Nhiều người tin rằng hầu hết người trên đời không ít thì nhiều chỉ lo cho bản thân mình và không quan tâm đến người khác. Nhưng, có phải ai cũng như vậy?
Rạng sáng ngày 2/12/2015 theo giờ Việt Nam, cư dân mạng trên khắp thế giới xôn xao với lá thư đầy xúc động mà ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg gửi Maxima, cô con gái nhỏ vừa chào đời của anh. Với niềm vui của người lần đầu làm bố, Mark quyết định sẽ tặng 99% giá trị cổ phiếu Facebook mà anh đang nắm giữ, để dành cho các công việc thiện nguyện.
Ngay lập tức, ghi chép của Mark ở Facebook cá nhân đã nhận được sự chia sẻ, lan truyền rộng rãi. Số lượng cổ phiếu mà Mark có ý định trao tặng hiện tại có giá trị khoảng 45 tỷ USD, một con số khổng lồ, đủ sức triển khai rất nhiều dự án phát triển với quy mô toàn thế giới.
Thế nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó.
Chỉ sau một ngày sự kiện được tung hô, báo chí và một tập thể con người gọi là “cộng đồng mạng” bắt đầu dấy lên sự nghi ngờ. Theo đó, Chan Zuckerberg Initiative (CZI), tổ chức từ thiện của Mark, sẽ được vận hành như một công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC), thay vì một tổ chức từ thiện. Và điều đó đã làm “phật ý” nhiều người. Một tạp chí ở Mỹ đã nói rằng đó là kế hoạch của Mark nhằm mục đích để kiểm soát tiền của cá nhân và trốn thuế. Một số người khác bảo đây là một “chiêu trò” của Mark để thu hút sự chú ý của các nhà tài trợ. Và cứ thế họ phân tích, mổ xẻ, và họ quy chụp rằng con số 45 tỷ USD Mark đưa ra thực chất mang nhiều thâm ý khôn ngoan hơn so với một khoản tiền từ thiện thông thường.
Về cá nhân tôi, tôi không quan tâm lắm việc người ta phê phán Mark, nhưng tôi tự hỏi phải chăng sự nghi ngờ của con người ngày càng quá lớn, đến nỗi họ không tin vào một điều gì tốt đẹp nữa?
Tạm lấy một vài câu chuyện của nước ta làm minh chứng. Angela Phương Trinh đến thăm người mẫu Duy Nhân, tặng anh 100 triệu đồng và điều Trinh nhận lại là sự chỉ trích, chê bai, ném đá, nghi ngờ lợi dụng để PR tên tuổi của dư luận. Khi ca sĩ Wanbi Tuấn Anh mất, các nghệ sĩ đến viếng thăm bị cho rằng giả tạo, “đóng kịch”, lợi dụng cơ hội này để báo chí biết đến.
Người nổi tiếng bị soi mói, người bình thường cũng không tha. Nhóm phượt Phong Vân, một nhóm phượt trẻ đã quên mình cứu nạn nhân trong chiếc ô tô bị nạn ở Lào Cai hồi tháng 9/2014, khi được đưa tin cũng lập tức bị nghi ngờ là làm hàng, PR... Một người đàn ông cứu giúp cháu bé bị mẹ đẻ đánh đập tàn nhẫn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự... Dường như bất cứ khi nào, ở đâu, khi một hành động nhân văn được nói tới thì lập tức nghi ngờ xuất hiện.
Người không biết thì tự hỏi liệu lòng tốt có còn tồn tại trong thế giới này? Người biết lơ mơ thì thắc mắc đâu là sự thật? Người trong cuộc thì chẳng hiểu liệu có nên tiếp tục... tốt? Những cuộc tranh luận thế này sẽ “góp phần” làm mất dần những hành động đẹp vốn đã ngày càng ít ỏi.
Quay trở về câu chuyện từ thiện. Ở thời đại thế kỷ 19 – 20, hoạt động từ thiện lúc này là một dạng “mea culpa” - cụm từ trong Kinh Sám Hối, tạm dịch là “lỗi của tôi”, xuất phát từ khái niệm về lòng nhân từ, sự vị tha, và cảm giác tội lỗi. Thời gian mà Bill Gates bắt đầu làm từ thiện chính là chương cuối của khoảng thời gian đó.
Thế nhưng, trong thời đại của Mark Zuckerberg từ thiện không phải là “từ thiện”, tức là không phải cho đi tất cả, cho bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Thế hệ các nhà hảo tâm ngày nay, dù lớn hay nhỏ, họ vẫn muốn nhìn thấy được lợi ích và lợi nhuận thật sự của mình trên vốn đầu tư vào mục đích xã hội. Họ từ thiện theo một chiến lược doanh thu. Họ muốn biết rằng số tiền mình bỏ ra sẽ được đưa đến những ai, trong điều kiện hoàn cảnh nào, có phù hợp hay không. Họ không làm cá nhân mà tạo thương hiệu riêng để thu hút những nhà hảo tâm khác cùng chung tay với họ.
Đó là lý do tại sao Kiva và Kickstarter – tổ chức cung cấp tín dụng đã giúp đỡ hàng chục ngàn công ty mới thành lập huy động vốn hoặc hoạt động doanh nghiệp – lại phát triển ngày càng mạnh. Đó là lý do tại sao dịch vụ Watsi của Y Combinator - hãng chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ những công ty còn non trẻ - lại trở thành một cơn sốt nhận được đông đảo sự chú ý. Đây là những mô hình tổ chức từ thiện có chiến lược. Các nhà tài trợ luôn biết chính xác tiền của họ đang đi đâu, giữ và nuôi dưỡng số tiền ấy một cách trách nhiệm.
Trong câu chuyện của Mark và cách chúng ta – hay những người khác - đang không đồng tình và nghi ngờ về hoạt động từ thiện của quỹ Zuckerberg Chan (một LLC) ngày hôm nay, đó là một triệu chứng của hệ tư tưởng cũ. Hãy bắt đầu có cái nhìn tích cực hơn khi xét về hiệu quả, một LLC được cho là sự lựa chọn rất tốt để huy động nguồn tài trợ từ khắp nơi, để lòng hảo tâm có thể cất giữ và nuôi dưỡng ngày một lớn mạnh. Trong cuộc sống hối hả với công việc, gia đình, đôi khi chúng ta không đủ thời gian để đến tận nơi, giúp tận tay những người khó khăn thì giờ đây, sẽ có một tổ chức hoạt động có điều kiện, có nhân lực thay ta làm điều đó.
Lòng tốt thực sự vẫn tồn tại
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mới của hoạt động từ thiện, nơi mà có thể cho rằng các nhà hảo tâm là những nhà đầu tư. Họ tổ chức, họ tận dụng lợi thế tên tuổi để huy động vốn, họ thuê nhân lực và mục tiêu duy nhất là hướng đến nguồn lợi dành cho khách hàng – những người có cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt. Và đó là cách Mark hoạt động 99% tài sản tương đương 45 tỷ USD của anh.
Vậy Mark đang có “âm mưu” lợi nhuận cá nhân, hay anh đang cho đi tài sản của mình một cách thông minh, công bằng và hợp lý? Không thể phủ nhận rằng thế giới đầy rẫy những sự hằn học, chúng ta thì đọc và nghe về tội ác hàng ngày trên báo đài đến nỗi nghiễm nhiên coi rằng điều đó là đương nhiên trên thế giới. Nhưng tin hay không tùy bạn, vẫn còn rất nhiều lòng tốt và sự tử tế ngoài kia. Sẽ có rất nhiều người muốn làm những điều không tưởng – những điều để khôi phục lại cách nhìn và niềm tin của chúng ta về con người. Đừng để sự nghi ngờ giết chết lòng tốt của người khác và giết cả lòng tốt trong mỗi chúng ta.
Thanh Tú
Bài viết liên quan