Đọc được chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (Hà Nội), em thấy hay và đúng quá nên đưa lên đây để các chị em cùng tag tên chồng mình vào nếu đang cùng suy nghĩ giống em.
Để đến được với nhau, chị Nhung và chồng đã trải qua một hành trình đầy gian nan. Lí do thì nhiều lắm, anh Hùng (chồng chị Nhung) đã từng có một đời vợ và con riêng nên cả 2 bên gia đình đều ngăn cấm. Khi bố mẹ đẻ chị Nhung đã nguôi ngoai và dần chấp nhận thì bố mẹ chồng vẫn không chấp nhận con dâu.
Quá nhiều áp lực nên sau khi sinh con trai, chị đã mắc bệnh trầm cảm. Chị rùng mình kể lại: “Sống trong trầm cảm, đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tự tử, mà kinh khủng hơn là tôi muốn ôm con nhảy từ tầng 4 xuống. Hai con mắt tôi không tài nào mở ra nổi nếu như có ánh sáng mặt trời, đau đớn từ hốc mắt kéo lên toàn bộ nửa đầu trước. Tôi mất ngủ nhưng may là không mất sữa.
Tôi béo, rất béo, lên bàn đẻ 71kg mà xuống khỏi bàn đẻ 68kg, trong khi con chỉ có 3,4kg. Tôi cũng không hiểu nổi vì sao tôi lại cứ 67-68kg mãi không xuống được tí nào. Hễ về quê chồng là bị chê cười: Sao béo thế không biết!
Khi ấy chồng tôi lại thay vợ đáp lời: Không thế thì lấy đâu ra sữa cho con bú, sau này giảm cân sau, không sao hết. Dù chồng cảm thông, nhưng tôi vẫn thấy chạnh lòng và rơi vào trầm cảm từ lúc nào không hay”.
Chị Nhung trước và sau khi giảm cân
Nhìn con bé bỏng, thấy cảnh nhà người ta có ông bà nội quây quần chăm nom, chị Nhung lại tự trách bản thân đã khiến con mới thiệt thòi như vậy: “Tôi muốn giải thoát cho mình và con. Luôn nghĩ đến cảnh ôm con nhảy lầu tự sát. Nhưng may mắn, chồng tôi thấy vợ có biểu hiện khác lạ, anh hỏi han quan tâm và giúp tôi vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất”.
Những ngày vợ ở cữ, anh Hùng trở thành đầu bếp chính trong nhà. Chị Nhung bảo: “Nhiều khi tôi đứng lặng người nhìn anh tất bật làm việc nhà. Tôi đã khóc và kể cho anh nghe mọi cảm xúc tôi giấu kín bấy lâu nay. Anh bảo: Không sao rồi, hãy dựa vào vai anh!”.
Chị Nhung tập yoga cùng con trai
Anh ru con ngủ mỗi đêm mặc dù nhiều khi mệt quá anh còn ngủ thiếp đi trước cả con. Anh chăm sóc cả vết cắt tầng sinh môn cho vợ, tắm cho con, và kiêm luôn cả chuyên gia tâm lý cho vợ.
Anh gợi ý chị đi tập yoga. Anh dắt chị đi khắp các trung tâm ở Hà Nội để xem chị thích tập ở đâu. 2 ngày lang thang mọi trung tâm, phòng tập, chị chọn được một lớp học cho mình.
Suốt 3 năm chị tập yoga, anh luôn đồng hành, giúp vợ trông con, nấu cơm hoặc chờ vợ về nấu hơi muộn một chút cũng không phàn nàn gì. Khi chị hoàn thành khoá học, anh bay vào đón vợ, xin nghỉ phép cả tuần đưa vợ đi chơi ở Đà Lạt.
Anh bảo chị: “Thấy em khoẻ mạnh và bình an trở lại, anh mới thở phào nhẹ nhõm, vì nếu em không hạnh phúc thì chỉ có một lý do, đó là anh chưa đủ tốt”.
Khi tinh thần chị thoải mái, cuộc sống trở nên vui vẻ như trước thì lại không vẹn toàn vì anh đã không còn ở bên chị nữa, anh đã ra đi mãi mãi trong một cơn đột quỵ.
Ảnh chụp màn hình từ Vnexpress
Hiện tại, chị Nhung đã trở thành một huấn luyện viên Yoga và chị coi đó là món quà mà anh đã tặng cho chị cả phần đời còn lại.
Nghĩ về quãng thời gian khó khăn nhất, chị nói muốn chia sẻ câu chuyện của mình đến với những người phụ nữ, những bà mẹ, những người chồng, biết đâu có thể giúp được gì cho ai đó. Chị Nhung nhắn nhủ: “Trầm cảm, nếu chỉ nghe qua tưởng như câu chuyện đùa, nhưng nó có thật và sẽ để lại hậu quả khôn lường nếu như không kịp được người thân thấu hiểu, giúp đỡ. Tôi thật may mắn vì đã từng có một người chồng đủ tử tế. Xin những người chồng, hãy đủ tử tế với vợ của mình, vì có thể nó sẽ giữ được một sinh mạng”.
Để vượt qua căn bệnh trầm cảm bản thân chị Nhung đã rất nỗ lực và phần lớn công lao thuộc về người chồng đã luôn ở bên cạnh động viên, chia sẻ, cảm thông mọi điều với vợ của mình. Thế mới thấy vai trò to lớn của người chồng lại có thể quyết định vợ khỏi bệnh hay bệnh trở nên nặng hơn. Do đó, những người chồng hãy quan tâm tới vợ mình nhiều hơn, đừng vô tâm để cô ấy một mình đối mặt với khó khăn.
Nguồn: Vnexpress