Đây là một trong những phương pháp mà chính tôi đã áp dụng để từng bước trả được hết nợ xấu (khoảng hơn 100 triệu VNĐ). Đó là phương pháp sử dụng tháp nhu cầu Maslow ngược!

Tháp Nhu Cầu Maslow Là Gì?


Tháp nhu cầu Maslow là một lý thuyết nổi tiếng trong tâm lý học, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những gì con người cần để cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn.

hình ảnh

Trong bài này, tôi đã chọn hình ảnh minh họa về Tháp nhu cầu Maslow có chú thích Tiếng Việt về "nhu cầu thể hiện bản thân" là "khai phá toàn bộ tiềm năng, tận dụng tối đa các khả năng".

Vì đa số sẽ hiểu nhầm việc tự thể hiện bản thân gắn liền với những thứ vật chất xa hoa. Hoặc sẽ máy móc làm theo từng bậc thang một để rồi khi lên đến bậc thang cuối thì bám chấp vào đó, mãi không thể leo xuống, đặc biệt là với những người đang đối mặt với nợ nần.

Những người khổ sở nhất KHÔNG phải là những người nghèo đang bục mặt cày tiền trả nợ.

Những người khổ sở nhất lại chính là những người đã-từng-giàu vẫn phải gồng người lên vừa trả nợ vừa sống cho đúng cái mác "người giàu" mà bản thân họ đã vẽ ra, đặc biệt là đã từng thể hiện trên mạng xã hội.

Và những người kiểu này thì đến 96,69% lại đâm đầu vào vòng xoáy vay mượn để duy trì cái đỉnh tháp nhu cầu Maslow (nhu cầu thể hiện bản thân).

Tôi đã viết khá kỹ điều này trong ebook “Debt Game”. Các bạn có thể đọc bản thảo “Debt Game” (Free) tại đây

Hiểu đúng về bậc thứ 5 của tháp nhu cầu Maslow


Tháp nhu cầu Maslow trong Tiếng Anh là "Maslow's hierarchy of needs".

Bạn có thể so sánh phiên bản gốc của Tháp nhu cầu Maslow bằng Tiếng Anh trong hình trên.

Khi dịch sang Tiếng Việt, từ "needs" với nghĩa gốc là "cần" dịch là "nhu cầu" thì sẽ dễ gây hiểu lầm theo nhu cầu kiểu mong muốn (demands). Trong khi "needs" nghĩa gốc là "cần". Và hiểu lầm chí mạng là khi dịch từ "self-actualization" là "tự thể hiện bản thân".

Self-actualization trong tiếng Anh có thể dịch sát nghĩa là tự thực hiện, nhưng để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của khái niệm này trong bối cảnh Tháp nhu cầu Maslow, chúng ta cần đi sâu hơn một chút.

Self-actualization là gì?

Trong Tháp nhu cầu Maslow, self-actualization là nhu cầu cao nhất và phức tạp nhất của con người. Nó đại diện cho mong muốn được phát triển bản thân một cách tối đa, khám phá và khai thác hết tiềm năng của mình.

  • Định nghĩa đơn giản: Đó là việc trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, sống một cuộc sống có ý nghĩa và thực hiện những điều mà bạn đam mê.
  • Ví dụ: Một họa sĩ muốn tổ chức triển lãm cá nhân, một nhà văn muốn xuất bản cuốn sách của mình, một nhà khoa học muốn khám phá ra một điều mới mẻ... Tất cả đều là những ví dụ về việc theo đuổi nhu cầu self-actualization.

Tháp nhu cầu Maslow ngược - Con đường thoát khỏi nợ nần

Tháp Nhu Cầu Maslow Và Vấn Đề Nợ Nần

Tháp nhu cầu của Maslow thường được áp dụng để xây dựng cuộc sống, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân và những gì mình muốn đạt được.

Tuy nhiên, trong trường hợp nợ nần, chúng ta cần phải nhìn nhận tháp nhu cầu theo một góc độ khác.

Khi gánh nặng nợ nần đè nặng lên đôi vai, việc tập trung vào những nhu cầu cấp cao như tự thực hiện trở nên xa vời.

Những bạn đã theo dõi tôi từ trước có lẽ đều biết các giai đoạn chính của tôi:

  • Là nhân viên Vietcombank trong 8 năm (2007-2015). Đó là công việc ổn định lương cao nhiều người mơ ước.
  • Trong 8 năm đó, tôi vẫn duy trì đam mê Moondancing với những nguồn thu nhập phụ như đi biểu diễn, biên đạo cho các event từ lớn đến nhỏ, bán và cho thuê trang phục biểu diễn, bán các vật phẩm liên quan đến Michael Jackson (sách, tạp chí, CD, DVD,v.v..),
  • Biết đến thế giới MMO từ 2011 với xuất phát điểm rất khiêm tốn là làm freelancer trên Fiverr với kỹ năng Moondancing chỉ với $5/gig. Nhưng dấu mốc đó đã mở ra cả một chân trời mới cho tôi khi tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về affiliate marketing.
  • Sau khi có 6 nguồn thu nhập đến từ online, tôi quyết định nghỉ việc ngân hàng vào năm 2015 để khởi nghiệp. Sự tự do đã cho tôi phát huy hết những tiềm năng. Tôi đã thử rất nhiều các hình thức MMO như blogging, affiliate marketing, dropshipping, AirBnB, thậm chí đầu tư crypto từ khá sớm (2017).

Có thể nói rằng tôi khá rủng rỉnh tiền bạc và chưa bao giờ rơi vào cảnh túng quẫn, giật gấu vá vai.

Nhưng do “chơi ngu” trong lĩnh vực tài chính năm 2021. Chỉ vì bị mờ mắt bởi tam độc Tham-Sân-Si. Tôi đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Cuối cùng gánh hơn 100 triệu nợ xấu và 2,1 tỉ nợ ngân hàng. Đã có những lúc tôi phải vay từng triệu đồng của rất nhiều người (từ bạn bè, họ hàng, gia đình,v.v..) để duy trì cuộc sống.

Tháp Nhu Cầu Maslow Ngược: Cách Thức Hoạt Động

Bắt đầu từ đỉnh tháp: Tại sao lại bắt đầu từ nhu cầu cao nhất?

Khi mới biết về nhu cầu Maslow, tôi có xu hướng nghĩ rằng để đạt được hạnh phúc, tôi cần phải thỏa mãn tất cả các nhu cầu, từ thấp đến cao.

Tuy nhiên, khi đã mắc nợ, việc tập trung vào những nhu cầu cao nhất như sự thể hiện bản thân, sự công nhận của xã hội chỉ khiến tôi càng thêm căng thẳng và khó khăn hơn trong việc trả nợ.

Bằng cách bắt đầu từ việc loại bỏ những nhu cầu này, tôi sẽ giảm bớt áp lực và có thêm động lực để tập trung vào những gì thực sự quan trọng.

Đặc biệt là khi nợ, tôi lại bị bám chấp vào những thứ ở trên đỉnh tháp như cái tôi cá nhân, sự công nhận của xã hội,v.v..

Tôi bị cuốn vào một vòng luẩn quẩn của việc cố gắng đáp ứng những nhu cầu cao hơn như sự công nhận, địa vị xã hội, trong khi lại bỏ qua những nhu cầu cơ bản nhất.

Và khi đọc và hiểu sâu hơn về từ gốc Tiếng Anh "self-actualization", tôi nhận ra rằng, để thoát khỏi nợ nần, tôi cần phải bắt đầu từ việc nhận diện chính xác và loại bỏ dần những nhu cầu không cần thiết, thay vì cố gắng đạt được tất cả mọi thứ.

Bài viết cũng đã khá dài. Nếu bạn thấy hứng thú thì có thể đọc tiếp trên blog cá nhân của tôi: “Tháp Nhu Cầu Maslow Ngược: Bí Kíp Giúp Tôi Trả Hết Nợ Xấu”

Tú Michael - Moondancer, Marketing Artist