Nên chọn trường tiểu học nào cho con là mối quan tâm của hầu hết các ông bố bà mẹ có con ở độ tuổi mẫu giáo. Thậm chí có phụ huynh nghiên cứu về chuyện chọn trường cấp 1 cho con từ khi bé còn rất nhỏ.
Tầm quan trọng của việc chọn trường tiểu học phù hợp cho con?
Giáo dục trong những năm đầu đời đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của con. Bố mẹ cần đặc biệt quan tâm đến việc chọn cho con một môi trường tiểu học tốt vì:
- Mỗi bé có tính cách khác nhau, nhận thức và khả năng tư duy cũng vậy. Nếu được ở trong môi trường có chương trình giáo dục phù hợp với con sẽ tạo điều kiện cho bé được phát triển tốt nhất.
- Các lớp tiểu học chính là bàn đạp cho con, để định hướng bé phát triển xa hơn sau này.
- Bé cần phải tự lập hơn khi dần tách khỏi vòng tay cha mẹ ở độ tuổi này. Vì vậy mà môi trường mới cần đủ an toàn, tích cực để bé sớm hòa nhập và tự tin hơn.
- Bố mẹ sẽ thấy an tâm, giảm bớt gánh nặng và những khó khăn liên quan đến dinh dưỡng cho con, đưa rước con đi học, học phí và chất lượng dạy của trường.
>> Có thể mẹ chưa biết: Kích thước bàn ghế học sinh tiểu học bao nhiêu là đúng chuẩn?
Nên chọn trường tiểu học nào cho con?
Bố mẹ đã biết vì sao việc chọn trường tiểu học cho con cần được xem xét kỹ lưỡng. Giờ là lúc giải đáp thắc mắc nên chọn trường tiểu học nào cho con. Sau đây là những tiêu chí bố mẹ cần xem xét khi chọn được môi trường cấp 1 phù hợp cho con.
(Nguồn ảnh: ShutterStock)
Hiểu rõ mong đợi của bản thân và đặc điểm tính cách, khả năng của bé
Để biết được nên chọn trường tiểu học nào cho con, bố mẹ cần biết chính xác mình mong đợi điều gì và con mình thích gì.
Trường tiểu học phù hợp nên là nơi được chọn dựa trên tích cách và năng lực của con. Bố mẹ hãy trả lời những câu hỏi này:
- Tính cách của bé ra sao? Con thích giao lưu và hòa đồng với bạn bè hay thu mình trước đám đông, nhút nhát?
- Con có sở thích đặc biệt về thể thao, ca nhạc, hội họa, múa hát hay các môn khoa học lý thú?
- Bé có khả năng tự lập trong các hoạt động cá nhân hay vẫn cần có người chăm sóc.
- Bố mẹ chú trọng sự phát triển toàn diện của con cả về kiến thức lẫn kỹ năng sống hay mong muốn con giỏi giang mỗi lĩnh vực học thuật?
- Bố mẹ mong con được học trong môi trường quốc tế hay truyền thống?
- Bố mẹ muốn cùng đồng hành với nhà trường để giáo dục con hay để cho trường học được toàn quyền quyết định?
Càng đặt nhiều câu hỏi và giải đáp chúng, bố mẹ sẽ càng hiểu về mong muốn của mình và con, để dễ chọn được trường tiểu học phù hợp với con hơn.
Tìm hiểu về chương trình đào tạo của nhà trường
Bố mẹ cần biết được con sẽ học gì ở lớp và được cung cấp những kiến thức, kỹ năng gì. Một số yếu tốt thuộc về chương trình giáo dục mà bố mẹ cần xem xét là:
- Phương pháp giảng dạy: trường theo tiêu chí lấy học sinh làm trung tâm hay vẫn dùng kiểu cô giáo giảng bài trò làm theo. Con được khuyến khích thực hành song song với học lý thuyết hay chỉ tập trung vào lý thuyết?
- Cách kiểm tra, đánh giá: các tiêu chí để đánh giá năng lực của bé là gì? Con sẽ phải làm những bài kiểm tra, bài thi như thế nào?
- Hoạt động ngoại khóa: khi học trường tiểu học này, con sẽ được tham gia những hoạt động nào. Con được phát triển những kỹ năng quan trọng nào sau những tiết học ngoại khóa này?
Xem xét đến mức học phí và vị trí của trường tiểu học
Bố mẹ nào cũng muốn cho con học môi trường tốt nhất, tuy nhiên chất lượng cao đồng nghĩa với chi phí cho giáo dục của phụ huynh cũng cao tương ứng. Chưa kể chặng đường học phổ thông và đại học của con kéo dài gần 20 năm, bố mẹ nên tính toán kỹ càng.
Chọn trường tiểu học có học phí quá cao cho con sẽ khiến phụ huynh bị áp lực và căng thẳng về chuyện tiền nong. Nếu không thể chi trả chi phí giáo dục cho con, bé sẽ phải chuyển trường, thay đổi môi trường học tập và ảnh hưởng đến quá trình thích nghi và hòa nhập của con.
Khoảng cách giữa nhà và trường nên phù hợp để bố mẹ thuận tiện đưa đón con, giúp bé đến trường đúng giờ, không mất quá nhiều thời gian di chuyển hay phải dậy sớm dễ mất sức.
Nên chọn trường tiểu học nào cho con? Trường công, dân lập hay quốc tế?
(Nguồn ảnh: ShutterStock)
Tại nước ta có 3 hệ thống trường tiểu học cho con lớp 1 để cha mẹ lựa chọn. Mỗi hệ thống đều có ưu, nhược điểm riêng. Để biết nên chọn trường tiểu học nào cho con thì bố mẹ hãy xem đánh giá về từng hệ thống trường này:
Ưu, nhược điểm của trường công
Ưu điểm
- Có nhiều sự lựa chọn
- Dễ tìm được trường gần nhà
- Học phí rẻ
- Kiến thức trong trường đúng chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Nhược điểm
- Lớp có sĩ số đông, học sinh không được quan tâm sát sao
- Phương pháp giảng dạy truyền thống, trẻ ít được chủ động đưa ý kiến.
- Chương trình học khá nặng với trẻ tiểu học
- Đánh giá và kiểm tra qua thành tích, điểm số làm học sinh căng thẳng
Ưu, nhược điểm của trường dân lập
Ưu điểm
- Lực học của con và các bạn cùng lớp khá đồng đều
- Việc dạy và học tốt (vì phải thi đầu vào)
- Tập trung phát triển các kỹ năng chuyên biệt cho trẻ (ở các lớp chọn)
- Các học sinh giỏi được tham gia các giải đấu, cuộc thi các cấp, thêm cọ xát và tự tin hơn.
- Mức học phí trung bình.
Nhược điểm:
- Con sẽ dễ nản nếu không theo kịp các bạn
- Chất lượng giữa các trường không đồng đều về chất lượng dạy và học, cần tìm hiểu kỹ
- Cạnh tranh hơn so với trường công và trường quốc tế
Ưu, nhược điểm của trường quốc tế
Ưu điểm:
- Con được chú trọng ngoại ngữ ngay từ nhỏ, sớm thành thạo giao tiếp và sử dụng tiếng Anh sau này.
- Con được phá triển các kỹ năng mềm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề.
- Môi trường khuyển khích cho bé thể hiện bản thân
Nhược điểm:
- Học phí rất cao
- Bé sẽ bị hạn chế phần nào khả năng tiếng Việt vì toàn phải nói tiếng Anh ở trường.
- Vì không chú trọng vào việc dạy kiến thức nên khả năng học thuật của con có thể không bằng các bé khác.
- Môi trường ít áp lực nên con khó rèn được tính kiên trì và kỷ luật.
Dựa trên những ưu nhược điểm của 3 hệ thống trường học tại Việt Nam và tiêu chí khi xem xét, mẹ đã biết nên chọn trường tiểu học nào cho con.
Nguồn tham khảo: binggo
Xem thêm bài viết liên quan:
TOP 7 cặp đi học đẹp mắt và chất lượng, phụ huynh nên sắm cho con
7 ghế học sinh có thể điều chỉnh được độ cao phù hợp với vóc dáng của bé
5 bài học giúp bé nhanh chóng làm quen với việc đến trường, mẹ cần dạy con trước khi vào lớp 1