Nuôi dưỡng đam mê như thế nào để bản thân được hạnh phúc?
Cuộc sống của chúng ta được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố: công việc, các mối quan hệ, các nhu cầu sống của bản thân,... Thoả mãn trong công việc thôi chưa đủ mà phải làm sao có sự dung hòa giữa đam mê và các yếu tố tạo ra sự thỏa mãn khác, duy trì chúng lâu dài thì bản thân mới thật sự hạnh phúc. Sẽ không có một công thức chung nào để cân bằng cuộc sống. Mỗi người đều có nhu cầu, có những lựa chọn và ưu tiên riêng. Quan trọng là bạn phải xác định được bạn cần gì, thời điểm đó bạn cần ưu tiên điều gì. Theo đuổi đam mê có kế hoạch sẽ giúp bạn đảm bảo tính bền vững và tính hài hòa giữa mọi mặt trong cuộc sống.
Đối với các bạn học sinh, sau khi xác định đúng niềm đam mê cần có kế hoạch tìm hiểu, trải nghiệm để chọn được ngành học phù hợp gắn với niềm đam mê ấy. Chẳng hạn, nếu bạn thích vẽ, bạn không nhất thiết phải trở thành một họa sĩ mà có thể theo đuổi ngành kiến trúc, học thiết kế đồ họa, làm nhà thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, hay trở thành một giảng viên mỹ thuật, họa sĩ xuất bản,... Nếu bạn đam mê viết lách, thì nhà văn, nhà báo, nhà truyền thông, biên tập hay một người phiên dịch ... cũng là những lựa chọn dành cho bạn. Một nghề có thể có nhiều công việc, mỗi công việc có thể tương ứng với nhiều vị trí, hãy chọn cho mình vị trí mà bạn cho là phù hợp. Ví dụ ngành du lịch khách sạn gồm các vị trí như hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour du lịch, nhân viên buồng phòng, quản lý nhà hàng,...hoặc nghề kế toán bao gồm các công việc khác nhau như kế toán lương, kế toán chi phí,...những người làm kế toán chi phí lại có người chuyên theo dõi chi phí lưu động, người lại ở vị trí chuyên theo dõi về chi phí cố định ,... Khi đã có định hướng tốt về nghề nghiệp trong tương lai, hãy lấy đó làm động lực và mục tiêu phấn đấu. Học tập có mục đích sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được kết quả như mong đợi. Nếu bạn đã đi làm và vẫn muốn duy trì công việc hiện tại, hãy dành thời gian cho đam mê của bạn sau giờ làm, nuôi dưỡng nó như một sở thích cá nhân. Khi đó có thể đam mê sẽ không giúp bạn kiếm ra tiền nhưng nó sẽ là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn. Bằng cách nào đó hãy lèo lái để kết nối niềm đam mê với công việc đang làm, bạn sẽ thấy thêm phần hứng thú đấy!
Tuy nhiên đừng lý tưởng hóa việc theo đuổi đam mê mà xa rời thực tế. Không có công việc nào không bao giờ khiến bạn mệt mỏi hay phàn nàn. Hãy trang bị cho mình sức đề kháng mạnh mẽ trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài, đừng để chúng làm lung lay ý chí, quyết tâm và tình yêu mà bạn dành cho công việc đó. Hãy định hướng tốt con đường mình sẽ đi, hình dung những khó khăn thử thách, phát triển năng lực, rèn luyện kỹ năng bổ trợ và tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước,...Có như thế bạn mới có thể giữ được lửa đam mê khi đối mặt với những rào cản trên con đường mình đã chọn.
Mọi người đều có một hoàn cảnh, một điểm xuất phát riêng. Do đó, việc xác định lộ trình cho bản thân ngay từ đầu là một vấn đề vô cùng quan trọng.
Đầu tiên phải xem xét đến điều kiện hiện tại có cho phép bạn theo đuổi đam mê hay chưa? Nếu câu trả lời là "có" thì hãy tận dụng mọi nguồn lực, trau dồi kiến thức, kỹ năng, sống với niềm đam mê của bạn. Tuy nhiên phải chấp nhận một sự thật phũ phàng rằng không phải con đường nào cũng bằng phẳng và mênh mông. Bạn cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ càng, lường trước những khó khăn, thách thức trên những chặng đường sắp tới. Không ít bạn trẻ vì nôn nóng khởi nghiệp đã mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Khởi nghiệp không đơn giản như khi làm việc ở một công ty, nó đòi hỏi bạn phải cân nhắc nhiều vấn đề: vốn, lợi nhuận, rủi ro, cách đầu tư hiệu quả nếu không thì đến cuối cùng bạn không những mất trắng tiền bạc mà còn đánh mất cả bầu nhiệt huyết của mình. Càng chuẩn bị kỹ thì những khó khăn gặp phải càng ít đi.
Nếu điều kiện hiện tại chưa cho phép bạn sẵn sàng bước trên con đường đã chọn hãy cân nhắc đến việc lấy ngắn nuôi dài. Khi đã có phương án khởi nghiệp bạn có thể làm ở một công ty thuộc cùng lĩnh vực, tranh thủ cơ hội rèn giũa, học tập những kinh nghiệm cần thiết, nâng cấp bản thân một cách toàn diện để có đầy đủ tố chất và năng lực trước khi khởi nghiệp. Bạn cũng có thể nuôi dưỡng đam mê như một nghề tay trái. Điều này giúp bạn vừa đảm bảo thu nhập vừa được trải nghiệm, thử thách bản thân trong công việc mà mình đam mê. Tuy nhiên, một khi đã xác định theo đuổi đam mê theo cách này, bạn cần có kế hoạch, sắp xếp thời gian hợp lý, tránh ảnh hưởng đến chất lượng công việc hiện tại. Hoặc là chọn một trong hai hoặc là đảm đương tốt cả hai, thành công hay không là do bạn.
"Có thực mới vực được đạo" khi đã quyết định theo đuổi đam mê thì điều kế tiếp là tính đến đầu ra cho công việc. Khi gắn đam mê của đời mình vào việc kiếm tiền bạn sẽ bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác, bởi bất cứ ngành nghề nào, công việc nào cũng có ưu và nhược điểm riêng. Đừng để một ngày nào đó áp lực từ công việc, từ cuộc sống khiến bạn nhận ra công việc từng là mơ ước ngày nào không còn khiến bạn vui vẻ và hứng thú. Sống trong một xã hội đầy cạnh tranh, bạn cần phải làm việc vì đam mê một cách thông minh hơn. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng có thể bạn sẽ phải trả giá rất đắt khi phải đánh đổi tuổi xuân để theo đuổi một mục tiêu không thực. Bạn sẽ không thể dồn hết tâm sức bồi đắp đam mê trong khi không thể làm ra tiền, không thể nuôi sống bản thân. Nhiều nhà văn đã phải bỏ nghề vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Không ít giáo viên đã từ bỏ bảng đen phấn trắng vì đồng lương không đủ sống. Do đó sinh viên mới ra trường cần trang bị ngay những kỹ năng mềm cần thiết ngoài kiến thức chuyên môn như kỹ năng phỏng vấn xin việc, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kĩ năng định vị bản thân, sử dụng tốt các công cụ và ứng dụng văn phòng,...để giải quyết vấn đề đầu ra cho công việc bạn làm. Kiếm tiền từ đam mê không phải dễ, cần có thời gian, sự đầu tư nghiêm túc, dũng cảm đối mặt với những khó khăn, thử thách.
Tuy nhiên, cũng đừng cố nhồi nhét vào đầu mình những thành công và sự giàu có của người khác rồi tự tạo áp lực cho bản thân, làm méo mó giá trị vốn có của công việc mà bạn tâm huyết. Hãy biến ước mơ thành một điều gì đó gần gũi và bình dị trong cuộc sống. Đồng thời cũng đừng vì quá đam mê mà chấp nhận dốc hết sức lao động cho công việc chỉ để đổi về những đồng lương không tương xứng. Đó là cái bẫy của những nhà tuyển dụng.
Tất nhiên, theo đuổi đam mê mà phải hy sinh đời sống riêng tư thì còn gì là hạnh phúc? Đừng để bản thân dù thoả mãn với đam mê nhưng sâu thẳm bên trong vẫn ray rứt vì không đủ thời gian cho chính bạn và gia đình. Mỗi người đều có những nhu cầu riêng và ứng với từng hoàn cảnh, từng giai đoạn lại có ưu tiên mà chỉ có bạn mới là người quyết định. Giai đoạn nào cần tập trung cao độ cho công việc, giai đoạn nào cần ưu tiên cho gia đình, cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ quan trọng khác? Cần có kế hoạch quản lý thời gian phù hợp để có thể sống hết mình với đam mê vừa thoả mãn các nhu cầu khác trong cuộc sống. Đừng cố tách biệt công việc và cuộc sống mà hãy phối hợp chúng với nhau. Giải trí, kết nối với bạn bè, người thân, theo đuổi sở thích riêng,...sẽ giúp bạn có một tình thần thoải mái, học thêm được nhiều điều, tăng khả năng sáng tạo và hiệu quả trong công việc. Một chuyến du lịch vài ngày có thể giúp bạn mở rộng tầm nhìn, nảy ra nhiều ý tưởng. Dẫn con đến chỗ làm khi có việc đột xuất vào ngày nghỉ, sẵn tiện cho con tham quan, trải nghiệm công việc bố mẹ đang làm. Chia sẻ niềm đam mê của bạn để bồi đắp lý tưởng sống cho con...Bố trí thời gian nghỉ ngơi, giữ thói quen sống lành mạnh, tránh làm việc quá sức mà tổn hại đến sức khoẻ. Có như thế bạn mới có thể tiếp tục nuôi dưỡng đam mê một cách lâu dài.
Hãy để đam mê trở thành phần quan trọng trong cuộc sống đời thường của bạn và đồng hành cùng bạn trên hành trình theo đuổi hạnh phúc của riêng mình.
Trích từ bài viết Đam mê và hạnh phúc
https://thehappykey.wixsite.com/home/post/dam-me-va-hanh-phuc
Các nôi dung khác trong bài viết:
Đam mê là gì?
Đam mê có khiến ta hạnh phúc?
Làm sao để nhận biết được đam mê?