Để giúp các bậc cha mẹ có cái nhìn thấu đáo hơn về bệnh Viêm da cơ địa, từ đó giúp con sống vui khỏe như bao đứa trẻ có làn da khỏe mạnh khác, PGS.TS – Bác sĩ Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương đã chia sẻ với độc giả những thông tin hữu ích sau.




PGS.TS – Bác sĩ Nguyễn Hữu Sáu




Gần đây, bé nhà mình được 4 tháng tuổi, thường nổi sẩn đỏ ở hai bên má, khuỷu tay, khuỷu chân. Cứ đến đêm, bé lại ngứa, quấy khóc và không thể nào ngủ được. Mình rất xót con. Không biết bé có bị bệnh viêm da cơ địa không? (Quỳnh Hương, NVVP)



Theo như bạn kể thì có thể cháu mắc bệnh viêm da cơ địa, một bệnh da dị ứng, mạn tính thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh biểu hiện là các dát đỏ (hồng ban), da khô, mụn nước, ở hai má, cằm, trán, có khi bị sưng phù hoặc rỉ dịch…Trường hợp nặng tổn thương có thể lan rộng ra các vùng da khác như đầu, gáy, khuỷu tay, khuỷu chân, cổ chân, các nếp gấp kèm theo những vết trầy xướt do cào gãi. Bệnh dễ tái đi tái lại. Khi thấy các biểu hiện này, bạn cần đưa bé đến bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác và được hướng dẫn chăm sóc, điều trị.




Viêm da cơ địa thường có triệu chứng khô ngứa da, tấy đỏ và viêm da




Con mình bị mắc viêm da cơ địa và điều trị đã 5 năm không hết khiến cả nhà đều mệt mỏi và xót xa. Làm sao để trị dứt điểm bệnh này? (Anh Thúy, Q.8)



Viêm da cơ địa thường xuất hiện trong ba tháng đầu đời của trẻ. Đây là bệnh lý da phức tạp liên quan những khiếm khuyết từ trong gen và gây thiếu hụt các chất thiết yếu ở hàng rào bảo vệ da, từ đó khiến làn da trở nên khô ngứa, nhạy cảm bất bình thường với các tác nhân kích ứng và dễ gây bùng phát phản ứng viêm theo từng đợt.


Hiện nay, việc điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng viêm, chống khô da, giảm ngứa và kiểm soát bội nhiễm (nếu có), phòng ngừa các đợt bùng phát. Tùy vào độ nặng của triệu chứng (giai đoạn bùng phát hay tạm lắng) mà bệnh nhân cần có chế độ điều trị, chăm sóc da phù hợp.



Biết là không thể chữa dứt nhưng có cách nào để hạn chế các đợt bùng phát? (Lê Hoa, Q. Hoàn Kiếm)



Các đợt bùng phát thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, thay đổi khí hậu, khi da tiếp xúc với các tác nhân gây bùng phát hoặc các dị ứng nguyên tiềm tàng: xà phòng, chất tẩy rửa, hương liệu, quần áo len hoặc vải sợi tổng hợp dễ gây ngứa, lông thú, khói bụi… Ngoài việc dùng thuốc trong giai đoạn bùng phát, điều rất quan trọng là bệnh nhân cần tránh các yếu tố gây khởi phát bệnh và được chăm sóc da hàng ngày đúng cách:


Vệ sinh da: nhiệt độ nước từ 32 đến 34° C (nước quá nóng làm da khô và kích ứng), không dùng sữa tắm có xà phòng và lưu ý chất chlor trong nước có thể gây kích ứng da, …


Thường xuyên thoa kem làm mềm da, giảm khô ngứa giúp mang lại cảm giác dễ chịu và giúp phòng ngừa tái phát. Nên chọn những sản phẩm êm dịu, hạn chế chất bảo quản, không hương liệu và không gây kích ứng da. Cách thoa kem nhẹ nhàng, không chà xát gây kích ứng da cũng rất quan trọng.



Bệnh viêm da cơ địa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của trẻ




Ngoài việc tuân thủ điều trị, chăm sóc da đúng cách và tránh các tác nhân gây dị ứng, mình cần lưu ý gì thêm không ạ? (Anh Thảo, Q.1)



Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn “ngứa-cào gãi-viêm”, bạn nên tìm cách để cắt cơn ngứa cho bé một cách an toàn và êm dịu. Có thể áp dụng một số cách như: xoa nhẹ nhàng lên vùng da bị ngứa thay vì cào gãi, xịt nước khoáng để làm dịu da và giảm ngứa, chườm mát bằng vật dụng sạch... Khi lựa chọn nước xịt khoáng, nên ưu tiên những sản phẩm có tác dụng làm dịu, kháng viêm, chống ngứa và chuyên được dùng cho bệnh viêm da cơ địa.



Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Hữu Sáu.