Có thể bạn nghĩ ủi đồ thì chỉ là cầm bàn ủi ủi những chỗ bị nhăn, ai mà không biết, nhưng ủi đồ sao cho vừa nhanh, vừa giữ được quần áo phẳng và bền thì lại cần có những bí kíp dưới đây đấy!
Dùng dấm để xóa vết nhăn
Quần áo gấp lại để lâu trong tủ sẽ xuất hiện những vết gấp cứng đầu. Bạn nên dùng giấm để xoa lên những vết gấp sau đó mới dùng bàn ủi để ủi. Vì giấm có tác dụng làm mềm vải, giúp vải bớt xơ, tiết kiệm thời gian ủi.
Đối với quần có phần đầu gối bị phồng do mặc lâu ngày, bạn cũng có thể dùng giấm loãng xịt lên bề mặt, giúp ủi dễ hơn. Còn quần tây bị sờn đầu gối, bạn cũng có thể dùng giấm loãng xịt lên mặt trái của quần và ủi, quần sẽ đều màu trở lại.
Ủi mặt sau với các loại vải thêu, lanh, lụa
Nhiệt độ cao dễ làm thay đổi màu sắc của các loại vải như lanh, lụa, và làm khiến các hoạt tiết của vải thêu xô lệch, không còn nguyên vẹn. Vì vậy nên ủi từ mặt sau của các loại vải này và cẩn thận thì nên rải thêm một chiếc khăn bông xuống phía dưới vải.
Để quần áo tơ tằm vào ngăn đá trước khi ủi
Vải tơ tằm nhăn và dễ rách. Để việc ủi dễ dàng hơn, bạn nên cho nó vào một cái túi nilong và bỏ vào ngăn đá tủ lạnh khoảng một tiếng, vải sẽ cứng lại và dễ ủi hơn.
Dùng nước gạo để ủi vest
Tinh bột có tác dụng như một chất gắn kết khi hồ vải. Vì vậy nước gạo có công dụng làm cứng vải. Các bộ vest thường được may rất kì công và tinh xảo, vì vậy bạn có thể cho nước gạo pha loãng vào bình xịt, xịt lên các phần ly của áo vest trước khi ủi. Làm như vậy bộ vest nhìn sẽ cứng cáp và phẳng phiu hơn.
Kẹp bìa vào giữa 2 mặt để ủi cà vạt
Cà vạt thường làm bằng lụa hoặc những chất liệu mỏng, diện tích nhỏ nhưng nhiều đường may. Nếu cứ ủi theo cách thông thường thì có thể khiến các vết may hiện lên mặt phải, trông rất xấu. Giải pháp cho bạn là dùng một miếng bìa có hình giống cà vạt, luồn vào giữa hai mặt ca vát để định hình dáng và ngăn hai phần vải.
Lưu ý cuối cùng là sau khi ủi đồ bạn nên treo lên ngay vì lúc đó nếp nhăn sẽ dễ hình thành hơn bình thường đấy.