Người phụ nữ có xuất thân ngoại lai, dung nhan thô kệch này được mua về làm nô tì dệt vải. Với dung nhan đó, việc có thể có được một tấm chồng bình dân đã khó, vậy mà bà lại trở thành Hoàng hậu cao quý, trở thành mẫu nghi thiên hạ của cả một triều đại.


Người ta thường biết tới danh xưng Hoàng hậu Trung Hoa phong kiến xưa là những người đứng đầu hậu cung, cai quản cả hàng ngàn nô tì, hàng trăm phi tần khác của Hoàng thượng. Những vị Hoàng hậu đó, nếu không có cả một thế lực gia tộc quyền quý sau lưng để làm bệ đỡ chính trị thì cũng là một nữ nhân cực kỳ xinh đẹp, dung nhan ngời sáng, khiến Hoàng đế say mê, nếu muốn ngồi lên ngai vị mẫu nghi thiên hạ.


Tuy nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ, và vị Hoàng hậu da đen độc nhất trong lịch sử Trung Hoa phong kiến dưới đây là một ngoại lệ như thế. Bà vốn chỉ xuất thân là một nô tì, là người nước ngoài, gia đình không hề quyền thế, đã vậy dung nhan còn thô kệch đến mức nghĩ suốt đời này mình chẳng có thể có được một tấm chồng.


Xuất thân lai lịch không rõ ràng, bị bán vào cung làm nô tì dệt vải



webtretho


Vị Hoàng hậu ấy chính là Lý Lăng Dung, vợ của Đông Tấn Giản Văn Đế Tư Mã Dục (320-372), vị vua thứ 8 của triều Đông Tấn (317-420). Theo lịch sử ghi lại, thì với dáng người cao to, nước da đen khỏe khoắn, tóc lại xoăn của Lý Lăng Dung chứng minh bà hoàn toàn không phải là người Trung Nguyên. Có sách chép lại, bà đến từ một vùng đất xa xôi, sinh ra trong tộc người Lâm Ấp, một tộc người từng sống ở Ấn Độ, Trung Đông và miền nam châu Phi. Tộc người này chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa cũng như tôn giáo Trung Quốc vì vậy ngay từ thời xa xưa, đã có sự giao thương và chắc cũng vì thế mà Lý Lăng Dung đã vào Trung Nguyên ngay từ nhỏ.


Vì một vài lý do gì đó, ngay từ khi còn là một cô bé, Lý Lăng Dung đã bị bán vào vương phủ nhà Tư Mã Dục, để làm một nô tì chuyên dệt vải, lai lịch không rõ ràng. Từ những ngày đầu vào phủ, bà luôn bị ánh mắt coi thường dè bỉu của những người cung nữ khác vì ngoại hình khác biệt hoàn toàn với chuẩn mực vẻ đẹp khi đó của người Trung Hoa. Lý Lăng Dung rất muộn phiền, buồn bã, không gia đình, không người thân lại bị khinh khi xem thường. Thậm chí bà còn bị mọi người gọi với cái tên "nô tì Côn Lôn".


Đổi đời, thay danh phận chỉ bởi câu nói của thầy tử vi



webtretho


Bấy giờ, trước khi làm vua, Tư Mã Dục chỉ là Cối Kê Vương. Ông có 3 người con trai nhưng đều yểu mệnh chết sớm, các phi tần khác thì dù cố gắng nhưng Tư Mã Dục vẫn không có thêm một người con nào. Lo lắng cho chuyện này, Tư Mã Dục còn nghi ngờ khả năng "đàn ông" của chính mình, khi trong phủ có biết bao nhiêu thê thiếp mà tìm một người con trai để kế nghiệp nối dõi sau này cũng không xong. Cuối cùng, trong lúc bế tắc, ông đã tìm đến các thầy tướng số nhờ đoán vận mệnh.


Các thầy tướng số nói rằng, Tư Mã Dục hãy triệu gọi tất cả phi tần thê thiếp đến để xem tướng, rồi sẽ cho biết nên lập ai làm hậu. Nghe lời, Tư Mã Dục liền triệu gọi tất cả tập trung trước phủ. Tuy nhiên, sau khi xem qua vài lần, các thầy tướng số tử vi đều lắc đầu bảo không ai có khả năng sinh con trai nối dõi nữa. Buồn bã trước lá số "bạc mệnh" của chính mình, Tư Mã Dục liền thử thêm một lần nữa bằng cách mở rộng phạm vi tìm kiếm, ông liền gọi thêm tất cả các cung nữ vào.


webtretho


Các cung nữ xem đây là cơ hội hiếm có để mình một bước đổi đời, ai ai cũng xúng xính áo quần, trang điểm tươi tắn đến cho thầy tử vi xem tướng, trong số đó có cả Lý Lăng Dung. Tuy nhiên, khác với những cung nữ ôm mộng giàu sang khác, bà chỉ đến vì lệnh chủ khó chống chứ không phải trông mong điều gì. Vì quả thật, với dung nhan bà có, cùng vẻ thô kệch quê mùa sao lại có thể trở thành vợ của chủ tướng.


Trái lại, thật bất ngờ, vừa khi bà đến, các thầy tử vi nhìn bà rồi một mực chỉ tay, đồng thanh nói: "Chính là người này". Từ đó, chỉ bằng một lần Tư Mã Dục mạnh dạn mở rộng phạm vi tìm kiếm, chỉ bằng một câu nói của thầy tử vi, nô tì Lý Lăng Dung xấu xí ngày nào đã chính thức bước lên vị trí cao hơn mấy bậc. Bà được Tư Mã Dục phong thiếp ngay sau lần chạm mặt đó.


Bỏ ngoài tai những lời bàn tán về thân phận, hạ sinh hai hoàng tử, một công chúa



webtretho


Sự kiện này được đánh giá là chấn động cả Trung Hoa lúc bấy giờ, vì không ai nghĩ một nô tì thô kệch như Lý Lăng Dung lại có thể vượt qua hàng trăm nữ nhân xinh đẹp khác trong vương phủ nhà Tư Mã Dục để được lập thiếp. Mặt khác, theo một số quan niệm thời đó, khi làm thê thiếp của các đấng quân vương thì ít ra phải có đủ công dung ngôn hạnh, nói nôm na là vừa xinh đẹp vừa biết chăm lo gia đình. Trong khi đó, Tư Mã Dục lại cao to tuấn tú, dũng mãnh kiêu hùng, là hình mẫu của biết bao nhiêu cô gái trẻ. Quả thật đây có lẽ là "đôi đũa lệch" nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa phong kiến.


webtretho


Vậy mà, bỏ ngoài tai những lời dè bỉu bàn tán của mọi người, không bao lâu sau bà mơ lấy hai con rồng quỳ lạy mình, cho đó là điềm lành. Đến năm 362, Lý Lăng Dung hạ sinh vương tử Tư Mã Diệu rồi sang năm 364 thì hạ sinh vương tử thứ hai, đặt tên là Tư Mã Đạo Tử, sau đó lại sinh ra một người con gái là Bà Dương công chúa. Cũng từ đó, thân phận của bà trong vương phủ cũng được coi trọng hơn rất nhiều.


Cái kết viên mãn của Hoàng hậu có số phận kỳ lạ


webtretho


Năm 371, Tư Mã Dục lên ngôi vua khi bước sang tuổi 51, lấy hiệu là Giản Văn Đế, sắc phong Lý Lăng Dung làm Thục phi. Tư Mã Dục không lập ai làm Hoàng hậu chính thức nên Lý Lăng Dung làm chủ hậu cung không khác gì một Hoàng hậu thực thụ. Hai năm sau, Tư Mã Dục qua đời. Sau đó, con trai đầu Tư Mã Diệu của bà lên làm vua khi chỉ mới 10 tuổi, Lý Lăng Dung Thục phi ngày nào liền được phong làm Hoàng thái phi.


Mãi cho đến hai mươi năm sau, Tư Mã Diệu nghe lời em trai mình là Tư Mã Đạo Tử mới chính thức lập mẹ lên làm Hoàng Thái hậu. Sau đó, Tư Mã Diệu qua đời, con trai là Tư Mã Đức Tông kế vị, lập bà nội Lý Lăng Dung của mình trở thành Thái Hoàng Thái hậu.


webtretho


Đến năm 400, Lý Lăng Dung qua đời ở tuổi 51 được truy tôn là Văn Hoàng Thái hậu và được chôn cất tại Mục Bình Lăng, kết thúc cuộc đời của một vị hoàng hậu ngoại lai độc nhất lịch sử Trung Hoa phong kiến. Tuy nhiên, cho đến tận ngày nay, vị trí danh phận cũng như chức vụ của bà trong thời kỳ này vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới sử học.


Bởi lẽ, nhiều giả thuyết được đặt ra rằng, Lý Lăng Dung không đơn giản chỉ là có màu da đặc biệt, số phận đặc biệt và may mắn, mà bà còn là một người mẹ, một mẫu nghi thiên hạ thực thụ. Có giả thiết cho rằng, dù xuất thân là nô tì dệt vải, nhưng bà lại có tư chất vô cùng thông minh. Sinh thời, hai người con trai của bà không mấy thuận hòa, và bằng trái tim người mẹ cũng như sự khôn khéo trong cách ứng xử, bà đã can thiệp vào chuyện tranh giành quyền lực của hai người con trai ruột, tránh cảnh "nồi da xáo thịt", đưa nhà Đông Tấn vào thời kỳ hưng thịnh.