Nhà chồng tôi chỉ có 2 người con. Trên ông xã có bà chị đã lấy chồng xa gần chục năm nay. Vợ chồng bác ấy cũng có điều kiện hơn hẳn nhà tôi. Dù cách nhà 100km nhưng do có sẵn ô tô để đi lại nên một năm 2 bác và các cháu cũng về nhà liên tục.
Còn vợ chồng tôi cưới nhau được 4 năm nay. Khi tôi về làm dâu thì bố chồng đã mất được 3 năm, nhà chỉ còn mình mẹ. Do đó, những năm qua chúng tôi sống chung với bà. Từ ngày có con dâu, bà cũng giao hết cúng giỗ, lễ Tết cho 2 vợ chồng trẻ.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Chồng tôi làm việc tại cơ quan nhà nước, lương tháng của anh rất thấp. Còn tôi làm giáo viên mầm non nên lương lậu cũng chẳng cao gì. Thu nhập 1 tháng của hai đứa chỉ được khoảng 12 triệu.
Biết mẹ chồng già hay ốm đau, một tháng vợ chồng tôi vẫn dành ra 2 triệu biếu bà để bà mua thuốc thang tẩm bổ hay ăn quà vặt. Nói chung bà rất hiền lành, thương con quý cháu nên hàng ngày bà chăm cháu rồi đưa cháu đi lớp. Số tiền còn lại thì vừa đủ cho chúng tôi lo chi tiêu gia đình và con nhỏ.
Nhà có mỗi chị chồng là khiến tôi hay phải nghĩ trước nghĩ sau. Có lẽ do chị ấy có kinh tế khá hơn nên rất thích chỉ đạo mọi việc ở nhà ngoại. Từ chuyện ăn uống, thuốc men của mẹ chồng đến việc lễ tết hay giỗ chạp của bố, của cụ phải àm như nào bác ấy đều can thiệp sâu. Nếu không làm đúng ý là chị nói mát mẻ, giận dỗi. Điều này khiến vợ chồng tôi rất mệt mỏi.
Mọi năm trước, mỗi lần đến ngày giỗ bố chồng là chị chồng chỉ đạo làm rất to. Giỗ mà năm nào cũng phải bày ra cả chục mâm, mời hết bà con họ hàng trong họ tới sum vầy. Tất nhiên tiền giỗ làm hết bao nhiêu thì chia chị ấy một nửa non, vợ chồng tôi một nửa già.
Những năm trước do ngại ý kiến hơn nữa cũng nghĩ cả năm có ngày giỗ bố, vì thế vợ chồng tôi vẫn chiều ý làm giỗ hoành tráng. Nhưng năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên vợ chồng tôi không muốn làm to, chỉ một mâm cơm và mua hoa quả, bánh trái thắp hương cho ông để hạn chế tụ tập lúc mọi nơi đang giãn cách xã hội.
Sát ngày giỗ bố, chị chồng về gửi giỗ nhưng vợ chồng tôi không lấy. Chị hỏi thăm năm nay chúng tôi định làm giỗ ông thế nào. Nghe mẹ và em trai nói chị liền cắt lời chen ngang ngay. Chị bảo cả năm giỗ bố 1 lần, không thể muốn làm là làm, không làm là không làm mà phải làm giỗ. Mà đã làm giỗ bố thì phải làm đàng hoàng. Nhất là khi vợ chồng tôi đang sống trên đất của ông bà để lại.
Rồi cứ thế bác ấy bù lu bù loa lên nói vợ chồng tôi không biết điều. Nếu không lo giỗ cho bố được thì chị ấy sẽ đứng ra chứ con trai duy nhất ở trên đất bố mẹ cho mà không lo thờ cúng chu đáo.
Chị ấy còn kể lể, đằng nhà chồng chị một năm có đến 7 đám giỗ. Nhưng anh chị luôn chu toàn mà chẳng bao giờ kêu khổ cả. Mỗi khi đến giỗ hay nhà có việc, chị và mọi người nhà chồng đều chuẩn bị sẵn từ hôm trước. Vì thế ngày giỗ, cô chú bác và anh chị em họ chỉ phụ lặt vặt như gọt trái cây, cắt bánh thôi. Ngay cả khi ăn xong, chị cũng chỉ để mọi người ngồi chơi chứ không cho phụ rửa chén dọn dẹp gì.
Bác ấy nghĩ rằng, lâu lâu mọi người tụ họp nên trò chuyện vui vẻ chứ ai lại để khách dọn dẹp. Chị còn nói, mình sống trong nhà ông bà để lại thì tự khắc phải nhắc nhau làm cho đàng hoàng. Mọi người đến ai mang gì thì mang, miễn có tấm lòng là được.
Nói chung đám giỗ bày vẽ ra thì mệt thật nhưng dọn dẹp xong chị vẫn thấy vui. Một năm 365 ngày, mình cực có 1 ngày thôi có gì phải ngại đâu mà lại không làm giỗ bố. Cúng 1 mâm cỗ toen hoẻn vậy thì ai ăn ai đừng, đủ biết lòng thành kính với người đã khuất hẹp hỏi như thế nào rồi.
Nói 1 thôi 1 hồi xong, bác ấy bực mình đi về mà vợ chồng tôi cứ nghĩ mãi về những gì chị nói. Có phải ở trên đất của bố mẹ để lại mà làm giỗ sơ sài cho người đã khuất là bất hiếu, ích kỷ và không biết điều như chị nói không?
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết