Quan niệm của người Việt khi dạy con vẫn đặt nặng suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, đối với con phải nghiêm khắc, cứng rắn thì con mới biết “sợ”. Khi trẻ đến tuổi dậy thì, thậm chí là đến lúc trưởng thành, vẫn không hoàn toàn chia sẻ được cuộc sống riêng hay xin ý kiến từ gia đình trong những việc mình làm. Bởi tâm lý chung được hình thành từ nhỏ “làm sai là bị đánh”, tạo thành một bức tường ngăn cách cha mẹ và con cái. Làm sao để giáo dục con, để con ngoan, hiếu thảo mà vẫn giữ được tình cảm, sự tôn trọng, con tâm phục khẩu phục dù không dùng roi vọt?
1. Cho con làm việc nhà
Khi con không vâng lời, thay vì đánh mắng con, hãy nghiêm khắc yêu cầu con làm việc nhà để “chịu phạt” vì lỗi lần mình đã gây ra. Bé nhỏ thì yêu cầu dọn phòng của chính mình, dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, trẻ lớn có thể lau dọn cả nhà, rửa chén bát, rửa xe, tưới cây…. Không phải chỉ đánh con mới thể hiện sự nghiêm khắc, mới làm con nể, con sợ mình. Bạn hãy đối xử với con trong tâm thế con là một người trưởng thành, một người bạn, một đối tác của bạn. Chắc chắn rằng bạn sẽ không đánh bạn bè hay đối tác của mình khi họ làm sai, thế sao bạn lại đánh con?
Cắt quyền vui chơi của con như xem tivi, chơi game, dùng máy tính… trong khoảng nửa tuần hay 1 tuần tùy theo độ nặng của lỗi chính là một cách phạt con, vẫn làm con sợ nhưng không tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ và tình cảm trong gia đình. Hình phạt này có thể áp dụng khi bé không làm bài tập, không thuộc bài hay bị cô giáo phàn nàn vì chểnh mảng việc học trên lớp. Việc cắt các thú vui này của con ngoài là một dạng hình phạt, còn giúp con hướng sự tập trung vào bài tập, hay tìm niềm vui lành mạnh hơn trong việc đọc sách, chơi thể thao, vẽ tranh.
Cắt tiền tiêu vặt như một cách “phạt hành chính” con. Hình phạt này bạn nên xem là mức phạt “nặng”, chỉ nên áp dụng trong những lỗi lớn như nói dối, ăn cắp vặt, cúp học….Không nhất thiết phải cắt toàn bộ tiền tiêu vặt, hãy cắt từ 30 – 80% để trẻ vẫn có thể xoay sở. Hoặc, bạn có thể áp dụng như phương pháp của các gia đình phương Tây, yêu cầu trẻ làm việc nhà để để đổi lại tiền tiêu vặt nhiều hơn.