Những người phụ nữ không kết hôn trước đây thường bị xã hội thương hại, thậm chí là mỉa mai, tuy nhiên số lượng phụ nữ chọn sống độc thân đang ngày càng tăng trong những năm qua...
Có lẽ chưa bao giờ hôn nhân lại là nỗi áp lực to lớn cho những người trẻ trên khắp thế giới như hiện nay. Những bài báo như "Thèm tự do, phụ nữ Nhật Bản từ chối kết hôn" (NY Times), "Gần một nửa người Canada cảm thấy hôn nhân là không cần thiết" (Global News), "Người Chile ngày càng ít kết hôn hơn" (IPS News) xuất hiện ngập tràn trên internet. Những nghiên cứu và con số cụ thể cũng khẳng định điều đó.
Nỗi ám ảnh hôn nhân
Trước đây, những người phụ nữ không lấy chồng thường bị cho là quá khó tính nên mới độc thân. Nhưng xu thế giờ đã thay đổi. Theo The Guardian, phụ nữ chưa từng có cuộc sống như vợ chồng, hoặc chưa bao giờ kết hôn đang gia tăng ở mọi độ tuổi dưới 70. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ghi nhận từ năm 2002 đến 2018, tỉ lệ những người độc thân (chưa từng kết hôn) ở độ tuổi 40 tăng gấp đôi.
Độ tuổi kết hôn trung bình (ở các cặp dị tính) tại Anh cũng chưa bao giờ cao như vậy - 31,5 đối với phụ nữ và 33,4 đối với nam giới.
Và nó không chỉ là một hiện tượng phương Tây. Tại Hàn Quốc, Khoa sơ sinh tại bệnh viện đa khoa ở Seoul ghi nhận tổng tỉ suất sinh đã giảm xuống 0,78 vào năm 2020, con số thấp nhất kể từ khi quốc gia này bắt đầu thu thập dữ liệu vào những năm 1970. Hàn Quốc cũng là quốc gia OECD duy nhất có tỉ suất sinh nhỏ hơn 1.
Theo khảo sát của Giáo sư Park Jeong-min của Đại học Quốc gia Seoul, chỉ 4% phụ nữ Hàn Quốc chưa kết hôn ở độ tuổi 20 và 30 coi hôn nhân và sinh con là điều cần thiết trong cuộc sống của họ.
Ngoài ra, hơn 53% phụ nữ đồng ý rằng, kết hôn và sinh con không quan trọng trong cuộc đời của họ. Chính phủ Hàn Quốc đã làm mọi cách, từ việc khuyến khích việc kết hôn, sinh thêm con, tới chi 280.000 tỉ won (210 USD) trong suốt 16 năm để đối phó với tỉ lệ sinh giảm mạnh. Tuy nhiên, tỉ suất sinh không có dấu hiệu phục hồi dù có nhiều đãi ngộ hấp dẫn.
Còn tại Nhật Bản, một báo cáo về giới tính năm 2022 của Văn phòng Nội các công bố vào tháng 6.2022 cho thấy, 25,4% phụ nữ và 26,5% nam giới ở độ tuổi 30 nói rằng họ không muốn kết hôn. Tương tự, hơn 19% nam giới ở độ tuổi 20 và 14% phụ nữ không có kế hoạch kết hôn.
Báo cáo cũng chỉ ra có 514.000 cặp đôi đã đăng ký kết hôn tại Nhật Bản vào năm 2021, đánh dấu con số thấp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II vào năm 1945 và giảm mạnh so với con số 1,029 triệu vào năm 1970.
Tình hình tương tự tại Trung Quốc, theo Nikkei Asia, chỉ có 7,63 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn vào năm 2021, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 40% so với một thập kỷ trước đó. Và đáng lo hơn là con số đó không có dấu hiệu hồi phục trong năm 2022 (khi dịch COVID-19 đã được điểm soát).
Vì sao phụ nữ ngại kết hôn?
Theo nghiên cứu của Dinah Hannaford, Phó Giáo sư về Nhân chủng học tại Đại học Houston và các đồng nghiệp của bà cho thấy, phụ nữ chọn không kết hôn với các lý do chính bao gồm: Đối phương ngoại tình; tăng cơ hội nghề nghiệp và có cuộc sống độc lập; cảm thấy an toàn hơn khi ở cùng bố mẹ và người thân.
Bà Hannaford cũng khẳng định, khi những cơ hội mới mở ra cho phụ nữ có thể giúp họ trở nên tốt hơn mà không cần hôn nhân, họ sẽ chọn chúng.
Bà và nhóm nghiên cứu của mình cũng tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ của phụ nữ với gia đình ruột thịt của mình. Ở nhiều nhóm xã hội họ nghiên cứu, khi phụ nữ được lựa chọn giữa việc ở lại với gia đình hay là chuyển đến ở với chồng, họ chọn ở lại vì tin tưởng gia đình sẽ không bao giờ bỏ rơi, lừa dối hay phản bội họ.
Đại văn hào Leo Tolstoy từng có một câu nổi tiếng: "Tất cả gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình không hạnh phúc thì khổ sở theo cách riêng của họ".
Phụ nữ bước vào hôn nhân và phải hy sinh quá nhiều thứ. Đổi lại, những gì họ nhận được là không đủ. Phụ nữ trong xã hội ngày nay có được sự nghiệp viên mãn và không muốn chịu gánh nặng của người vợ nội trợ truyền thống, phải làm việc nhà, nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ già. Họ không hài lòng về việc phân bố việc nhà và chăm con.
Phụ nữ từ lâu nay đã ít hài lòng với hôn nhân hơn so với nam giới. Nhìn chung, nam giới ưu tiên công việc, giải trí và hạnh phúc riêng của họ hơn là người bạn đời của mình. Sự bất công và sự mất cân bằng trong việc nuôi dạy con và quản lý gia đình xảy ra ở nhiều cặp vợ chồng. Ngay cả việc sinh nở cũng là một cơn ác mộng của phụ nữ hiện nay, vì họ thiếu sự đồng cảm từ chồng.
Và có một sự thật không thể phủ nhận, đàn ông vẫn được xã hội cho phép đặt nhu cầu của họ lên hàng đầu, ngay cả sau hàng chục năm nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature đã chỉ ra rằng, phụ nữ sẽ nhận được dopamine (hormone hạnh phúc) khi họ tham gia vào các hoạt động vì lợi ích xã hội, trong khi nam giới nhận được cảm giác dễ chịu khi hành động vì lợi ích của chính mình. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng điều này không phải do sự khác biệt về cấu trúc trong bộ não của hai giới mà là do điều kiện môi trường.
Những thay đổi trong xã hội trước tình hình này có thể chưa rõ ràng, nhưng thái độ này của những người trẻ tuổi đối với hôn nhân có thể trở nên nghiêm trọng với vấn đề già hóa dân số nhanh của một quốc gia trong tương lai.