Đã 11 năm trôi qua, người xem vẫn không thể nào quên được hình ảnh một Tịnh Thu trong sáng, hồn nhiên; một Kiến Tân ôn nhu, tâm lý, chung tình với người mình yêu đến hơi thở cuối cùng. Tình đầu- đẹp mà dang dở đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả, mỗi chúng ta như thấy lại chính mình trong Tịnh Thu

hình ảnh

Chuyện tình cây táo gai( Táo gai) là bộ phim điện ảnh ăn khách của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Xuyên suốt bộ phim là chuyện tình tươi đẹp, thuần khiết của Tịnh Thu và Kiến Tân. Tịnh Thu, Kiến Tân- hai phe đối lập " tốt- xấu" trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Tịnh Thu sinh trưởng trong gia đình theo phe cánh tả: bố bị đày đi lao động cải tạo, mẹ đang là giáo viên cũng bị đẩy xuống làm lao công, chịu sự khinh miệt của người đời. Dù vậy nhưng Tịnh Thu vẫn luôn lạc quan, yêu đời, tinh thần cách mạng hăng hái. Một cô bé 16 tuổi đang trong quá trình hoàn thành năm cuối của bậc trung học, cũng như bao bạn bè cùg trang lứa, cô hăm hở lên đường về vùng thôn quê để thực tập, củng cố cách mạng. Tại đây, cô đã gặp người mà mình yêu thương nhất Tôn Kiến Tân. Anh được người dân thôn quê gọi thân mật là Lão Tam, cậu ba. Trái với Tịnh Thu, anh xuất thân trong một gia đình tài phiệt, được người đời kính trọng. Bố là quan chức chính phủ cấp cao, bản thân anh là một thành viên năng động của đội thăm dò địa chất. Không hề bận tâm tới sự khác biệt về gia thế,địa vị, Tịnh Thu- Kiến Tân đã có một mối tình lãng mạn, cao đẹp. Mảnh đất thơ mộng và cây sơn tra hoa đỏ đã chứng kiến mối nhân duyên đẹp, dang dở nhuốm màu tiếc thương.

Xuyên suốt bộ phim là bản tình ca nên thơ, trữ tình với những nốt trầm xao xuyến. Tình yêu đến với Tịnh Thu khi cô mới 16 tuổi- độ tuổi ngây thơ, đẹp nhất của đời người con gái. Chuyện tình của Tịnh Thu- Kiến Tân liệu có được viên mãn như cái kết của truyện cổ tích hay chỉ là một bản nhạc dang dở? Chúng ta hãy cùng giải đáp thắc mắc trong blog số 1 lần này nhé!

     

hình ảnh

Tình yêu của họ là bản thanh âm trong trẻo giữa sự xô bồ của cuộc sống, ngay cả trong bối cảnh chính trị hỗn loạn của Trung Quốc những năm 70

   Cuộc cách mạng vô sản ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do chủ tịch Mao Trạch Đông khởi xướng, lãnh đạo có hệ quả rất lớn tới mọi mặt: chính trị, văn hóa, xã hội.Tuy nhiên phong trào cũng gây nên những tổn thất vô cùng nặng nề, hàng triệu đã bị buộc tội là" phần tử cánh hữu", họ bị áp bức và chịu sự khinh miệt một cách trực diện, bị đày đi lao động khổ sai, thậm chí bị cầm tù, bị tử hình. Gia đình của Tịnh Thu theo chủ nghĩa tư bản, bố bị đày đi lao động khổ sai, mẹ đang là giáo viên bị đẩy xuống làm lao công khổ sở, cực nhọc. 

   Cũng như bao thanh niên tri thức yêu nước, Tịnh Thu hăm hở tham gia phong trào" Tiến về nông thôn", thực hiện lời kêu gọi của Mao chủ tịch. Tại mảnh đất Tây Thôn Bình, cô được nghe kể vì huyền thoại cây táo gai. Hoa sơn tra không có màu trắng như thường lệ, mà có màu đỏ rực như hoa gạo. Nơi đây đã từng chứng kiến biết bao mất mát, sự hi sinh của những người anh hùng trong cuộc kháng chiến Trung- Nhật. Máu của những người chiến binh quả cảm ngã xuống vì nền hòa bình của dân tộc đã tạo nên sắc đỏ kì diệu của hoa. 

   Con người không ai biết trước chữ ngờ. Tại nơi đây, Tịnh Thu đã gặp người làm cô rung động. Và có lẽ, hình ảnh anh sẽ không bao giờ phai nhòa trong tim cô. Tôn Kiến Tân- một công nhân đội địa chất và Tịnh Thu- một cô bé học sinh hồn nhiên cảm mến nhau ngay từ ánh mắt đầu tiên. Chuỗi ngày thực tập ngắn ngủi giúp họ xích lại gần nhau, thấu cảm tâm tư của nhau. Vì lịch trình văn nghệ của trường, Tịnh Thu phải về thành phố ít ngày. Khi trở về Tây Thôn Bình, cô không ngờ rằng anh lại thực hiện lời hứa sẽ chào đón cô quay trở lại. Lần gặp mặt ấy làm cho quan hệ của hai người tiến thêm một bước: Từ người dưng thành người thương 

   Tuy nhiên khi sắp trở về thành phố cô lại hay tin anh đã có người yêu ở trên thành phố. Với bản tính trẻ con, dại khờ của tuổi 16 , Tịnh Thu đã bỏ Kiến Tân trở về mà không một lời giải thích. Xa mặt nhưng không cách lòng, anh vẫn lặng lẽ dõi theo cô từ phía xa, nhờ người mang quà tới cho Tịnh Thu. 

  Hiểu lầm hóa giải, Tịnh Thu và Kiến Tân lại có cơ hội để gần nhau hơn. Kiến Tân yêu Tịnh Thu- một thứ tình cảm thật lòng, trong sáng, không hề toan tính, chiếm hữu. Tình yêu chỉ tuân theo tiếng gọi của trái tim. Tịnh Thu khi ấy chỉ là một cô bé trung học ; Kiến Tân là một chàng trai 24 nhiệt huyết, năng động, trưởng thành

   Có thể nói Tịnh Thu- Kiến Tân là mối tình thuần khiết nhất màn ảnh nhỏ. Cả hai người đều là mối tình đầu của nhau.Tình đầu thường đến khi con người ta còn trẻ, lần đầu được yêu luôn dạt dào cảm xúc. Ta yêu bằng tất cả sự chân thành của con tim mà không hề toan tính gì. Không chỉ vậy, lần đầu biết yêu còn chan chứa sự vụng dại, khờ khạo. Kiến Tân yêu Tịnh Thu đơn giản chỉ vì lắng nghe tiếng gọi từ tận đáy lòng. Không phô trương, ào ạt, không thư tình, tất cả những gì Kiến Tân dành cho Tịnh Thu là sự chăm sóc thầm lặng, cao cả. Luôn dõi theo từ xa, nhờ người tặng quà cho cô như một lời giải thích ngầm cho sự hiểu nhầm, mua cả đôi giày đẹp tặng cho Tịnh Thu khi cô đang trong quá trình thử việc:" Nếu em không mang, anh cũng sẽ giẫm chân lên nền đất sét, để chân anh cũng bị bỏng". 

    Giữa bối cảnh phức tạp, hỗn loạn của chính trị đất nước, tình yêu của họ là thanh âm trong trẻo. Thuở ấy, tình yêu là gánh tương tư, mỗi cá nhân không được đặt nặng chuyện cá nhân mà phải hướng tới nhiệm vụ cao cả, hưởng ứng lời kêu gọi từ Đảng. Tình yêu ấy đến với Tịnh Thu và Kiến Tân một cách tự nhiên, thanh thuần. Khoảnh khắc hai ta chạm nhau cũng là lúc anh nhận ra rằng: Em là người con gái anh sẽ chờ đợi cả cuộc đời. Biết về hoàn cảnh, lý lịch không tốt của gia đình Tịnh Thu, anh vẫn chấp nhận ở bên cô, tặng cho cô những món quà xa xỉ mà không hề đòi hỏi nhiều.

    Đằng sau ánh mắt dịu dàng ấy, Kiến Tân đã đem đến cho khán giả về định luật của tình yêu: Yêu không phải là sự chiếm đoạt, sở hữu. Khác với những chàng trai khác, anh hiểu rằng Tịnh Thu- người anh yêu có những điều khó xử, nỗi mặc cảm của bản thân. Anh không ép cô lúc nào cũng phải kè kè bên cạnh. Đi chung một con đường nhưng anh lúc nào cũng chỉ đi theo cô từ phía sau. Thậm chí đi cùng một chuyến xe, hai người cũng ngồi hai ghế khác nhau hướng mắt về nhau. 

   Chuyện gì cũng không thể giấu mãi được. Mối quan hệ tình cảm của Tịnh Thu- Kiến Tân cũng đã bị phát hiện bởi mẹ Tịnh Thu.Bà cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm và hoàn cảnh gia đình mình. Tịnh Thu khi ấy phải hoàn thiện bản thân thật tốt để được sự đồng ý ở lại trường sau khi tốt nghiệp. Người đàn ông trưởng thành, hiểu chuyện ấy không hề oán trách,cãi lời bà. Anh chỉ xin được băng chân cho Tịnh Thu. Đau xót thay, trong bối cảnh ấy,cả ba người đều khóc, có những nỗi niềm riêng không thể giãi bầy. Người đàn ông ấy còn thực hiện lời hứa rằng: Anh sẽ chờ em 1 năm lẻ 1 tháng, chờ em đến 25 tuổi, chờ em cả cuộc đời. 

   Ông trời quả thực là biết trêu đùa con người. Làm việc ở đội thăm dò địa chất, Kiến Tân không may đã bị mắc bệnh máu trắng. Tịnh Thu nói dối mẹ để đi tìm anh. Hai người đã có 3 ngày tuyệt vời bên nhau. " Chờ tới lúc hoa sơn tra nở, em sẽ mặc chiếc áo đỏ và đi xem cùng anh". Lời hẹn ước ấy đau đến từng khúc ruột của Kiến Tân. Anh cười buồn,đáp lại:" Chỉ e rằng, lần sau không còn cơ hội". Tịnh Thu ngây thơ lại nghĩ: Sao lại không còn cơ hội? Trong một căn phòng nhỏ, chỉ có một nam một nữ, anh cũng không vì những ham muốn nhất thời mà chiếm đoạt Tịnh Thu. Tình hình sức khỏe của bản thân như thế nào anh biết rất rõ: Căn bệnh máu trắng quái ác đang hành hạ anh từng ngày. Có thể đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng được nằm cạnh người mình yêu, anh cũng không đi quá giới hạn. Chỉ trao cho cô một cái nắm tay ấm áp để Tịnh Thu có cảm giác an toàn.

     Khoảnh khắc tạm biệt đã đến. Kiến Tân tiễn Tịnh Thu ra về, chân mỗi người bước đi khác nhau nhưng ánh mắt luôn hướng về nhau. Khoảng cách giữa Tịnh Thu và Kiến Tân chỉ một con sông nhưng xa tận chân trời. Cả hai đều rơi nước mắt, tạm biệt nhau bằng một cái ôm vô hình. Tịnh Thu ngây thơ cũng không biết rằng, đây là lần cuối cùng anh còn được thấy cô. 

Tình yêu của hai người cao đẹp, lãng mạn nhưng nhuốm màu tiếc thương bởi định kiến xã hội đương thời

    Đạo diễn họ Trương đã khéo léo đan cài bối cảnh lịch sử Trung Quốc những năm 70 vào trong phim. Tình cảnh chính trị đất nước loạn lạc, xô bồ. Một số người bị cho là theo phe cánh tả sẽ phải đi lao động cải tạo. Gia đình Tịnh Thu vì lý lịch chính trị không được tốt nên đã phải hứng chịu sự khinh miệt từ xã hội. Cô bé 16 tuổi luôn ý thức được rằng: Mình là chị cả trong gia đình, chỉ có lựa chọn duy nhất là hoàn thiện bản thân mình thật tốt để được ở lại trường sau khi tốt nghiệp. Ý thức đồng thời cũng là gánh nặng lên đôi vai gầy của cô bé ấy. 

  Mẹ của Tịnh Thu đang là giáo viên cũng bị đẩy đi làm lao công khổ cực, ngoài giờ đóng phong bì thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Hay tin chuyện con có bạn trai,  một người làm mẹ thì không thể ngăn cấm hạnh phúc của con nhưng cũng có chút tủi hổ về hoàn cảnh gia đình mình. Định kiến " Môn đăng hộ đối" của xã hội phong kiến Trung Quốc càng làm bà thêm khó xử. Cậu trai kia là người tốt, yêu thương con gái mình thật lòng nhưng gia đình lại ở tầng lớp quan chức, được người đời kính trọng. Bà không nỡ ngăn cản hạnh phúc của đứa con gái mà bà yêu thương nhất, đành đưa ra lí do" Con gái tôi không được yêu đương trước 25 tuổi". 

  Phân cảnh Kiến Tân băng bó vết thương cho Tịnh Thu, mẹ của Tịnh Thu lại tiếp tục công việc gấp phong bì. Dường như đó không chỉ là công việc thường ngày nữa, nó còn giúp bà che giấu đi ánh mắt bi thương khi chứng kiến tình cảm của đôi trẻ. Tấm lòng bao la của người mẹ dành cho con gái cũng trở nên bất lực, giọt lệ lăn trên khóe mi lưng chừng như muốn cố kìm nén. 

    Tịnh Thu khi yêu có chút giận hờn có phần dễ thương của tuổi mới lớn. Chỉ vì nghe câu chuyện đồn về Kiến Tân, không tìm gặp anh để hỏi chuyện rõ ràng đã vội vàng bỏ về hay cả hành động quét sơn lên chậu hình hoa sơn tra chỉ vì nghi ngờ anh là con người không đứng đắn. Người xem cũng dễ hiểu và không thể trách cô. Khi ấy, Tịnh Thu chỉ là một cô bé, mới biết yêu lần đầu, có chút lúng túng trong cách ứng xử. Đặt vào vị trí của cô, cô có nỗi niềm riêng của bản thân mình. Định kiến" Nam nữ thụ thụ bất thân" làm cô đôi khi không dám bày tỏ trực tiếp với Kiến Tân về những suy nghĩ, cảm xúc thật của chính cô. Xuất phát điểm khiến cô cũng có phần tự ti, không dám sánh vai dạo bước cùng Kiến Tân. 

   Tình yêu đơn thuần, ngọt ngào ấy không thể vượt qua được sự khắc nghiệt của xã hội đương thời. Vì lời hứa với mẹ, gánh nặng về gia đình đã trở thành khoảng cách vô hình giữa Tịnh Thu và Kiến Tân. Cái ôm vô thức của hai người, cảm xúc chỉ được thể hiện bằng những giọt nước mắt. Tất cả đã đọng lại trong lòng người xem sự đau buồn, bi đát.

    Thời gian cứ thế trôi đi, Tịnh Thu đi tìm tin tức của anh mà những gì cô nhận lại được chỉ là những câu chuyện vu vơ, không rõ ràng. Đến khi nhận được tin từ ba của Kiến Tân, cô mới hay biết rằng anh không còn nhiều thời gian nữa. Căn bệnh máu trắng đã làm anh kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần, cả người thoi thóp chỉ còn là những vết bầm tím. Mọi người giục cô gọi tên anh để Kiến Tân được ra đi thanh thản nhưng cô lúng túng không biết gọi như thế nào. Kể từ lúc yêu nhau, cô chỉ biết gọi anh là" Lão Tam". Cô vừa khóc vừa nói:" Em là Tịnh Thu đây. Chẳng phải khi em nói tên thì anh hứa anh sẽ quay về sao? Hôm nay em mặc áo đỏ để đến thăm anh đây". Chiếc áo đỏ màu hoa sơn tra- món quà cuối cùng của Kiến Tân dành cho Tịnh Thu, giờ đây anh không còn cơ hội để chứng kiến cô xinh đẹp như thế nào trong tấm áo này nữa. Tịnh Thu vô thức nhìn lên trần nhà, nơi có bức ảnh chụp chung của cô và Kiến Tân. Thì ra, bao lâu nay anh chịu sự dày vò, đau đớn vì bệnh tật và nỗi nhớ Tịnh Thu." Anh sẽ chờ em cả cuộc đời này"," Nếu em sống thì anh sống,nếu em chết thì anh sẽ chết thật". Kiến Tân không nói xuông, sự thật anh đã mong chờ cô cho đến hơi thở cuối cùng.

    Cây táo gai- hình ảnh chính của phim mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Ở đầu phim, Tịnh Thu đã được chứng kiến sắc màu lạ thường của cây táo gai. Hoa sơn tra không có màu trắng, mà có màu đỏ lạ thường. Vào khoảnh khắc đau thương nhất, cây táo đã đưa tiễn những người lính trong cuộc kháng chiến Trung- Nhật về nơi vĩnh hằng. Máu của những người chiến sĩ quả cảm ấy đã tạo nên sắc màu kì diệu cho cây.  Hoa sơn tra- một linh vật mà Tịnh Thu rất quý trọng tới nỗi không thể giẫm chân lên dù chỉ tượng hình trong chiếc chậu. Cây táo gai, nơi kết tinh tình yêu của Tịnh Thu và Kiến Tân, cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của Kiến Tân. Di nguyện của anh lúc trăn trối  là chôn anh ở gốc hoa sơn tra, để linh hồn của Kiến Tân được gần cô mãi mãi. Mỗi năm, Tịnh Thu đều tới thắp nhang để tưởng nhớ người mà cô yêu thương nhất. Quả thực, người cô yêu năm 16 tuổi là người mà cô thương nhất nhưng không thể cùng cô đi suốt cuộc đời. Thiên tai, bão lũ, những tác động của ngoại cảnh cũng ảnh hưởng lớn tới cây táo gai. Chỉ có sắc đỏ của hoa sơn tra, sắc đỏ của tình yêu là mãi trường tồn theo thời gian.

    Mình xin kết thúc bài review tại đây nha! Các bạn đọc rồi comment cho mình biết nhé! Yêu các bạn nhiều.