Bạn có chắc chắn mình bị viêm nang lông? Đôi khi ta dễ bị nhầm lẫn với dày sừng nang lông. Hãy để chúng tôi giúp bạn phân biệt và tìm ra hướng giải quyết phù hợp.
Bạn có chắc chắn mình đang bị viêm nang lông?
Phân biệt viêm nang lông và dày sừng nang lông
Nếu không được thăm khám chính xác, nhiều bạn vẫn hay bị nhầm lẫn dày sừng nang lông với viêm nang lông (còn gọi là viêm lỗ chân lông). Xác định sai tình trạng khiến việc điều trị trở nên kém hiệu quả. Trị viêm nang lông mãi không khỏi hay là do bạn đã đi chệch hướng ngay từ khi bắt đầu?
Dày sừng nang lông có biểu hiện điển hình là những vết sần nổi lên dày đặc phía trên nang lông, kèm theo tăng sắc tố (màu hồng/nâu). Chúng thường tập trung ở mặt ngoài cánh tay, đùi, mông. Khi chạm vào thường không có cảm giác đau, đôi khi có ngứa, viêm, sưng đỏ.
Viêm nang lông xuất hiện ở nhiều vị trí, thường gặp nhất là ở đầu, mặt, cổ, lưng, cẳng tay, cẳng chân… Phần lớn là các tổn thương nhỏ, đơn độc, có thể khỏi mà không để lại sẹo.
Viêm nang lông và dày sừng nang lông cũng có sự khác biệt về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ:
- Nguyên nhân: Nguồn gốc chính của dày sừng nang lông là do keratin tích tụ ở vùng cổ nang lông, tạo nên các nút tế bào chết bít chặt lấy nang lông. Trong khi đó, nguyên nhân viêm nang lông lại chủ yếu xuất phát từ vi khuẩn (tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh).
- Yếu tố nguy cơ: Cơ địa và di truyền (di truyền trội trên NST thường) đóng vai trò quan trọng đối với người bị dày sừng nang lông. Bệnh thường bùng phát vào mùa động khi độ ẩm không khí thấp, da bị khô. Khác với đó, viêm nang lông phát sinh trên điều kiện da bị xây xước, tổn thương, kích ứng với thuốc/ mỹ phẩm hay do ẩm ướt. Viêm nang lông có thể xuất hiện ở diện rộng (toàn thân) ở người bị suy giảm miễn dịch, tiểu đường, suy thận chạy thận, bệnh bạch cầu.
Keratin tích tụ ở vùng cổ nang lông thành các nút sừng
Phương pháp điều trị hiệu quả
Dày sừng nang lông có thể gây ra viêm nang lông. Nhưng, viêm nang lông không phải lúc nào cũng đi kèm với tình trạng dày sừng. Vì vậy, để đạt được kết quả mong muốn, cần có phương pháp điều trị thích hợp.
Chữa dày sừng nang lông như thế nào?
Về cơ bản, dày sừng nang lông không gây tổn hại đến sức khỏe người bệnh nhưng ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ da. Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm được tình trạng này. Tuy nhiên, tin vui là chúng ta có một số phương pháp kiểm soát cho sự cải thiện tốt.
Dưỡng ẩm: Da khô khiến dày sừng trở nên trầm trọng hơn. Do đó, nên sử dụng các loại kem/lottion cấp ẩm cho da (urea, glycerin, acid hyaluronic, alantoin, nicotinamid,..). Da đủ ẩm, mềm làm dịu nhanh cơn ngứa, giảm tình trạng gãi gây xây xước, thâm da. Nên thoa lúc da còn ẩm (ngay sau khi tắm) để tăng cường khả năng hydrat hóa. Tránh tắm nước quá nóng vì sẽ khiến da bị khô.
Tẩy tế bào chết: Làm thông thoáng nang lông, loại bỏ tế bào chết giúp giảm thiểu hiện tượng sừng hóa. Nên cân nhắc tẩy tế bào chết vật lý hay hóa học từ 1-2 lần/tuần.
- Tẩy tế bào chết vật lý: Khăn vải, đá cuội, xơ mướp, bông tắm, muối tắm, bột dược liệu, vi hạt nhựa,… Dùng lực vừa phải, tránh gây xước da, tổn thương sâu.
- Tẩy tế bào chết hóa học: Có nhiều nhóm đa dạng, tác dụng tăng dần từ enzyme, AHA, PHA, BHA. Chúng có thể gây kích ứng, cần bắt đầu từ nồng độ thấp tăng dần lên để da thích ứng.
Dẫn xuất của vitamin A (Retinol, adapalen, tretinol,…): Điều hòa quá trình sừng hóa, ngăn hình thành các nút sần và sự tích tụ keratin. Lưu ý, các hoạt chất này thường gây khô da, kích ứng. Cần tăng cường dưỡng ẩm trong khi sử dụng.
Laser: Cải thiện cấu trúc da, giảm tình trạng viêm, tấy đỏ đối với bệnh nhân dày sừng nang lông nghiêm trọng, không thuyên giảm dù đã điều trị bằng kem bôi và thuốc.
Lưu ý: Cần duy trì thực hiện các biện pháp một cách thường xuyên, liên tục.
Giải pháp cho dày sừng nang lông
Cách trị viêm nang lông (viêm lỗ chân lông/viêm chân lông)
Nguyên tắc chính trong điều trị viêm nang lông là loại bỏ các yếu tố nguy cơ, vệ sinh cá nhân và tránh cào gãi, gây thương tổn. Viêm nang lông ở tay, chân, nách, cằm thường xuất hiện sau quá trình cạo, nhổ lông. Do đó, cần chú ý vệ sinh sạch da và dụng cụ để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Tùy từng trường hợp mà áp dụng các biện pháp ngăn ngừa viêm nhiễm phù hợp. Cách trị viêm lỗ chân lông chủ yếu hiện nay là diệt khuẩn, kháng sinh.
- Dung dịch sát khuẩn: Povidone- iod 10%, Hexamidine 0,1%, Chlohexidine 4%,… Bôi sát khuẩn từ 2-4 lần/ngày.
- Kháng sinh, diệt khuẩn bôi: Acid fucidic, Mupirocin, Neomycin, Bạc sulfadiazine, Erythromycin, Clindamycin… Bôi kéo dài từ 7-10 ngày.
- Kháng sinh uống: Trường hợp nặng, bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám và cân nhắc sử dụng kháng sinh uống (đường toàn thân). Đảm bảo tuân thủ đúng theo chỉ định, uống đủ liều, đủ thời gian điều trị để ngăn ngừa tái phát nặng hơn.
Viêm nang lông và dày sừng nang lông vốn không quá khó để phân biệt. Nắm đúng nguyên nhân để có cách điều trị hiệu quả. Chúc bạn luôn có một làn da khỏe mạnh, xinh đẹp.