Năm 2014 vừa khép lại. Bao nhiêu là việc xảy ra. Bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng nếu ai hỏi mình nhớ kỹ chuyện gì nhất thì mình sẵn sàng trả lời đó là chuyện con gái nhỏ của mình bị viêm ruột thừa phải phẫu thuật. Lúc đó con nhà mình chưa tròn 3 tuổi nữa.


Con bệnh. Đó là điều không bà mẹ nào mong muốn hết.



Như vài lần không khoẻ trước, con bắt đầu cơn bệnh bằng một cơn sốt nhẹ. Đó là vào buổi tối ngày thứ Sáu. Người làm mẹ như mình nghĩ chắc con cũng chỉ sốt nhẹ mà thôi.


Sáng Chủ nhật cả nhà vẫn còn đi chơi đến trưa mới về. Sang thứ Hai con vẫn đến trường bình thường. Chiều mình đến đón nghe cô giáo thông báo con nôn ói mấy lần. Đến rạng sáng ngày thứ Ba con đột nhiên sốt cao gần 40°C nên mình đưa con đi khám bệnh tại một phòng khám tư nhân. Bác sĩ kết luận con bị nhiễm siêu vi nên kê cho con một ít thuốc kháng viêm và hạ sốt. Về nhà con ăn uống ít, ăn tí gì cũng ói ra. Mình lại nghĩ con bị trúng thực nên pha nước gừng cho con uống. Con kêu "khó chịu quá" liền miệng. Đến gần 1h sáng ngày thứ Tư con sốt cao gần 41°C. Mình hoảng hồn đút 1v thuốc hạ sốt vào cho con, lau mát 30' mà vẫn không hạ. Vội vàng bế con vào bệnh viện đa khoa gần nhà. BS cho nhập viện theo dõi.


Nằm 1 ngày ở BV, làm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, cặp nhiệt ... đến khuya tự dưng con bật dậy khóc, miệng liên tục kêu khó chịu. Vậy là BS cho đi siêu âm theo dõi viêm ruột thừa ngay lúc đó. Rồi cả ca trực chạy quáng quàng lên. BS thông báo con phải chuyển sang BV Nhi Đồng 2 ngay vì con bị viêm ruột thừa. Hồn vía mình lên mây. Hai mẹ con ngồi trên xe cấp cứu di chuyển trên đường vắng lúc nửa đêm. Không biết sao mình có cảm giác xe chạy quá chậm.


Con nhập khoa Ngoại tổng hợp lúc 1h sáng. BS trực ở khoa quyết định không mổ cho con ngay vì con không có dấu hiệu của viêm ruột thừa. Mình gần như khóc năn nỉ cô ấy nhưng vẫn không lay chuyển được. Thế rồi tự dưng có một bác sĩ nam ở đâu hiện ra bảo ca này mổ ngay. Sau này mình mới biết đó là bác sĩ Trần Quốc Việt, từng đoạt giải nhất tài năng trẻ của BV Nhi Đồng 2 năm 2012.


Con được đặt kim luồn chờ mổ:


webtretho


Mình bế con vào phòng mổ và giao con cho BS gây mê hồi sức lúc 3h sáng. Đến 11h20' trưa con mới được ra phòng ngoài. Con bị viêm phúc mạc do ruột thừa viêm đã vỡ. Thương con lắm. Người con lủng lẳng nào là túi dịch ổ bụng và cả túi nước tiểu. Nhìn con vật lộn với cơn đau trong cơn sốt mình ước sao mình có thể gánh hết cho con.


Hình ảnh đầu tiên của con ở phòng hậu phẫu:


webtretho


Như một phép mầu, con hồi phục cực nhanh. Sáng hôm sau con đã xuống đất tập đi cho không bị dính ruột. Mặt nhăn nhó vì đau nhưng con vẫn đi được hơn chục bước. Con được tháo ống thông tiểu. Vậy là trên người con chỉ còn ống dẫn lưu cho dịch ổ bụng thoát ra ngoài thôi.


Con xuống đất tập đi. Mặt nhăn nhó vì đau:


webtretho


Ngày thứ 2 sau mổ con được thay băng. Con không khóc. Ngày thứ 3 cũng không khóc.



Ngày thứ 4 sau mổ con rời phòng hậu phẫu.



Ngày thứ 5 sau mổ con được rút ống dẫn lưu.


Ở cùng phòng của con có anh Thiện Nhân. Anh nói “không biết thay băng có đau không ha?” thì con nói “lấy bông gòn chà chà xong dán băng keo lại” ý là chẳng đau gì đâu. Tới lúc rút ống dẫn lưu con khóc điếng người luôn vì quá đau.


Cười thật tươi sau khi khóc một trận:


webtretho



Ngày thứ 6 sau mổ con đã líu lo nói cười với các anh chị trong phòng truyền thuốc. Có anh Tín tiếu lâm chuyên chọc cho cả đám cười. Mình bảo “anh Tín cười nhiều quá coi chừng tè ra quần bây giờ” thì con nói “mẹ, để con lấy cho anh miếng tã của con”. Cả phòng từ BS đến y tá, thực tập lẫn bệnh nhân đều cười nghiêng ngả.



Ngày thứ 7 sau mổ con được xuất viện. Con bye bye và hôn gió tạm biệt các cô y tá và bác sĩ trong khoa. Mọi người đều chúc mừng con được ra viện, chúc con nhiều điều tốt lành.


Mọi chuyện kết thúc tốt đẹp rồi. Con cũng đã khỏe lại. Nhưng mẹ con mình chẳng bao giờ quên những ngày này.


Làm một pose trước khi về nào:


webtretho