Vụ "đấu tố" ông bố nuôi 2 con bị teo não: người cho tiền từ thiện vô tội vạ mới là người sai vì...
Lướt news feed mới có vài phút là thấy ngập đầy những bài viết về vụ anh Đặng Hữu Nghị, ông bố nuôi 2 con bị teo não, bị nghi ngờ và bị tố lợi dụng các con để kiếm tiền từ thiện, gian dối để đánh lừa tình thương của mọi người. Anh nhận rất nhiều tiền của các mạnh thường quân trong những năm qua nhưng vẫn tỏ ra khó khăn, giấu giếm tài sản và vẫn xuất hiện trên truyền thông xin giúp đỡ từ sự mủi lòng của mọi người.
Đọc nhiều nguồn thông tin về vụ việc này và ý kiến của mọi người, cả bênh vực lẫn chê trách anh Nghị thì em rút ra kết luận như thế này: người sai không hẳn là anh Nghị, người lên tiếng nghi ngờ và nói lên sự thật về anh trong những năm qua cũng không sai, người có lòng tốt giúp đỡ anh Nghị lại càng không sai. Cái sai của vụ việc này nằm ở chuyện “cho và nhận”, người cho đã cho sai cách và người nhận cũng nhận sai cách.
Nhiều người bảo anh Nghị không có lòng tự trọng, sau khi nhận được một số tiền lớn của các mạnh thường quân trong nhiều năm nay vẫn tiếp tục lôi 2 đứa con bệnh tật ra xin tiền từ thiện. Họ còn dẫn ra những người còn khó khăn hơn nhưng vẫn không ngừng nỗ lực tự mình sinh tồn chứ không mang hoàn cảnh ra cầu xin lòng thương xót và sự giúp đỡ của mọi người.
Song phải đặt mình vào hoàn cảnh của anh Nghị mới có thể hiểu được. Anh không thể kiếm ra được nhiều tiền, lại không có năng lực tự tạo một công việc ổn định để đảm bảo cho tương lai của mình và các con. Thế nên khi người khác tình nguyện đến giúp đỡ anh, cho anh tiền, anh đã nhận và nghĩ rằng có thể tận dụng điều này để tích lũy một số tiền phòng hờ cho các con. Đó chính là lý do vì sao anh có một ngôi nhà khang trang ở Bình Tân và hiện sống ở đó nhưng đến khi các mạnh thường quân đến thăm và truyền thông tìm đến ghi hình thì anh lại quay trở về căn nhà lụp xụp trước kia.
Câu chuyện của ông bố nuôi 2 con bị teo não gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nguồn: Internet
Trước khi đánh giá vụ việc này, để có cái nhìn xác đáng hơn, xin mọi người hãy dành chút thời gian đọc câu chuyện có tên là “Con cá, cần câu, người ăn mày” dưới đây:
“Câu chuyện kể rằng vào một ngày nọ, ở làng chài có một thanh niên đi câu cá, trên đường về gặp một người ăn xin sắp chết đói. Anh thanh niên thương tình nên bắt trong giỏ cá của mình vừa đi câu về cho người ăn xin một con cá. Người ăn xin đã nướng ăn và thoát được cơn đói. Anh thanh niên về rất vui, gặp anh bạn hàng xóm kể lại câu chuyện mình đã làm được một việc thiện. Anh bạn hàng xóm lắc đầu bảo rằng anh làm như vậy là không chắc đã tốt. “Không chỉ cho cá, cậu nên cho người ăn xin cần câu để ông ta tự mình đi câu kiếm sống. Không tin, ngày mai cậu đi qua sẽ thấy người ăn xin đó vẫn bị cơn đói hành hạ.”- Anh hàng xóm nói.
Ngày hôm sau anh thanh niên rủ anh bạn hàng xóm cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời anh hàng xóm nói, hai người gặp lại người ăn xin đang nằm lả bên vệ đường. Anh thanh niên lại cho người ăn xin cá và anh hàng xóm cho người ăn xin cần câu. Cả hai trở về trong tâm trạng vui vẻ vì đã làm được việc thiện. Trên đường về hai người gặp một anh bạn khác cùng xóm. Cả hai hào hứng kể lại câu chuyện trên cho anh hàng xóm này nghe. Anh hàng xóm này lắc đầu nói: “Các cậu làm vậy chưa ổn. Cho người ăn xin cần câu rồi nếu không chỉ cho ông ta cách câu thì ông ta câu thế nào được cá. Ngày mai trở lại các cậu sẽ thấy người ăn xin vẫn bị đói.”
Ngày hôm sau cả ba người cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời anh hàng xóm nói, ba người gặp lại người ăn xin đang nằm còng queo, quắp chiếc cần câu lả bên vệ đường. anh thanh niên lại cho người ăn xin cá và anh hàng xóm sửa lại cần câu, anh bạn hàng xóm mới giảng giải tỉ mỉ phương pháp câu cá, từ mắc mồi câu đến phương pháp câu từng loại cá…v.v ..Thế rồi cả ba trở về trong tâm trạng đầy hưng phấn, tin chắc tư nay người ăn xin sẽ không sợ đói nữa. Khi ba người về gặp ông lão ngư trong làng – một người từng trải, đầy kinh nghiệm, người đã gắn bó cả cuộc đời với nghề đi câu, cả ba hào hứng kể lại câu chuyện người ăn xin. Lão ngư ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nghi hoặc: “Các cậu đã làm đúng, thế nhưng lão nghĩ chưa đủ. Lão chỉ sợ thiếu một điều có lẽ còn quang trọng hơn. Các cậu chỉ cho người ăn xin công cụ, kỹ năng, phương pháp, tôi tin người ăn xin này vẫn đói!
Các cậu biết tại sao không? Lão ngư hỏi. Ba thanh niên ngơ ngác, mong lão ngư giải thích giùm. Lão ngư nói:
– Thứ nhất người ăn xin làm nghề này nhiều năm, nó đã ngấm vào máu của ông ta, và đó là thói quen của ông ta, trong đầu ông không có khái niệm tự đi kiếm miếng cơm manh áo cho mình, mỗi ngày mới đến trong đầu ông ta chỉ có khái niệm xin, xin và xin mà thôi, vì vậy trước tiên các con cần giúp ông ta định hình lại suy nghĩ.
– Thứ hai như các con đã biết không phải cứ thả mồi xuống là đã có cá đôi khi phải kiễn nhẫn câu cả tiếng, cả buổi…có khi cả ngày không được con nào bài học thứ hai ông ta phải học đó là kiên trì.
– Thứ ba có một yếu tố cực kỳ quan trọng, nó giải thích tại sao cả đời ông ta chỉ đi ăn xin, đó chính là niềm tin của ông ta. Trước buổi hôm nay vào vài ngày trước lão có nói chuyện với ông ta một lúc, lão có hỏi một câu rằng: Sức lực của ông vẫn dồi dào như vậy sao không học một nghề gì đó để kiếm sống hoặc có thể đi câu cùng tôi?”
Câu chuyện của anh Nghị và những người giúp đỡ anh cũng giống như câu chuyện sâu sắc trên. Anh Nghị có ỷ lại vào sự giúp đỡ của mọi người không? Câu trả lời là có. Sự ỷ lại của anh ấy có một phần lỗi rất lớn từ việc cho tiền từ thiện vô tội vạ của chính chúng ta. Giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn là một việc nghĩa, một việc làm tốt đẹp nhưng đã giúp thì phải giúp cho đúng cách. Chúng ta cho anh Nghị tiền nhưng không chỉ cho anh ấy cách phải dùng số tiền đó như thế nào để không cạn kiệt, không chỉ cho anh ấy sử dụng số tiền đầu tư vào một công việc ổn định (như buôn bán nhỏ chẳng hạn). Chúng ta nghĩ chỉ cần mang tiền đến cho là xong, rồi sau bao năm lại thảng thốt vì sao người mình giúp đỡ vẫn cứ như thế không có gì thay đổi.
Cho thì cũng phải biết cách cho cho đúng. Đừng chỉ cho người ta “con cá” mà hãy cho họ cái “cần câu”!