(Webtretho) Vã mồ hôi, giật mình tỉnh giấc, la hét, sợ hãi tột độ… đó chính là những điều bạn có thể sẽ trải qua mỗi lần trải qua một cơn ác mộng. Thậm chí, cảm giác lo lắng, mệt mỏi và những suy nghĩ về cơn ác mộng đó có thể kéo dài trong suốt cả ngày hôm khiến bạn khó để tập trung để làm việc.
Lo lắng và căng thẳng
Sự lo lắng, căng thẳng, tâm trạng bất an, không ổn định, thường là kết quả sau một biến cố lớn trong cuộc sống là nguyên nhân gây ra nhưng cơn ác mộng. Theo các báo cáo của Hiệp hội Quốc tế nghiên cứu những giấc mơ (IASD), những biến cố lớn đó có thể là một cuộc đại phẫu, bệnh tật, sự đau buồn khi mất mát người thân, tai nạn hoặc chứng kiến những tai nạn kinh khủng… Tình trạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên những cơn ác mộng thường xuyên.
Bên cạnh những nguyên nhân do chấn thương tâm lý, các căng thẳng trong đời sống hàng ngày như gánh nặng về kinh tế hay các chuyển biến trong cuộc sống như li hôn, chuyển nhà, mất việc… có thể trở thành tác nhân khiến con người gặp phải ác mộng.
Tạp chí International Journal of Psychophisiology đã công bố một nghiên cứu nhỏ, trong đó một nhóm đàn ông khỏe mạnh đã ăn những món thật cay trước khi đi ngủ trong vài ngày, những ngày còn lại không ăn cay. So sánh về chất lượng của giấc ngủ cho thấy, những đêm ăn cay, giấc ngủ của họ không sâu, ngủ không ngon và dễ bị tỉnh giấc. Các nhà khoa học giải thích rằng thức ăn cay khiến cho thân nhiệt tăng cao lên do đó gây gián đoạn giấc ngủ. Điều này cũng có thể giải thích cho việc một số người thường ngủ không ngon và gặp ác mộng khi họ ăn quá sát giờ ngủ khiến cho sự trao đổi chất và hoạt động của não bị kích thích.
Chất béo trong thực phẩm
Mặc dù chưa có kết luận cụ thể, tuy nhiên một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng thức ăn bạn tiêu thụ trong ngày chứa càng nhiều chất béo thì khả năng càng lớn bạn sẽ bị giảm chất lượng giấc ngủ. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2007 trong Psychological Reports đã cho thấy giấc mơ của những người ăn các loại thức ăn hữu cơ hoàn toàn khác biệt so với những người ăn các đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ. Các tác giả này cũng đưa ra giả thuyết cho rằng một số loại thức ăn nhất định có thể ảnh hưởng xấu đến những giấc mơ của chúng ta hàng đêm.
Rượu, bia, hay các loại thức uống pha chế chứa cồn khác có thể giúp bạn mau chóng đi vào giấc ngủ, tuy nhiên khi hết tác dụng, chúng có thể làm cho bạn tỉnh giấc sớm hơn. Tiêu thụ cồn quá mức có khả năng dẫn đến những cơn ác mộng và một giấc ngủ không ngon giấc. Ngoài ra, tình trạng gặp ác mộng cũng xảy ra rất phổ biến ở những người đang trong giai đoạn cai rượu.
Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, hay các loại thuốc kích thích… có thể gây ra tác dụng phụ là những cơn mơ quái ác. Tình trạng này sẽ chấm dứt khi thuốc được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi cơ thể.
Bệnh tật
Những bệnh đi kèm với sốt như cảm cúm rất có thể gây nên những cơn ác mộng. Và một trong những rối loạn về giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ (apnea), hay chứng ngủ rũ (narcolepsy) cũng có thể làm tăng tỉ lệ của những cơn ác mộng.