Khi anh ấy nói yêu bạn, tình yêu của anh ấy kết thúc. Khi bạn nói yêu anh ấy tình yêu của bạn bắt đầu.

Anh biết không? Cuộc đời em từng có rất nhiều cuộc hẹn, nhưng không phải lần hẹn nào em cũng tới. Có những cuộc hẹn dự định là sẽ rất thú vị, nhưng em đã bỏ lỡ. Có những lần hò hẹn tưởng chừng như nhàm chán, nhưng cuối cùng lại khá hay ho. Có những cuộc hẹn hò đi đến hồi kết, nhưng cũng có những cuộc hẹn chỉ đến một lần rồi thôi.

Người hẹn gặp, đôi khi họ cần gặp em thật, đôi khi chỉ để em bớt cần họ hơn. Đôi khi yêu thương. Đôi khi dửng dưng như hai người xa lạ. Trong cuộc đời kế tiếp, không biết em sẽ còn hẹn gặp bao nhiêu lần nữa... Cũng không biết sẽ bỏ lỡ bao nhiêu cuộc hẹn nữa...

Không biết cớ sao, mỗi lần nghe bài hát Hẹn Hò của Phạm Duy, lòng tôi xao xuyến, tim tôi như thổn thức cùng giai điệu ray rức và cả người tôi như rưng rưng theo lời ca. Trước mắt tôi như hiện lên bóng dáng của những người yêu nhau, luôn nhớ về nhau. Tôi như thấy có bóng dáng tôi và nàng trong đó:

          Một người ngồi bên kia sông

          im nghe nước chảy về đâu

          Một người ngồi đây

          trông hoa trôi theo nước chảy phương nào

          Trời thì mưa rơi

          mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau

          Người thì hẹn nhau sang sông

          mong cho chóng tạnh mùa Ngâu. 

      Ca từ như thơ. Mà tình thì nặng. Quả là “Cái tình là cái chi chi?” như Nguyễn Công Trứ đã từng tự hỏi. Và tôi cũng vậy. Cũng tự hỏi bao lần cho cái kiếp người nặng tình. Rõ là Phạm Duy nặng tình. Tôi nặng tình. Và ai kia cũng nặng tình. Không nặng tình sao được khi viết, khi nghe, khi cảm “Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu. Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào”. Ca từ đưa người nghe hòa nhập với nỗi buồn man mác hòa điệu cùng những câu Kiều của Nguyễn Du: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?/ Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

      Chính cái tình nặng nên cảm động cả đất trời. Trời đất cũng trở trăn cùng đôi lứa yêu nhau khi tình yêu ấy còn trắc trở. Trời đất như đồng cảm cùng những người yêu nhau: “Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau”. Chỉ có hẹn cùng nhau, đến với nhau để đất trời không đau, không khổ, để tình nối tình như Ngưu Lang – Chức Nữ: “Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu”.

      Cuộc đời ai mà tính trước được! Vẫn còn đâu đó mối tình cách biệt dẫu lòng mãi yêu nhau. Vẫn hẹn hò cùng nhau, để vui ngày sau cho trọn mối duyên tình. Dẫu hứa cùng nhau, nhưng vẫn cách biệt dài lâu. Không đau xót sao được, khi nghe những lời như rút ruột tự đáy lòng:

          Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau

          cách một biển sâu

          hẹn hò tàn thu sang xuân bên nhau

          biết thuở ban đầu

          dù tình không nguôi

          đôi ta xin cho hứa vui về sau

          trời còn làm cho mưa rơi mưa rơi

          cách biệt dài lâu…

      Cũng mang giai điệu như đoạn trên, nhưng lời ca lại đớn đau hơn. Ở đoạn trên, người yêu nhau như tin là nếu còn duyên thì có ngày gặp lại dù trong thoáng chốc. Còn đoạn này, ôi sao yêu nhau mà tội nghiệp bởi “cách một biển sâu”, chỉ mong được “hẹn hò tàn thu sang xuân bên nhau biết thuở ban đầu”, chỉ cầu nguyện “xin cho hứa vui về sau”, bởi duyên kia đành lỗi hẹn và bởi “trời còn làm cho mưa rơi mưa rơi cách biệt dài lâu…”.

      Đã từng yêu nhau chắc hẳn ai kia tự hứa với lòng là mãi được gần nhau, mong ước được sống cùng nhau. Nhưng tất cả là số kiếp làm cho đôi lứa yêu nhau phải cách biệt. Ở đây, có phải Phạm Duy cũng như bao người cùng thế hệ ông vẫn nghĩ, vẫn cảm được sự cách chia đôi lứa là do số kiếp? Chỉ có nước mắt là thật cho cảnh ngộ duyên tình cách trở, cho hồn theo con nước trôi:

          Nước vẫn trôi mau

          mắt vẫn hoen sầu

          đành để hồn theo nước trôi không màu

          Số kiếp hay sao?

          không cho bắc cầu

          thì xin sông nước sẽ cho gần nhau…

      “Thì xin sông nước sẽ cho gần nhau” như tiếng thở than chấp nhận. “Xin sông nước sẽ cho gần nhau” là lời hẹn hò của đôi lứa trong men tình dậy sóng, là nguyện ước được mãi bên nhau.

      Không là cảnh ngóng tin nhau, chờ đợi nhau, tin là có ngày gặp nhau trong hình ảnh “Sông Tương một giải nông sờ/ Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia” (Nguyễn Du) mà là cảnh:

          Một người bèn ra ven sông

          buông theo nước cuồn cuộn mau

          Một người chìm sâu

          trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu

          Cuộc tình thương đau

          êm êm trôi theo nước xuôi về đâu?

          Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau.

      Còn đâu “Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu”? Còn đâu “Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào”? Có chăng là cuộc tình thương đau, cuộc hẹn hò thiên thu của đôi lứa vì cuộc đời, vì số kiếp để mãi được gần nhau: “Cuộc tình thương đau êm êm trôi theo nước xuôi về đâu? Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau”. Thôi thì, không sống cùng nhau trong cõi đời này, thì hẹn hò gặp nhau cõi thiên thu, cõi không có thương-đau-sầu-khổ. Hẹn hò như thế có mấy ai trong cõi đời này! Nhưng hẹn hò như thế cũng làm người đời sau day dứt.

      “Hẹn hò gặp nhau thiên thu”, tưởng mấy ai có được! Cả bài hát đượm nỗi buồn man mác mà không bi lụy dẫu đôi lứa yêu nhau lấy cõi thiên thu làm nơi hẹn ước cho kiếp yêu nhau của mình. Nghe bài hát, tôi như thấy lòng mình yêu thêm cuộc sống, bởi cõi đời này tôi vẫn cứ hẹn em, hẹn nàng trong ký ức. Và tôi tin, ở đâu đó, những đôi lứa yêu nhau vẫn mãi hẹn cùng nhau trong cõi nhân gian này.