Một trong những yếu tốt cốt lõi làm nên thành công của một công ty chính là văn hoá doanh nghiệp. Đây cũng là khía cạnh được quan tâm hàng đầu bởi mỗi ứng viên khi tìm kiếm một môi trường làm việc mới.
Vậy văn hoá doanh nghiệp là gì ? Tại sao xây dựng văn hoá doanh nghiệp lại quan trọng ? Ảnh hưởng của nó đến nhân viên nói chung ra sao ? Hãy cùng mình tìm hiểu thắc mắc trong bài viết này nhé !
1. Văn hóa doanh nghiệp là gì ?
Văn hoá doanh nghiệp là nhận thức, phép ứng xử, cách thức giao tiếp, và các phẩm chất chỉ có ở trong một doanh nghiệp.
"Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, từ đó trở thành quy tắc, tập quán quen thuộc ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp đồng thời chi phối tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích."
Một công ty hay tổ chức bao gồm các cá nhân với tính cách, lối sống, nền tảng xã hội và nhận thức khác nhau. Tuy nhiên, khi cùng làm chung cho một doanh nghiệp, họ có cùng tần số với nhau ở nhiều phương diện liên quan đến doanh nghiệp đó. Những điểm chung đó biểu thị văn hoá doanh nghiệp.
Văn hoá doanh nghiệp như tấm áo nhận diện của một công ty đối với bên ngoài, cũng là trụ cột vững chắc cho mỗi nhân viên.
2. Các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp
Văn hoá doanh nghiệp không mơ hồ, mà được hiển thị qua nhiều yếu tố, bao gồm cả vô hình và hữu hình. Chẳng hạn như:
- Cách ứng xử, giao tiếp, thói quen của mọi người trong công ty
- Cách nhận thức và ứng xử của nhân viên công ty với thế giới bên ngoài
- Quy định nội bộ công ty
- Đồng phục, hoạt động, v.v.v
Nhân sự là yếu tố quan trọng làm nên văn hoá doanh nghiệp. Và mỗi nơi làm việc lại có một văn hoá khác nhau.
3. Tại sao phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp ?
Dễ dàng hòa nhập khi văn hóa doanh nghiệp cởi mở
Một doanh nghiệp khi muốn xây dựng văn hóa công ty vững mạnh sẽ luôn đặt các giá trị cốt lõi ở trung tâm trong tất cả các khía cạnh của cơ cấu tổ chức và hoạt động hàng ngày của công ty. Thế nhưng nếu các giá trị đó không phù hợp với tư tưởng làm việc của cá nhân bạn, thì đó sẽ là một vấn đề lớn.
Lý do là vì nhân viên sẽ luôn yêu thích công việc của mình hơn khi nhu cầu và giá trị của họ phù hợp với những gì công ty đang hướng tới. Điều này cũng góp phần cải thiện khả năng tương tác của bạn với cấp trên và các đồng nghiệp trong quá trình giao tiếp và làm việc.
Vì vậy, sự không tương thích với văn hóa công ty sẽ cản trở sự hòa nhập của bạn với môi trường văn phòng và dần dần khiến bạn không còn niềm vui trong công việc.
Nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống văn phòng
Luôn có một mối liên hệ chặt chẽ giữa chất lượng cuộc sống nơi công sở của nhân viên với năng suất làm việc của họ. Chất lượng cuộc sống ở đây được hiểu là sức khỏe tinh thần và thể chất, cũng như sự hài lòng của họ với doanh nghiệp. Một văn hóa công ty lành mạnh có thể giúp bạn đạt được hiệu quả cao với cả hai yếu tố trên.
Trên thực tế, văn hóa doanh nghiệp đóng một vai trò không hề nhỏ trong việc phát triển đời sống của nhân viên một cách toàn diện. Chính vì vậy, những hành động hỗ trợ từ phía công ty, như giờ làm việc linh hoạt, hay một môi trường làm việc cởi mở cho phép nhân viên có tiếng nói, là vô cùng quan trọng.
Tất cả những điều trên giúp bạn luôn đảm bảo được động lực và tinh thần tốt trong công việc. Thêm vào đó, việc được hỗ trợ đầy đủ các nguồn lực và công cụ sẽ giúp tăng năng suất và mức hiệu suất nói chung.
Hiệu suất tăng, thường xuyên đạt được mục tiêu đề ra sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều với công việc mình đang làm.
Văn hoá doanh nghiệp khiến nhân viên sẵn sàng cống hiến lâu dài
Các khoản lương thưởng có thể là mục đích của việc đi làm, nhưng thứ luôn tạo động lực đẩy bạn tiến lên chính là cảm hứng. Bạn muốn trở thành một phần quan trọng của công ty, và những đóng góp của bạn có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển chung.
Văn hóa công ty có thể giúp bạn thực hiện điều này. Một trong những lợi thế lớn nhất của văn hóa công ty lành mạnh là nó có khả năng truyền cảm hứng cho các nhân viên và bạn là một trong số đó.
Một công ty xây dựng được văn hóa kinh doanh vững mạnh sẽ luôn biết cách khích lệ và tôn vinh các nhân viên của mình. Từ đó, bạn sẽ có động lực để cống hiến lâu dài, và trở thành một người không chỉ đóng góp vào văn hóa của tổ chức mà còn sẵn sàng quảng bá nó ra bên ngoài.
Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng
Văn hoá doanh nghiệp tích cực và lành mạnh sẽ nâng cao hạnh phúc cho nhân viên. Từ đó họ sẽ đóng góp và làm việc năng suất, sáng tạo hơn.
Điều này phản chiếu trực tiếp lên cách mà họ ứng xử với khách hàng. Nếu nhân viên luôn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng khi làm việc, họ cũng sẽ lan toả luồng cảm xúc đó tới khách hàng. Họ có thể giới thiệu sản phẩm hay tư vấn cho khách hàng nhiệt tình và tràn đầy năng lượng như cách họ được đối xử trong văn hoá công ty.
Theo Gallup, các doanh nghiệp sở hữu nhân viên hạnh phúc có thu nhập trên mỗi cổ phiếu cao hơn 147% so với các đối thủ cạnh tranh. Do đó, bên cạnh các chiến lược kinh doanh, marketing, tầm nhìn hay sứ mệnh, văn hoá chính là chìa khoá dẫn đến thành công của mỗi doanh nghiệp.
Đọc thêm : Văn hóa doanh nghiệp - 1 yếu tố quan trọng tác động đến sự thành bại trong kinh doanh.
4. Ba cách tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp của công ty
Tỷ lệ thay đổi nhân viên của doanh nghiệp
Tỷ lệ thay đổi nhân viên (turn rate) là tỷ lệ phần trăm nhân viên rời khỏi công ty trong một khoảng thời gian nhất định. Vì thế; tỷ lệ turn rate phản ánh được mức độ tích cực; khả năng giữ chân nhân tài của văn hóa doanh nghiệp.
Chúng ta biết rằng hiện tượng nhảy việc khá phổ biến; nhưng nếu một công ty có turn rate thấp; chứng tỏ họ đã xây dựng và đang duy trì văn hóa tích cực. Chỉ khi nhân viên cảm thấy sự tích cực và niềm đam mê với công việc thì họ mới có thể tiếp tục đến công ty mỗi ngày được.
Hãy tìm kiếm dữ liệu về turn rate của các doanh nghiệp khác nhau trong cùng một lĩnh vực. Nhờ đó bạn có thể so sánh và nhận ra mức turn rate phù hợp; đồng thời có thêm cơ sở để đánh giá về văn hóa doanh nghiệp.
Tham khảo ý kiến từ nội bộ doanh nghiệp
Bạn có kết nối với những người đã/đang làm việc tại công ty đó? Vậy thì đây là lúc bạn cần tận dụng mối quan hệ của mình để tìm hiểu những thông tin xoay quanh văn hóa doanh nghiệp của công ty.
Hãy chọn những người mà bạn tin tưởng như bạn bè, tiền bối, đồng nghiệp cũ,…Có thể hỏi họ về những yếu tố quan trọng như: Các nhân viên có phối hợp ăn ý với nhau hay không; họ có cảm thấy hài lòng với việc đi làm tại công ty đó mỗi ngày hay không.
Những ý tưởng mới được đón nhận thế nào ?
Nếu một công ty sẵn lòng đón nhận những ý tưởng mới; chứng tỏ văn hóa doanh nghiệp ở đấy luôn hướng đến sự cải tiến và hoàn thiện. Điều này giúp nhân viên cảm thấy họ được hỗ trợ để phát triển những ý tưởng của mình; và nhờ đó duy trì tinh thần tích cực trong suốt quá trình làm việc.
Làm thế nào để biết được về mức độ tiếp nhận ý tưởng mới của doanh nghiệp?
Điều này có thể tìm được qua nguồn tài liệu tự tạo của công ty: Có thể có những chủ đề tương tự nhau, nhưng họ có cách tiếp cận mới mẻ và khác lạ; cách thể hiện hình ảnh và tiếng nói riêng của công ty.
Trong trường hợp bạn đang tìm hiểu thông tin bằng cách hỏi người quen, hãy tìm hiểu về thái độ của công ty khi tiếp nhận với ý tưởng mới (có lắng nghe, làm thử nghiệm, v..v.. là những dấu hiệu tốt).
Xem thêm về văn hóa doanh nghiệp : Văn hóa doanh nghiệp là gì ? Nó quan trọng như thế nào ?
Đến đây, bạn nghĩ nơi mình đang hoặc sắp làm việc có văn hóa doanh nghiệp tích cực hay chưa? Hãy áp dụng ngay các gợi ý trên để tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp nhé.
Kết luận
Văn hoá doanh nghiệp chính là cột sống của một công ty. Nếu không có nó, mâu thuẫn trong doanh nghiệp sẽ rất dễ xảy ra. Chỉ cần một yếu tố bị thay đổi, toàn bộ con người trong doanh nghiệp sẽ dễ mất định hướng.
"Nếu doanh nghiệp là máy tính thì văn hóa doanh nghiệp là hệ điều hành"
Cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm giá trị của doanh nghiệp. Do đó có thể nói văn hóa như là linh hồn của doanh nghiệp. Nói nôm na: Nếu doanh nghiệp là máy tính thì văn hóa doanh nghiệp là hệ điều hành. Vì văn hóa doanh nghiệp phản ánh giá trị, tầm nhìn mà chủ sở hữu muốn tạo ra.