NDO - Dân tộc Ê-đê gồm có nhiều nhóm địa phương: Kpạ, A-đham, Krung, Mđhur, Ktul, Đliê, Ruê, Krung, Bih... sinh sống từ lâu đời tại khu vực Tây Nguyên.
1.Nguồn gốc lịch sử
Người Ê-đê là cư dân có mặt lâu đời ở miền trung-Tây Nguyên. Dấu vết về nguồn gốc hải đảo của dân tộc Ê-đê đã được phản ánh từ các sử thi và nghệ thuật kiến trúc, tạo hình dân gian. Cho đến nay, cộng đồng Ê-đê vẫn tồn tại những truyền thống đậm nét mẫu hệ ở nước ta.
Tên tự gọi: Anăk Ea Ðê, Ra Ðê (hay Rhađê), ê Ðê, êgar, Ðê.
Nhóm địa phương: Kpă, Adham, Krung, Mđhur, Ktul, Dliê, Hruê, Bih, Blô, Kah, Kdrao, Dong Kay, Dong Mak, Ening, Arul, Hwing, Ktlê, £pan...
2.Dân số, ngôn ngữ:
* Dân số:
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/2019: Tổng dân số: 398.671 người. Trong đó, nam: 195.351 người; nữ: 203.320 người. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 88,9%.
* Ngôn ngữ:
Tiếng nói của người Ê-đê thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô-Pôlinêxia (ngữ hệ Nam Ðảo).
(Ảnh: Thành Đạt) |
3.Phân bố địa lý
Địa bàn cư trú chủ yếu hiện nay là tỉnh Ðắk Lắk, phía nam tỉnh Gia Lai và miền tây Phú Yên, Khánh Hòa.
4.Đặc điểm chính:
Thực phẩm: Người Ê-đê ăn cơm tẻ bằng cách nấu trong nồi đất nung hay nồi đồng cỡ lớn. Thức ăn có muối ớt, măng, rau, củ do hái lượm, cá, thịt, chim thú do săn bắn. Thức uống có rượu cần ủ trong các vò sành. Xôi nếp chỉ dùng trong dịp cúng thần. Nam nữ đều có tục ăn trầu cau.
Trang phục: Phụ nữ quấn váy tấm dài đến gót, mùa hè ở trần hay mặc áo ngắn chui đầu.
Nam giới đóng khố, mặc áo cánh ngắn chui đầu. Mùa lạnh, nam nữ thường choàng thêm một tấm mền. Ðồ trang sức có chuỗi hạt, vòng đồng, vòng kiềng đeo ở cổ và tay, chân. Nam nữ đều có tục cà răng-căng tai và nhuộm đen răng. Ðội đầu có khăn, nón.
Nơi ở: Ngôi nhà truyền thống của người Ê-đê là nhà sàn dài, kiến trúc mô phỏng hình thuyền với 2 đặc trưng cơ bản là: hai vách dọc dựng thượng thách-hạ thu; hai đầu mái nhô ra. Nhà chỉ có hai hàng cột ngang, kết cấu theo vì cột, không kết cấu theo vì kèo. Không gian nội thất chia ra làm hai phần theo chiều dọc. Phần đầu gọi là Gah, vừa là phòng khách, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của cả đại gia đình mẫu hệ. Phần cuối gọi là ôk, dành cho các cặp hôn nhân ở trong từng buồng có vách ngăn bằng phên nứa.
(Ảnh: Thành Đạt) |
Lễ, Tết: Người Ê-đê ăn Tết vào tháng Chạp (tháng 12 lịch âm) khi mùa màng đã thu hoạch xong (không vào một ngày nhất định, tuỳ theo từng buôn). Sau Tết ăn mừng cơm mới (hmạ ngắt) rồi mới đến Tết (mnăm thun) ăn mừng vụ mùa bội thu. Ðó là Tết lớn nhất, nhà giàu có khi mổ trâu, bò để cúng thần lúa; nhà khác thì mổ lợn gà.
Quan hệ xã hội: Gia đình Ê-đê là gia đình mẫu hệ, hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con mang họ mẹ, con gái út là người thừa kế. Xã hội Ê-đê vận hành theo tập quán pháp truyền của tổ chức gia đình mẫu hệ. Cả cộng đồng được chia làm hai hệ dòng để thực hiện hôn nhân trao đổi. Làng gọi là buôn và là đơn vị cư trú cơ bản, cũng là tổ chức xã hội duy nhất. Người trong một buôn thuộc về nhiều chi, họ của cả hai hệ dòng nhưng vẫn có một chi họ là hạt nhân. Ðứng đầu mỗi làng có một người được gọi là chủ bến nước (Pô-pin-ca) thay mặt vợ điều hành mọi hoạt động của cộng đồng.
Lễ vật gửi dâu nhà gái mang sang nhà trai. (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Cưới xin: Người phụ nữ chủ động trong việc hôn nhân, nhờ mai mối hỏi chồng và cưới chồng về ở rể. Khi một trong hai người qua đời, gia đình và dòng họ của người quá cố phải có người đứng ra thay thế theo tục "nối dòng" (chuê nuê) để cho người sống không bao giờ đơn lẻ, sợi dây luyến ái giữa hai dòng họ Niê và Mlô không có chỗ nào bị đứt theo lời truyền bảo của ông bà xưa.
Ma chay: Khi có người chết, tục nối dòng phải được thực hiện. Người chết già và chết bệnh thường tang lễ được tổ chức tại nhà, rồi đưa ra nghĩa địa thổ táng. Xưa kia có tục người trong một dòng họ chết trong một thời gian gần nhau thì các quan tài được chôn chung một huyệt. Vì quan niệm thế giới bên kia là sự tái hiện thế giới bên này nên người chết được chia tài sản đặt ở nhà mồ. Khi dựng nhà mồ, lễ bỏ mả được tổ chức linh đình, sau đó là sự kết thúc việc săn sóc vong linh và phần mộ.
Văn nghệ: Có hình thức kể khan rất hấp dẫn. Về văn chương, khan là sử thi, trường ca cổ xưa; về hình thức biểu diễn là loại ngâm kể kèm theo một số động tác để truyền cảm. Về dân ca có hát đối đáp, hát đố, hát kể gia phả... Nền âm nhạc Ê-đê nổi tiếng ở bộ cồng chiêng gồm 6 chiêng bằng, 3 chiêng núm, một chiêng giữ nhịp và một trống cái mặt da.
Bên cạnh cồng chiêng là các loại nhạc cụ bằng tre nứa, vỏ bầu khô như các dân tộc khác ở Trường Sơn, Tây Nguyên, nhưng với ít nhiều kỹ thuật riêng mang tính độc đáo.
5.Điều kiện kinh tế:
Người Ê-đê chủ yếu trồng lúa rẫy theo chế độ luân khoảnh.
Nghệ nhân Ama Loan chế tác quả bầu khô thành kèn đinh tắc tà. (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Gia súc được nuôi nhiều là lợn và trâu, gia cầm được nuôi nhiều là gà, nhưng chăn nuôi chủ yếu chỉ để phục vụ cho tín ngưỡng. Nghề thủ công gia đình phổ biến có đan lát mây tre làm đồ gia dụng, nghề trồng bông dệt vải bằng khung dệt kiểu Inđônêdiêng cổ xưa. Nghề gốm và rèn không phát triển lắm. Trước đây việc mua bán, trao đổi bằng phương thức hàng đổi hàng.
● English: Ede ethnic minority group
● Español: Etnia Ede
● 中文: 埃地族
● Français: L’ethnie Ê Đê