Mẹ biết rằng trong những năm tháng đầu đời, mỗi em bé sẽ có sự phát triển khác nhau, có bé phát triển đúng chuẩn, có bé chậm hơn hay thậm chí có bé lại vượt trội hơn hẳn các bạn đồng trang lứa. Và việc chạm các cột mốc phát triển sớm hơn trong giai đoạn 0-2 tuổi là một trong những dấu hiệu của một đứa trẻ thông minh.
Có phải bé mong muốn bé yêu của mình là một em bé thông minh, lanh lợi? Thế thì đừng bỏ qua những điều dưới đây!
Giai đoạn 1 (0 – 6 tháng tuổi): Ở độ 6 tháng tuổi, hầu hết các bé cần phát triển thị lực trong việc quan sát tầm nhìn xung quanh. Bé cũng có thể cầm nắm đồ vật, lật, ngồi vững và trườn bò khắp nhà. Về giao tiếp, bé có thể ê a hóng chuyện và thích nghe nhạc cùng bố mẹ. Mẹ nên làm gì để giúp bé phát triển các kĩ năng này?
· Thường xuyên hát – trò chuyện cùng bé, dùng nhiều ngữ điệu khác nhau để bé phản ứng theo mẹ
· Di chuyển các đồ chơi trước mặt để bé tập quan sát tăng tầm nhìn
· Cho bé tiếp xúc đồ chơi để tập khả năng cầm nắm, vận động của tay.
· Nhẹ nhàng đặt bé nằm lên nệm mềm, rồi nâng hai cánh tay giúp bé ngồi dậy mỗi ngày cho bé cứng cáp, ngồi vững hơn.
Giai đoạn 2 (7 – 12 tháng tuổi): 12 tháng tuổi, các bé bắt đầu phát triển vận động (bò, đứng, đi), ê a tập nói và nhận biết người thân xung quanh mình. Với bé thông minh vượt trội thì có thể học từ vựng về thế giới xung quanh như màu sắc, hình dạng, cơ thể người... Mẹ ghi lại các bí quyết sau nhé:
· Cho bé dùng xe tập đi từ sau 6 tháng để cơ thể cứng cáp
· Giấu “kho báu đồ chơi” xung quanh phòng và hướng dẫn bé đi tìm món đồ đó để bé tập nghe – hiểu lời mẹ
· Cho bé tập hát, trò chuyện và dạy bé nhận biết người thân qua các tấm ảnh
Giai đoạn 3 (13 – 18 tháng tuổi): Thông thường, bé 18 tháng tuổi có thể nói thành những từ đơn giản. Tuy nhiên, bé thông minh hơn có thể nói những cụm từ dài – rõ nghĩa. Bé còn biết chuyền – ném đồ vật theo hiệu lệnh của bố mẹ, và tháo ráp các món đồ chơi đơn giản. Bố mẹ đừng quên:
· Thường xuyên tập hát cùng bé –sẽ giúp bé nói nhanh và tốt hơn.
· Đọc sách cho bé nghe khơi dậy sự tò mò, xây dựng nhận thức, khả năng tiếp nhận thông tin cho bé
· Trò chuyện hằng ngày với bé giúp bé phát triển ngôn ngữ và hình thành khả năng giao tiếp
· Bày các trò chơi như ném bóng vào rổ, tháo ráp gỗ để bé tập làm theo
· Bắt đầu hướng dẫn bé tự làm vệ sinh cá nhân bằng cách làm mẫu cho bé nhé!
Giai đoạn 4 (19 – 24 tháng tuổi): Bé đã 2 tuổi – có thể nói những câu ngắn gọn và giao tiếp với mọi người rồi đấy! Bé vượt trội hơn còn có thể đặt ra một ngàn câu hỏi “vì sao” cho bố mẹ về các khái niệm xung quanh mình nữa cơ. Và dĩ nhiên bé đã học đếm cũng như tự làm 1 số việc cá nhân, thích thú khi vui chơi ngoài trời. Bố mẹ đừng ngại hướng dẫn thêm cho bé nha. Ở tuổi này, bé sẽ thích hơn khi:
· Được bố mẹ dạy cho phân loại đồ vật và nhiều khái niệm khác nhau thông qua đồ chơi, và hãy cho phép bé chơi cùng các bạn
· Cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời để bé tự do khám phá
· Bố mẹ cùng bé đọc sách mỗi tối – bé thông minh sẽ bắt đầu có nhiều câu hỏi, hãy từ tốn giải thích để bé hiểu rõ hơn mẹ nhé!
· Dạy cho bé bắt đầu tính tự lập từ các hoạt động cá nhân
Giờ thì mẹ đã biết rõ các dấu hiệu bé thông minh vượt trội và bí quyết giúp bé chạm cột mốc phát triển sớm hơn rồi, mẹ đã sẵn sàng để cùng bé khám phá thế giới này chưa?