Lấy chồng là phải theo chồng, tết không lo nhà cửa mà đi đẩu đi đâu…
Là người Việt Nam, ai nấy cũng phải đều công nhận Tết là dịp đoàn viên, sum vầy, cả vợ và chồng đều muốn về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết là tâm lý hết sức bình thường. Chỉ cần hiểu và thông cảm cho nhau thì không khó để chu toàn Tết cả hai bên nội ngoại. Nhà nội, nhà ngoại không thể nào “nhất bên trọng, nhất bên khinh” nên nhiều gia đình chọn cách chạy qua chạy lại hai bên đón Tết chẳng khác nào các ca sỹ, nghệ sỹ “chạy show”.
Ngày 29, chị Lê (Quận Phú Nhuận, TPHCM) về nhà ngoại làm cơm cúng cùng với các chị em, rồi đại gia đình đoàn tụ. Ngày 30, chị chạy qua nhà nội làm tròn bổn phận dâu con nấu nấu nướng nướng. Sáng mùng 1 thì về nhà mẹ đẻ chúc Tết trước 9 giờ để rồi 10 giờ thì hiện diện ở nhà chồng mừng tuổi người lớn. Cứ vậy mà mấy ngày Tết gia đình 4 người của chị như chạy show cho kịp lịch cúng kiếng, họp mặt 2 bên gia đình. Còn nhà riêng của chị thì không ngày nào nổi lửa nấu nướng, cúng kiếng cả, chỉ có làm sao cho cả mẹ mình, mẹ chồng đều vui.
May mắn như chị Lê hai gia đình nội ngoại ở cùng một thànhh phố, cách nhau vài cây số nên việc chạy qua chạy lại cũng dễ. Chị Thảo (Q. Gò Vấp, TPHCM) thì vất vả hơn. Hai vợ chồng chị ở Sài Gòn cả năm, ngày Tết phải dành để về quê hiếu kính với nhà chồng. Năm nào cũng vậy cứ 28, 29 Tết là vợ chồng con cái đùm túm về Phan Rang đón Tết. “Chiến đấu” với tiệc tùng, nấu nướng, chúc tụng bà con đến mùng 3 thì về lại thành phố Hồ Chí Minh, dự tiệc đưa ông bà ở nhà mẹ chị Thảo. Người lớn vất vả đã đành, mấy đứa con chị Thảo chỉ xuýt xoa: “Đi đi về về mệt thiệt. Con chỉ thích đón Tết ở nhà con, muốn đi du lịch với bố mẹ mà năm nào cũng như năm nào, cứ phải về quê đón Tết!”
Sinh trưởng ở miền Tây, lấy chồng ở thành phố, mỗi dịp Tết về là chị Thắm (Q.12, TPHCM) lại đau đầu. Ở cùng với mẹ chồng, mẹ chồng chị lại không ưng với nhà ngoại nên không thấy thoải mái với việc chị về quê. Bà ngọt nhạt: “Đi đâu thì đi, về cho sớm sớm. Người miền tây bù khú, ăn uống bày vẽ, rượu vào thì say xỉn kè nhè. Mang con mang cái về cho nó học cái thói xấu của người nhà quê thì có gì hay. Muốn đi con đi một mình, để cháu ở nhà với bà nội!”. Năm nào cũng vậy, khi hai vợ chồng chuẩn bị hành lý về quê đón Tết là mẹ chồng nặng nhẹ. Chị vừa về nhà được 2 ngày là bà lại gọi điện ầm ĩ kêu về bởi với bà: “Lấy chồng là phải theo chồng, tết không lo nhà cửa mà đi đẩu đi đâu thì khó mà chấp nhận được”, dù chuyện “đi đẩu đi đâu” đó là về nhà mẹ chị Thắm để thăm hỏi người thân.
Câu chuyện ăn Tết ở nhà nội hay ngoại luôn là đề tài tranh luận chưa có hồi kết. Các chị em mỗi người có một quan điểm khác nhau và cũng chưa có Tết năm nào, việc ăn Tết ở nhà nội hay ngoại được “đồng thuận”. Có rất nhiều quan điểm trái chiều khiến các chị em, bố mẹ chồng hay bố mẹ đẻ, thậm chí cả những ông chồng khi đọc được những chia sẻ “thầm kín”, những nỗi lòng riêng tư của các chị em có lẽ cũng cần nhìn lại một chút về cuộc sống của gia đình mình.
"Chúng tôi tự cho mình là một gia đình độc lập, có chung hai bố, hai mẹ nên đối xử với hai bên như nhau, vì thế không gặp khó gì khi chọn ăn Tết nhà ai. Việc về bên nào ăn Tết bây giờ không phải vì đó là 'quê em' hay 'quê anh' mà căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể, như năm ngoái về ngoại vì bà ốm, năm nay về nội bởi bên đó đang neo người...", anh Cường (Q.7, TPHCM) chia sẻ. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nào cũng vậy, lịch nghỉ Tết kéo dài ít nhất là một tuần. Trong 7-9 ngày nghỉ, không khó để sắp xếp lịch đi chúc Tết cả hai bên nội ngoại dù có xa cách hàng trăm cây số. Điều quan trọng là vợ chồng phải thống nhất với nhau, thông cảm cho nhau.
“Đừng quá quan trọng là cứ phải về đón Tết mùng 1, mùng 2 mới vui. Nhà mình thì cứ sum vầy lúc nào là Tết lúc đó. Về thăm nhà được là mừng rồi, không nhất thiết cứ phải là Tết”, chị Thu Hương, một nàng dâu Hà Nội chia sẻ.
Ai cũng vậy, ngày Tết bố mẹ đều muốn có con cái về để sum họp. Nếu có thể thu xếp về trước hoặc sau Tết để thăm nhà bên ngoại, những ngày còn lại dành cho nhà nội hoặc ngược lại thì cũng là một sự sắp xếp hợp lý. Nên thu xếp thế nào cho hài hòa giữa hai bên là được. Đây có lẽ là lựa chọn của đa số những nàng dâu hiện đại. Để vui vẻ cả đôi bên, đôi khi hai vợ chồng không nhất thiết phải kè kè bên nhau. Nhiều gia đình chọn cách chồng đưa con về thăm nhà nội, vợ đưa con về chơi nhà ngoại. Cách nào cũng được miễn là cả hai bên gia đình đều cảm thấy các con quan tâm, biết sắp xếp quay về đoàn tụ gia đình.
Dù đã lấy chồng nhưng nhà ngoại là người đã chăm sóc cho mình lớn, chẳng có lý do gì để những ngày Tết chị em cung cúc tận tụy ở nhà chồng mà không quay về thăm viếng mẹ cha. Ngày xưa lấy chồng là ăn ở nhà chồng, cày ruộng trồng lúa trên đất nhà chồng, phụ thuộc nhà chồng hoàn toàn. Lúc cưới hỏi nhà gái cũng thách cưới vòng vàng trâu bò… nên con gái mới gọi là “gả con, bán con”. Giờ hai vợ chồng yêu nhau rồi cưới nhau, dù về chung một nhà nhưng cần có sự công bằng cho cả hai bên nội ngoại thì gia đình mới thực sự êm ấm.
Theo quan điểm của nhà tâm lý Văn Thanh Sỹ (TP HCM): "Tết nguyên đán được coi là dịp đoàn tụ, là Tết của tình thân, nên hầu như ai cũng muốn được ở bên ruột thịt, những người gắn bó với họ từ thời nhỏ. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn khi chồng muốn về với bố mẹ đẻ của mình và vợ cũng vậy. Sự bất đồng về mong muốn, nảy sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng khi đưa ra quyết định ăn Tết ở đâu là điều hầu như nhà nào cũng gặp phải. Vấn đề là, các đôi cần giải quyết khéo léo, để những lý do trên không chi phối, làm ngày Tết mất vui.” Nhà tâm lý gợi ý, hai vợ chồng nên bình tĩnh ngồi lại bàn tính kế hoạch cho những ngày Tết từ trước. Nếu điều kiện thuận lợi, cả hai có thể cùng chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội và ngoại, còn không luân phiên năm nay ăn Tết bên này thì sang năm về bên kia.
Tết là đoàn viên, là sum vầy, chị em có thể chia sẻ quan điểm, nguyện vọng của mình với chồng, với bố mẹ chồng để mọi người hiểu hơn, thông cảm và có quyết định phù hợp với hoàn cảnh của gia đình mình.