hình ảnh
Thị trường được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trước năm 2040.


Nhu cầu về máy điều hòa không khí (AC) đang tăng cao ở những thị trường mà cả thu nhập và nhiệt độ đều tăng, cũng là những nơi đông dân cư, như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Philippines.


Điều đó tốt cho sức khỏe cộng đồng và năng suất kinh tế, nhưng chắc chắn có hại cho khí hậu.


Các nước đang phát triển ngày càng nóng


Kanwaljeet Jawa - người đứng đầu chi nhánh Ấn Độ của Daikin Industries Ltd, nhà sản xuất máy điều hòa không khí lớn nhất thế giới - cho biết: “Chúng tôi đang hoạt động trong một cơ hội vô tận. Trong những năm gần đây, doanh số bán hàng của chúng tôi đã tăng hơn 15 lần”.


Một số nơi nghèo nhất thế giới cũng là nơi nóng nhất. Nhưng thu nhập đang tăng lên đã đưa máy điều hòa không khí trong tầm tay của hàng triệu người.


Trong một nghiên cứu xem xét hàng nghìn nhà máy ở Ấn Độ có cách làm mát khác nhau, các nhà nghiên cứu phát hiện cứ mỗi 1 độ C tăng lên, năng suất giảm khoảng 2%.


Đây là một vấn đề lớn đối với nỗ lực của Thủ tướng Narendra Modi nhằm thúc đẩy số lượng xuất khẩu đang trì trệ, thu hút doanh nghiệp từ Trung Quốc và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu


Theo ông E. Somanathan - tác giả của báo cáo và là giáo sư kinh tế tại Viện Thống kê Ấn Độ (ISI Delhi), năng suất giảm do nắng nóng trong 30 năm qua có thể tương đương với khoảng 1% GDP của Ấn Độ, hoặc khoảng 32 tỉ USD.


Nhưng việc mở rộng vùng phủ sóng AC quá nhanh cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng mà Ấn Độ đang đối mặt. Hầu hết các thiết bị sử dụng chất làm lạnh gây hại hơn nhiều so với carbon dioxide.


Ông Abhas Jha, một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về biến đổi khí hậu có trụ sở tại Singapore, cho biết nếu các tiêu chuẩn không được cải thiện, thì “hành tinh này sẽ bị nấu chín theo đúng nghĩa đen”.


Có chất làm lạnh vừa "xanh" vừa rẻ cho máy điều hòa không khí?


Một trong những chất làm lạnh phổ biến nhất trong máy điều hòa không khí, hydrofluorocarbons (HFC), có khả năng làm nóng gấp 1.000 lần carbon dioxide.


Các nhà khoa học cho biết nếu cứ phụ thuộc vào HFC, toàn cầu có thể nóng lên nửa độ C vào cuối thế kỷ này. Điều này sẽ làm tăng khí nhà kính, gây ra những cơn bão, hạn hán chết người và nhiều đợt nắng nóng hơn.


Vào năm 2016, hơn 170 quốc gia đã đồng ý loại bỏ dần HFC, bắt đầu từ năm 2019. Trong đó, các nước công nghiệp giàu có được yêu cầu tiên phong giảm mạnh HFC.


Hiện thị trường đã có các chất làm mát ít gây hại cho môi trường hơn, do một số công ty lớn như Chemours Co. và Honeywell International Inc. sản xuất. Daikin và Mitsubishi Electric Corporation cũng đã và đang nghiên cứu sản phẩm của riêng họ, song chưa được như mong muốn.


Chẳng hạn R-32 của Daikin vẫn có khoảng 1/3 khả năng gây nóng lên toàn cầu so với các chất làm lạnh thông thường. Nó vẫn gây ô nhiễm và cũng dễ cháy hơn dù rẻ hơn một số chất làm mát khác.


"Mặc dù R-32 giúp tránh được một lượng lớn khí thải, nhưng chúng ta cần phải giảm xuống mức thấp hơn”, bà Prima Madan - chuyên gia về làm mát và sử dụng năng lượng hiệu quả tại Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên có trụ sở tại Mỹ - nhấn mạnh.


Các công ty làm mát cũng đang tìm kiếm những lựa chọn mới. “Nếu bạn không có chất làm lạnh xanh, bạn sẽ là người thua cuộc”, ông Jawa - giám đốc điều hành của Daikin Ấn Độ - nói.


Tuy nhiên hiện tại, các chất lựa chọn thay thế HFC vẫn còn khá đắt. Điều đó dẫn tới sự phản đối ngay cả ở các nước giàu. Thượng viện Mỹ gần đây đã đồng ý giảm 85% mức tiêu thụ HFC, nhưng trong vòng 15 năm.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=755682070096410&set=a.483031424028144