Trấn Thành khóc nghẹn với cuộc đời đầy giông bão của Tâm "Sida": Bị bố mẹ đẻ từ chối, bán trinh tiết cưu mang "người dưng" đến nhiễm HIV và...
Mấy hôm trước, xem cuộc trò chuyện của Trấn Thành và chị Trương Thị Hồng Tâm - được nhiều người biết đến với tên gọi Tâm "sida" trong chương trình "Gương hai chiều" mà em không cầm được nước mắt. Cuộc đời của người phụ nữ này quá bất hạnh, nếu không có một nghị lực phi thường thì chị không thể đứng lên làm lại từ đầu như bây giờ.
Từ thuở thiếu thời, chị Hồng Tâm đã lầm đường lạc lối để rồi cuộc đời chị trượt dài trên những cái sai nối tiếp, hết tấn bi kịch này đến nỗi khốn cùng khác trút lên đầu chị. Nhưng sau tất cả, sự dũng cảm vượt qua số phận của chị đang truyền cảm hứng sống cho rất nhiều người.
Sa ngã vì có "4 ông bố, 6 bà mẹ" nhưng chẳng ai thương
Cuộc đời của Tâm "sida" bắt đầu rơi vào con đường sa ngã khi phải sinh tồn trong hoàn cảnh thiếu vắng tình thương.
Chị có 4 ông bố và 6 bà mẹ vì cha mẹ ruột liên tục thay chồng đổi vợ, nhưng không ai đứng ra quan tâm, bảo bọc chị. Sống cùng bà nội cho đến năm 7 tuổi thì chị Tâm bị cha bắt về sống cùng mẹ ghẻ.
Đúng như người đời thường nói, "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng", chị Tâm không chỉ phải cung phụng mẹ ghẻ và con riêng, mà còn phải chịu cảnh đòn roi, ghẻ lạnh, có lúc chị thấy mình thua cả một con vật. Quá uất hận, Hồng Tâm bỏ nhà đi bụi đời khi vừa tròn 10 tuổi.
Bị mẹ đẻ từ chối
Rời gia đình cha ruột, Hồng Tâm lang thang tìm mẹ đẻ vì hàng đêm đều mơ thấy mẹ. Đến khi tìm được mẹ, chị lại bị chính mẹ đẻ và cha dượng từ chối nuôi dưỡng, gửi đến một gia đình khác.
Chưa kịp làm quen với môi trường mới, Hồng Tâm bị chủ nhà lạm dụng tình dục ở tuổi thiếu niên. Cay đắng nhất là vợ chủ nhà trút mọi tội lỗi lên đầu chị, chửi đánh tàn nhẫn. Không ai tin tưởng chị là nạn nhân, kể cả mẹ ruột của mình.
Để tự nuôi sống mình, Hồng Tâm xin vào một gia đình để chăm em bé và làm mọi việc trong nhà. Dù cơ cực nhưng chị vẫn cảm thấy mình may mắn vì được đi học 1 buổi mỗi ngày. Mọi chuyện những tưởng sẽ trở nên tốt đẹp và ấm áp với Tâm, nhưng "vận rủi" tiếp tục đeo bám cô. Ngày chuẩn bị vào lớp 6, Hồng Tâm được con gái ông chủ tặng một chiếc áo mới để đi học. Ướm chiếc áo mới lên mình, Hồng Tâm bất ngờ lãnh nhận cú tát như trời giáng cùng lời buộc tội "ăn cắp" từ ông chủ. Trước sự vô cảm của cha mẹ và những bạc đãi liên tiếp của người đời, Hồng Tâm tiếp tục phiêu bạt với cuộc sống lang thang.
Từng nhảy lầu vì nghiện ma túy
Trong những tháng ngày lang thang, Hồng Tâm được một ông chủ tiệm thuốc giới thiệu đến làm con nuôi cho một gia đình Ấn Độ. Tại đây, Tâm được yêu thương và được đến trường như bao bạn đồng trang lứa.
Hạnh phúc chưa được bao lâu, chị lại bị cha đẻ bắt về cung phụ cho người vợ thứ 6 của mình.
"Về với ba, nhìn cảnh các con riêng của ba được ẵm bồng chăm sóc, nghĩ đến mình, đến các em, tôi thật uất ức. Cớ sao tôi phải đi ở đợ hết nhà này đến nhà kia, rồi bị dụ dỗ, sàm sỡ, suýt nữa bị hãm hiếp... Càng nghĩ tôi càng oán hận ba. Ý nghĩ phải lấy cắp của ba để bù đắp những năm tháng đói lạnh lớn dần trong tôi", chị kể lại. (Trích "Hồi kí Tâm Si-da - Vượt lên cái chết")
Tiếp tục bị đánh đập, Hồng Tâm đã đánh cắp 20 ngàn - một số tiền rất lớn thuở ấy để chơi ma tuý, quên sự đời. Cái chết trắng ngày càng khiến Tâm mê muội đến nỗi Tâm đã tự cưa trói và nhảy lầu để tìm mua ma tuý.
Sau đó, gia đình đã bắt đầu quan tâm đến Hồng Tâm, bắt cô phải đi học. Chị tự nhủ, không biết có phải lương tâm của bố mình đã được đánh thức hay sao, mà tự nhiên lại thương chị rất nhiều, nhưng tất cả đã muộn rồi. Cuộc sống nhẫn tâm đã biến chị thành một con người vô cảm, chị không còn cần ai quan tâm mình nữa.
Bán trinh tiết vì quá túng quẫn
Sau khi bố mất, Hồng Tâm phải trú thân trong căn chòi tạm bợ và đi lượm rau muống, bo bo để sống qua ngày. Không chấp nhận cảnh túng quẫn, Tâm quyết định bán trinh tiết của mình cho một người đàn ông lạ mặt.
Trong quyển "Hồi kí Tâm Si-da - Vượt lên cái chết", chị viết: "Tôi bán trinh để kiếm tiền nuôi những đứa em rách rưới đói khát, khác cha khác cả mẹ, chẳng chút máu mủ gì với đời tôi! Tôi bán trinh vì ba tôi đã bỏ rơi má tôi, má tôi bỏ rơi chúng tôi, những đứa em khác cha khác mẹ cùng khổ dồn vào đời tôi, lẽ nào tôi sẽ bỏ rơi chúng nó? Từ đó cuộc đời tôi gắn với nghề làm gái".
Và rồi, 50 ngàn đồng cùng 20 ngàn thưởng thêm chính là con số đầu tiên Tâm kiếm được từ nghề mại dâm. Trích một nửa để mẹ ghẻ nuôi em, Tâm đốt sạch số tiền còn lại cho ma tuý. Độ nghiện ngày một cao, Tâm chơi thuốc và bán luôn cả "hàng trắng" cho các đối tượng khác.
Nhưng một thời gian sau đó, khi hay tin, có một chiến dịch lớn nhằm giúp đỡ những con nghiện từ bỏ ma túy, Hồng Tâm đã quyết định tham gia. Cảm động trước tình thương từ những điều dưỡng viên nơi đây, Hồng Tâm đã quyết tâm cai nghiện, làm lại cuộc đời. Cuối cùng, sau những ngày tháng vật lộn cùng cơn nghiện phát tác, chị đã từ bỏ được ma túy.
Cuộc sống "hoàn lương" và nghị lực sống phi thường
Đến năm 2010, Tâm biết mình dương tính với HIV, lúc này chị đã rất đau khổ và mất hết niềm tin. Đến nay đã 7 năm trôi qua, hằng ngày chị vẫn uống thuốc điều độ để ngăn chặn căn bệnh này phát triển.
Đi qua những giông bão cuộc đời, cận kề với cái chết, Tâm đã vươn lên phi thường và trở thành một người hoạt động xã hội cứu rỗi nhiều mảnh đời bất hạnh. Không có ai chìa tay giúp chị trong những tháng ngày non trẻ, để rồi Tâm ngày một lún sâu vào con đường sai trái không lối thoát. Có lẽ vì vậy mà chị không muốn có một đứa trẻ nào rơi vào hoàn cảnh tương tự mình. Chị rong ruổi khắp nẻo đường thành phố, tiếp cận với những em bé, những cô gái thiếu thốn tình thương, bị người đời bỏ quên - như chính chị một thời - để giúp các em tìm lại con đường đi đúng đắn.
Hồng Tâm cũng nhận nuôi những trẻ em lang thang, nghiện ma túy, nhiễm HIV. Từ tấm gương của chính cuộc đời mình và sự quan tâm, đùm bọc chẳng khác một người mẹ, giờ đây những đứa trẻ ấy đã trưởng thành khỏe mạnh và có một cuộc sống thật tươi mới, ý nghĩa hơn.
Qua câu chuyện của Hồng Tâm, em thấy được rằng vượt qua vượt qua chính mình không phải là điều dễ dàng, nó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng. Giống như lời chị Hồng Tâm nói: "Chiến thắng người khác rất dễ nhưng chiến thắng bản thân mới là điều khó. Chết, thật dễ! Sống một cách tử tế thì khó hơn rất nhiều". Nhưng không bao giờ là quá muộn để làm lại từ đầu, mọi người vẫn luôn dang tay đón nhận những mảnh đời lầm lỡ nếu họ có ý định hoàn lương.
Em nghĩ rằng, các bậc cha mẹ khi sinh con nên làm tròn trách nhiệm của mình, yêu thương con cái nhiều hơn. Khi những đứa trẻ được giáo dục đàng hoàng từ gia đình thì xã hội sẽ bớt đi những tệ nạn, những sa ngã vốn không đáng có.