Trang phục dân tộc Ngái. (Ảnh: Thành Đạt/Báo Nhân Dân)

NDO - Dân tộc Ngái thuộc nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng, gồm các nhóm Sín, Lê, Hắc Cá... phần lớn cư trú ở vùng trung du, ven biển, với điều kiện giao thông thuận tiện.

1.Nguồn gốc lịch sử

Người Ngái gốc ở Ngũ Động, huyện Phòng Thành, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc); sống tập trung ở Móng Cái, Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) và một số địa phương thuộc các tỉnh Hà Bắc, Bắc Thái, Cao Lạng, Hà Tuyên... Từ Ngái là biến âm của chữ Ngải (Ngã) nghĩa là tôi; từ chữ Hán-Việt là Ngại; tiếng Quảng Đông là Ngài; còn người Ngái đọc là Ngải.

Người Ngái còn tự gọi mình là Sán Ngải có nghĩa là “người ở rừng”, điều đó phản ánh địa điểm cư trú xưa kia cũng như hiện nay của họ. Đây là một trong những cư dân có mặt sớm ở Việt Nam, tự coi mình là cư dân bản địa “pủn tì nhằn”.

2.Dân số, ngôn ngữ:

* Dân số

Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/2019: Tổng dân số: 1.649 người; trong đó, nam: 881 người và nữ: 768 người. Quy mô hộ: 3,7 người/hộ; Tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm 72,2%.

* Ngôn ngữ:

Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán-Tạng). Người Hắc Cá (Khách Gia, tức Khách) hay Ngái Hắc Cá có tiếng nói gần với tiếng Ngái Ngũ Động.

3.Phân bố địa lý:

Nhóm người này đã từng sinh tụ ở huyện Ân Bình, châu Gia Ưng (tỉnh Quảng Đông). Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1849-1863) mà họ tham gia và bị nhà Thanh đàn áp, đánh đuổi họ phải di cư đến nước ta, hiện cư trú chủ yếu ở Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) và một số địa phương khác.

4.Đặc điểm chính:

Thực phẩm: Người Ngái thích ăn cháo, thức ăn chủ yếu lá rau... Ưa dùng các loại gia vị như tỏi, ớt, gừng... trong bữa ăn.

Dân tộc Ngái ảnh 1

Trang phục của phụ nữ dân tộc Ngái. (Ảnh: Thành Đạt/Báo Nhân Dân)

Trang phục: Y phục thường không thêu thùa. Nam mặc quần lá tọa, áo có 2 hoặc 3 túi. Nữ mặc áo 5 thân dài quá mông, cài khuy vải bên nách phải, thích tết tóc cuốn quanh đầu.

Nơi ở: Người Ngái sống phân tán trong các tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... ở nhà đất với nhiều kiểu kiến trúc và chất liệu lợp mái khác nhau. Bộ phận ở ven biển và hải đảo thường sống ngay trên thuyền.

Cưới xin: Chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Nghi thức mỗi đám cưới với hai lần cưới: lần đầu là lễ thành hôn, lần sau là lễ nhập phòng. Tuổi kết hôn sớm, hôn nhân máng tính gả bán cao.

Ma chay: Người Ngái quan niệm chết tức là linh hồn chuyển sang sống trong một thế giới khác. Vì thế họ thường chôn theo người chết những đồ tùy táng mà khi sống người ta vẫn dùng. Tang lễ có nhiều công đoạn phức tạp: báo tang, nhập quan, chôn cất, mở mả...

Thờ cúng: Tin vào sự tồn tại của hai phần trong con người (thể xác và linh hồn) cũng như sự tồn tại của các thần thánh, linh hồn người). Người Ngái thường thờ cúng nhiều đối tượng như tổ tiên, thần, Phật, ma rừng, vong hồn thập loại chúng sinh... Nghi thức cúng mỗi đối tượng khác nhau cùng các loại lễ vật khác nhau. Ðã tồn tại một lớp người chuyên hành nghề tôn giáo.

Lễ, Tết: Ngoài các ngày lễ, Tết phổ biến như Tết Nguyên đán, Hàn thực... người Ngái có Tết cơm mới (ngày 10/10 âm lịch).

Học: Người Ngái nói nhiều thổ ngữ khác nhau của tiếng Hán phương nam song xưa kia ít người biết chữ. Ngày nay, phần lớn trẻ em đến tuổi đi học đều biết chữ Quốc ngữ và tiếng phổ thông.

Văn nghệ: Người Ngái có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, với loại hình nghệ thuật như dân ca, dân vũ và đặc biệt là loại văn học truyền miệng. Họ có nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích, thành ngữ, tục ngữ... thể hiện quan niệm của họ về thế giới quan, nhân sinh quan đến nay còn giàu ý nghĩa nhân bản.

5.Điều kiện kinh tế:

* Trồng trọt

Lúa nước là cây trồng chính trong hoạt động trồng trọt của người Ngái. Người Ngái gọi ruộng là thẻn và làm ruộng là phả thẻn.

Người Ngái trồng cả lúa nếp và tẻ, thường lúa tẻ được trồng trên diện rộng khoảng 2/3 diện tích ruộng của hộ gia đình, lúa nếp trồng ít hơn. Do các loại giống lúa lai thời gian đó chưa phổ biến, phần lớn đồng bào Ngái trồng giống lúa truyền thống thời gian sinh trưởng dài, hơn nữa việc áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa chưa phổ cập nên năng suất lúa không cao.

Từ năm 2000 trở lại đây, giống lúa lai cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn được người Ngái áp dụng và nhân rộng. Từ đó, lịch mùa vụ cũng thay đổi theo, thực chất vụ mùa chuyển sang vụ hè-thu và vụ chiêm thành vụ xuân.

* Chăn nuôi

Các loại gia súc lớn được người Ngái nuôi phổ biến hơn là trâu. Nuôi trâu để lấy sức kéo, phân bón. Gia súc nhỏ là lợn cùng các loại gia cầm, được nuôi hầu như ở tất cả các hộ gia đình, để lấy thực phẩm phục vụ dịp lễ tết, các nghi lễ ma chay, cưới xin, cúng bái... và để bán. Gia súc, gia cầm trước đây hoàn toàn được nuôi bằng thức ăn có sẵn trong tự nhiên và trồng được như rau lang, ngô, sắn. Hình thức chăn nuôi vừa thả rông kết hợp với nuôi nhốt tùy từng loại gia súc gia cầm.

* Lâm nghiệp

Hoạt động lâm nghiệp của người Ngái ở thôn Tam Thái chỉ mang tính phụ trợ, do cư trú thuận tiện cho phát triển nông nghiệp. Mặt khác, người Ngái còn có sở trường và khá nhạy bén với ngành nghề dịch vụ, thương mại. Vì vậy, lâm nghiệp đối với người Ngái không phát triển, trước đây chỉ dừng lại ở việc khai thác các sản phẩm của tự nhiên.

* Ngành nghề

Nghề thủ công của người Ngái chỉ mang tính chất là nghề phụ, tạo ra các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt gia đình, một phần để trao đổi trên thị trường. Các nghề thủ công của người Ngái gồm: làm đường mật, làm kẹo, làm miến, chế tác đồ gỗ, đan lát, làm gạch ngói...

Các sản phẩm từ đan lát mây tre và chế tác đồ gỗ có giá trị lâu bền, có vai trò đặc biệt với đời sống hằng ngày, nhưng chỉ mang giá trị sử dụng, ít trở thành hàng hóa. Hầu hết các hộ gia đình người Ngái ở Tam Thái trước đây từng làm nghề ép mía, lấy mật và đường theo phương pháp thủ công.

* Trao đổi dịch vụ

Sinh sống ở vùng thấp, gần các chợ, tiện đường giao thông nên người Ngái nói chung, người Ngái thôn Tam Thái nói riêng sớm tham gia vào hoạt động trao đổi buôn bán. Dù hàng hóa chưa phát triển nhưng một số ít người Ngái đã biết tổ chức các chuyến buôn bán đường dài với các sản phẩm mật ong, đường phên, mật mía, các loại thuốc nam, chè, kẹo bánh, mì, miến...

Theo kết quả khảo sát tháng 6/2015 ở cộng đồng người Ngái tại thôn Tam Thái (Quảng Nam), việc tham gia hoạt động buôn bán dịch vụ khá đa dạng với nhiều hình thức, bán rau ở chợ Chùa Hang, chợ Dốc Đỏ, bốc thuốc nam, mở dịch vụ bán hàng tạp hóa, mở hàng ăn sáng, bán hàng thịt chó.

● Français: L'ethnie Ngái