường nào thì chắc các em sẽ hoạch định được đó.
Bằng việc thiết lập mục tiêu, các em mới có phương hướng, động lực để tiến về phía trước. Chứ học tập trong mơ hồ, tới đâu hay tới đó thì rất khó có đủ tinh thần, nghị lực để tiến bộ.
3. Học tập chăm chỉ là nền tảng
Rất nhiều bạn thủ khoa đều nói rằng việc chăm chỉ học, tự học rất quan trọng. Một phần các bạn khiêm tốn, một phần đó là sự thật. Học hành không chăm chỉ, các em sẽ không đủ kiến thức nền tảng để thi cuối cấp đâu.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sohu
4. Hạn chế chơi game
Thư giãn sau giờ học rất cần thiết nhưng năm cuối cấp không phải là thời điểm để các em đắm chìm vào game đâu. Hãy cố gắng nhịn chơi game, đặt mục tiêu đến khi thi xong sẽ chơi game thỏa thích sau. Hoặc tự đặt ra thời gian biểu, mỗi ngày chỉ được chơi game đúng 30 phút và nhờ phụ huynh quản lý.
5. Học cách độc lập
Ý thức tự giác học tập, không đợi nhắc nhở, chủ động tìm hiểu kiến thức, giải đề thi là rất quan trọng. Ở lứa tuổi các em cuối cấp 2, cấp 3, các em đã đủ lớn và tự học được rồi. Cứ để cha mẹ phải kè kè bên cạnh, nhắc nhở học bài từng li từng tí thì kỳ lắm.
6. Tham gia các cuộc thi kỹ năng
Nếu có khả năng, các em cứ mạnh dạn tham gia các cuộc thi kỹ năng ví dụ như thi thuyết trình, thi đố vui học sinh, thi sáng tạo máy móc chẳng hạn. Những điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các em khi lên lớp lớn hơn và khi vào đời.
7. Thi lấy các chứng chỉ
Với các em cuối cấp 3, khi xét tuyển vào đại học, một số chuyên ngành yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh trong hồ sơ. Do đó, các em nên tranh thủ lấy đủ các chứng chỉ này, bên cạnh việc học chính khóa ở trường.
8. Đừng trốn học
Lượng kiến thức quá nhiều, cộng thêm những giờ học phụ đạo, tăng cường ở năm cuối cấp sẽ khiến các em mệt mỏi, sinh ra tư tưởng trốn học. Tuy nhiên, năm cuối cấp chính là mấu chốt, không có chỗ cho lười biếng. Đừng tùy ý nghỉ học, giả ốm để nghỉ. Biết đâu, chính tiết học các em bỏ lỡ lại nằm trong đề thi, lúc đó hối hận không kịp.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sohu
9. Đừng nghĩ đến chuyện gian lận
Một số em tập trung học các môn cần thiết để thi cuối cấp, những môn phụ vẫn cần điểm cao để xếp loại giỏi nên các em làm liều. Tuy nhiên, việc gian lận một khi phát giác sẽ vô cùng nghiêm trọng. Năm cuối cấp gắn liền tương lai, các em đừng để mất tất cả vì hành vi gian lận.
10. Giao tiếp nhiều hơn với phụ huynh
Bất kể lúc nào gặp khó khăn, các em nên mạnh dạn nói với phụ huynh. Đặc biệt trong vấn đề chọn trường, chọn lớp, chọn ngành, hãy xin thêm ý kiến, kinh nghiệm của cha mẹ.
11. Làm phong phú thêm cuộc sống sau giờ học
Các em chắc đã biết phần thi văn có nghị luận xã hội, ngay cả những bài phân tích văn học cũng cần đến kiến thức cuộc sống. Việc học chăm chỉ là nền tảng nhưng kỹ năng sống cũng cần thiết. Các em nên hạn chế chơi game nhưng làm phong phú thêm cuộc sống sau giờ học như đi khám phá, đọc tin tức, chơi thể thao thì lại rất tốt.
Trên đời này không có thành công nào tự nhiên đến. Thủ khoa cũng là bạn bè đồng trang lứa với các em, cũng nỗ lực học tập từng ngày. Thay vì ngưỡng mộ và ao ước, vì sao chính các em không thử cố gắng một lần vì chính mình. Biết đâu, kỳ thi cuối cấp năm nay, các em sẽ được đề tên bảng vàng, trải khắp mặt báo thì sao. Hoặc ít nhất các em sẽ thi được điểm cao, vào đúng trường mơ ước vì đã cố gắng suốt thời gian qua.