Sau đây là một vài công trình kiến trúc tiêu biểu ở vùng Nam châu Phi được các biên tập viên của bộ sách “Dẫn hướng Kiến trúc châu Phi vùng Hạ Sahara’ lựa chọn.

“Dẫn hướng Kiến trúc châu Phi vùng Hạ Sahara” là tài liệu liệt kê hơn 850 công trình kiến trúc ở 49 quốc gia vùng hạ Sahara ở châu Phi, được biên tập bởi Philipp Meuser và Adil Dalbai. Dưới đây là những điểm nhấn kiến trúc của khu vực.

Trong một phỏng vấn với báo Dezeen, Dalbai đã giải thích rằng “lần đầu tiên kiến trúc của mỗi quốc gia ở vùng Hạ Sahara được giới thiệu riêng mỗi nước một chương, một vài chương cũng lần đầu tiên nói về những nét kiến trúc đương đại của quốc gia”.

Bộ sách được chia làm 7 tập, tập cuối cùng tập trung vào Nam Phi và trình bày các công trình ở: Namibia, Mozambique, Malawi, Zambia, Zimbabwe, Botswana, Eswatini, Lesotho and South Africa. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết mà Meuser và Dalbai đã giới thiệu về mỗi quốc gia này:

Namibia

kienviet nhung dau an kien truc vung nam chau phi10

Bảo tàng Tưởng niệm Độc lập ở Windhoek, bởi Mansudae Overseas Projects.

Bảo tàng Tưởng niệm Độc lập là một phần của thỏa thuận giữa Namibia và Bắc Triều Tiên nhằm đạt được 3 dự án quốc gia khổng lồ. Đây là minh họa của một chuỗi gây tranh cãi về các phát triển gần đây ở Namibia.

Khi tình hình kinh tế của Bắc Triều Tiên xuống dốc trầm trọng vào giữa thập kỷ 90, công ty xây dựng Mansudae Overseas Projects bắt đầu gửi những nghệ sĩ, kiến trúc sư và công nhân đến châu Phi.

Kể từ đó, tập đoàn này đã kiếm được một khoản ngoại tệ cực kỳ lớn nhờ vào việc xây dựng các tượng đài và công trình lớn ở 15 quốc gia châu Phi. Các cấu trúc thể hiện sự pha trộn của các yếu tố tạo nên phong cách xã hội hiện thực.

Ngoài viện bảo tàng còn có 2 dự án trọng điểm khác là The New State House và Tuợng đài anh hùng ở Acre. Bộ ba khu tưởng niệm này có liên quan rõ ràng đến nhau, với biểu tượng phương Đông và phù điêu sơn vàng. Nhưng chúng lại hoàn toàn tách biệt với kiến trúc của Namibia do sự khác nhau về quy mô, độ cao và lớp hoàn thiện.

Zambia

kienviet nhung dau an kien truc vung nam chau phi6

Nhà thờ Holy Cross ở Lusaka, bởi Hope, Reeler & Morris.

Nhà thờ Anh giáo Holy Cross được xây dựng khi Zambia mới giành được độc lập. Điều này đặt ra câu hỏi vì sao người Anh lại xây dựng một công trình hoành tráng như vậy vào giai đoạn họ chuẩn bị rời khỏi thuộc địa.

Những câu trả lời khả thi nhất, theo quan điểm của kiến trúc sư làm việc tại Thụy Sĩ Manuel Herz thì đó là một “món quà” cho quốc gia độc lập mới, một nỗ lực để lấy lòng dân chúng, hoặc để lại một dấu ấn tại quốc gia thuộc địa. Dù câu trả lời thực sự là gì, giờ đây công trình này đóng một vai trò quan trọng ở Lusaka.

Nhà thờ này nổi tiếng với việc tổ chức các sự kiện quốc gia quan trọng bên cạnh việc tổ chức các sự kiện tôn giáo, bất kể là tôn giáo nào và hoạt động như một trung tâm hòa giải chính trị. Khác với các nhà thờ Anh thông thường, nơi thờ nguyện này thiếu đi một ngọn tháp.

Gian giữa dài, kết hợp với trần nhà cao làm cho không gian bên trong trở nên trang nghiêm và tĩnh lặng. Công trình có những cửa sổ kính hẹp với các bảng màu được sắp xếp ngẫu nhiên nằm ở mặt đứng phía bắc và phía nam, đem lại nguồn ánh sáng rực rỡ sắc màu.

Zimbabwe

kienviet nhung dau an kien truc vung nam chau phi7

Trung tâm Eastgate ở Harare, bởi Pearce Partnership.

Ở phương Tây, các trung tâm mua sắm hiếm khi đạt chất lượng đến mức trở thành một biểu tượng về lịch sử kiến trúc. Nhưng Harare lại là một ví dụ khác biệt.

Mick Pearce – kiến trúc sư kỳ cựu về cảnh quan kiến trúc châu Phi – đã thiết kế một tượng đài về thương mại được xem như khuôn mẫu về tiết kiệm năng lượng cho nhiều kiến trúc sư ở châu Âu, châu Á hoặc châu Mỹ.

Trung tâm Eastgate đã đạt được nhiều giải thưởng về các đặc tính thông gió thụ động, vì nó tận dụng tối đa nhiệt độ thấp vào buổi chiều để làm mát công trình suốt đêm, thông qua một loạt các ống bê tông và sàn rỗng trong tòa nhà chín tầng. 

Tất cả 48 ống khói gạch chạy dọc theo đỉnh giúp giải phóng khí thải khỏi hai khối nhà. Vào ban ngày, không khí mát tích tụ sẽ dần thoát khỏi lòng của công trình, duy trì nhiệt độ mát mẻ ở bên trong nhà.

Botswana

kienviet nhung dau an kien truc vung nam chau phi9

Công trình Sandibe Okavango Safari Lodge ở Quận Northwest, bởi Michaelis Boyd Associates.

Alex Michaelis và Tim Boyd nổi tiếng với các thiết kế công trình sang trọng. Vì vậy, khi họ lên kế hoạch cho nhà nghỉ safari ở khu vực biên giới giữa Botswana, Namibia, Zambia and Zimbabwe, bạn hãy trông đợi về một sinh vật ngoài hành tinh đáp xuống vùng đồng cỏ này.

Nhưng sự thật là nhà nghỉ này không giống như một vật thể lạ giữa cảnh quan nhờ vào hình dáng hữu cơ của nó.

Các dầm gỗ trải dài bên trong và tạo thành mái nhà nổi bật trông như những chiếc ngà voi. Nằm ngay giữa khu bảo tồn tự nhiên, thiết kế này vừa vặn với thiên nhiên đến nỗi các chú voi ngại ngùng cũng thấy thoải mái ghé ngang trước sự thích thú của ban quản lý và khách du lịch.

Mozambique

kienviet nhung dau an kien truc vung nam chau phi4

Công trình Sư tử cười ở Maputo, Pancho Guedes thiết kế.

Nhà phê bình kiến trúc người Đức Dagmar Hoetzel đặt cho Pancho Guedes biệt danh “Vitruvius Mozambicanus” – một sự tôn vinh cho vị kiến trúc sư người Bồ Đào Nha đã ảnh hưởng đến lịch sử xây dựng ở Đông Phi một cách vô cùng khác biệt.

Ngoài những mặt đứng đầy màu sắc, các tòa nhà của ông còn mang nét đặc trưng của sự trang trí vui tươi và tên gọi sáng tạo. Tòa nhà chung cư “Sư tử cười” ở thủ đô Maputo của Mozambique cũng như vậy.

Vì là nhà phát triển tòa nhà, Guedes đã tận dụng tối đa sự tự do sáng tạo để thể hiện phong cách cá nhân của riêng mình – stiloguedes (phong cách Guedes). Đối với tòa nhà, ông có một loạt các ảnh hưởng chiết trung: có thể kể đến một số thứ như chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa biểu hiện, mong muốn tạo ra nét hiện đại của châu Phi, và thậm chí là một bức tranh được cậu con trai 6 tuổi của ông vẽ tặng.

Malawi

kienviet nhung dau an kien truc vung nam chau phi3

Các trường Kalula, Chimbalu và Kapondero, bởi John McAslan + Partners.

Kiến trúc sư ở London là John McAslan đã hiện thực hóa một thiết kế hiện đại ở Malawi bằng cách sử dụng các phương pháp xây dựng truyền thống và vật liệu xây dựng địa phương.

Dường như đây là một cách tiếp cận cực kỳ phù hợp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Nhiệm vụ ở đây là phát triển thiết kế mẫu cho một ngôi trường. Có vẻ như mái nhà đặc biệt chiếm ưu thế, nó hiện diện như một chiếc ô đang đứng trên kết cấu thông gió tự nhiên. Thiết kế này không có gì lạ vì ở đây trời gần như mưa mỗi ngày trong suốt chín tháng.

Eswatini

kienviet nhung dau an kien truc vung nam chau phi8

Bệnh viện nhi đồng và phụ nữ Siyanaka ở quận Manzini, thiết kế bởi Brad Walker Architects.

Dự án này được khởi xướng bởi hai bác sĩ ở Eswatini, vì họ lo ngại rằng không có bệnh viện nào dành riêng cho phụ nữ và trẻ em ở Eswatini.

Đây là một ví dụ điển hình về cách một sáng kiến địa phương sử dụng vật liệu xây dựng bản địa có thể tạo ra kiến trúc đơn giản nhưng đầy tham vọng. Nếu điều này có thể góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng xã hội thì càng tốt.

Tòa nhà nằm trên một khu vực dốc ở Manzini, thành phố đông dân nhất ở Eswatini. Khi đến đây, khách tham quan sẽ được chào đón bởi một cây baobab nằm ở phía tây bắc.

Brad Walker Architects đã vay mượn các hình thức kiến trúc địa phương để mang đến một quang cảnh đường phố giản dị, thực tế khi thi công các cửa sổ thông tầng dọc theo các lối đi để tạo ra sự kịch tính không gian khi ánh sáng mặt trời đổ vào từ trên cao. Bởi vì không có đủ tiền để lắp đặt thang máy, đường dốc được thiết kế để kết nối tầng dưới với tầng trên.

Lesotho

kienviet nhung dau an kien truc vung nam chau phi2 1

Khu phức hợp Tư Pháp ở Maseru, thiết kế bởi Archiplan Studio.

Khu phức hợp Tư Pháp bằng gạch trông như một lâu đài ở ngoại ô thủ đô Maseru. Nó được chính thức mở cửa vào năm 2003 bởi Thủ tướng Pakalitha Mosisili của Lesotho, gồm có Tòa án Tối cao và Tòa Phúc thẩm. Hai tòa nhà nằm cách Tòa án Thẩm phán Maseru một khoảng không xa.

Thiết kế cho Khu phức hợp Tư pháp khá trang trọng, đặc biệt là bởi nó nằm ở khu dân cư thấp tầng. Đối với các tòa nhà phức hợp, các kiến trúc sư đã vay mượn phần nào từ kiến trúc truyền thống bằng cách sử dụng nhiều hình dạng tròn hơn và né tránh các hình dạng thẳng tuyến tính –  đặc biệt là cho lối vào chính.

South Africa

kienviet nhung dau an kien truc vung nam chau phi5

Trung tâm dịch vụ Thusong ở Western Cape, bởi Makeka Design Lab.

Trung tâm dịch vụ Thusong là một trung tâm thể thao và cộng đồng đa năng, được coi là một tập hợp các tòa nhà và không gian chứ không phải một thực thể đơn độc.

Được thiết kế bởi Mokena Makeka – một trong những ngôi sao vụt sáng của nền kiến trúc trẻ châu Phi, Trung tâm Dịch vụ Thusong là một tuyên bố đô thị mạnh mẽ, nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa trong nhà và ngoài trời.

Những giải pháp kiến trúc được tìm thấy đều đơn giản và không trang trí. Tuy đơn giản nhưng nó có sự linh hoạt và hài hòa với sắp xếp đô thị ở quy mô lớn, thông qua các cửa chớp ánh sáng ấn tượng ở mặt đứng phía tây, từ đó kết nối nội thất của tòa nhà với không gian công cộng được đề xuất.

Giống như hầu hết các “ngôi sao kiến trúc” khác của châu Phi, Makeka tuy đã được trau dồi đào tạo ở quốc tế,  nhưng vẫn cam kết cống hiến cho sự tốt đẹp ở quê nhà.