"Đúng là còn bé thì mong thời gian trôi thật nhanh để mình trở thành người lớn, còn khi đã lớn thì chỉ ước thời gian có thể quay trở lại, để mình mãi là một đứa bé con. Và cái gì đã mất, đã qua đi thì ta mới biết yêu quý và trân trọng nó.
Khi còn bé, nhà tôi rất nghèo, nhà đông anh chị em. Bố tôi thì ham chơi, vì là con trai duy nhất, được cưng chiều từ nhỏ. Bố tôi chưa hề biết quan tâm hay lo lắng cho ai. Một mình mẹ tôi cày cuốc nuôi 5 anh chị em tôi ăn học, thêm một ông chồng lười nhác và một mẹ chồng già. Mặc dù nhà nghèo, nhưng mẹ vẫn cố gắng cho anh chị em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ hay nói với tôi: đời mẹ khổ nhiều rồi, mẹ cố gắng nuôi các con ăn học, các con cứ học, cố mà học để khỏi phải khổ như mẹ. Nhìn mẹ tôi lúc nào cũng lam lũ lấm lem, bàn tay mẹ sù sì và đồi mồi vì sương gió.
Người nhà quê tôi thấy nhiều khi họ thật ác miệng, cứ hay lấy khiếm khuyết của người khác ra làm trò cười. Răng mẹ tôi bị hô. Mấy cô chú và bọn trẻ con cùng xóm, hễ thấy chị em tôi là họ lại chọc: Xi cà vâu xi cà vẩu, răng bừa lừa thừa; ăn đu đủ không cần thìa... Đối với người lớn, họ chỉ thấy thế làm vui, còn một đứa trẻ như tôi, tôi chỉ thấy xấu hổ và tủi thân, lại trách móc mẹ sao mà xấu để người ta chê cười. Rồi lại còn chuyện bố tôi thích uống rượu ốc. Bố tôi rất thích ăn ốc. Mỗi lần đi làm đồng là bố lại mang xô đi, tranh thủ mò ốc về luộc cả nhà cùng ăn và bố thì nhâm nhi mấy chén rượu. Ốc bây giờ là đặc sản, nhưng trước kia quê tôi không ai ăn ốc, vì cho đó là con vật sống ở bùn, bẩn thỉu. Họ chê cười việc bố tôi thích uống rượu ốc và gọi ông là Thái ốc. Họ còn nghĩ ra câu chuyện kinh tởm để trêu anh chị em tôi: bố mày đi đồng mò được con ốc, về luộc, lấy sợi chỉ buộc vào. Mỗi lần uống rượu trôi con ốc xuống họng, lại cầm sợi chỉ lôi lên để uống tiếp. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy căm cái kiểu đùa ác của họ.
Dù nhà nghèo nhưng mỗi lần đi chợ, mẹ vẫn mua cho chị em tôi quà, khi thì cái bánh rán, khi thì cái ngô luộc, khi thì ít bỏng ngô...Mỗi lần mẹ đi chợ về, mấy chị em lại nhao ra lục làn xem hôm nay mẹ mua quà gì, rồi phấn khích chia nhau quà mẹ mua cho. Thực sự đó là một ký ức rất đẹp về tuổi thơ tôi. Bây giờ cuộc sống quá no đủ, chẳng đứa trẻ nào còn ao ước được ăn quà mẹ mua nữa. Tâm trạng háo hức mong mẹ về chợ chắc cũng không còn.
Lớn hơn chút nữa, tôi thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Bố tôi không muốn tôi đi học trường chuyên, vì nếu tôi đi, nhà sẽ mất một người làm, mà chi phí hàng tháng sẽ rất tốn kém. Mẹ khóc bảo tôi: con cứ cố gắng tập trung học hành, mẹ sẽ cố gắng cho con được đi học. Tôi lên tỉnh nhập học mà trong lòng nặng trĩu. Gánh nặng trên vai mẹ sẽ càng nặng hơn. Tôi không dám kết thân với đứa nào, không dám đi chơi đâu, sống rất khép kín, ăn uống sinh hoạt vô cùng tiết kiệm. Dù rất nhớ nhà, nhưng tôi cũng không dám về nhiều, mỗi lần về lại mất tiền vé xe. Rồi mỗi khi trời mưa lại khiến tôi càng thêm nhớ nhà, thương mẹ, thương mẹ xót xa cho hoa màu của mẹ...Còn nhớ có lần cuối tuần tôi về quê xin mẹ tiền đóng tiền học. Mẹ nói nhà hết tiền rồi, đợi mẹ bán rau xong thì mẹ cho tiền. Tôi cùng mẹ mang 2 chiếc sọt ra đồng cắt ra xà lách bán. Đầy 2 sọt mẹ bán được 40 nghìn, mẹ đưa cả cho tôi cầm để đóng tiền học. Cầm tiền mà xót xa rớt nước mắt. Trong lòng thương mẹ vô cùng mà tôi chẳng nói được lời nào. Nhiều lúc nhớ nhà, thương mẹ, tôi chỉ biết trùm chăn khóc một mình, không dám chia sẻ cùng ai.
Rồi tôi vào đại học. Mẹ cũng thấy hãnh diện vì tôi đã phần nào không phụ lòng mong mỏi của mẹ. Gánh nặng cuộc sống lúc này của mẹ tôi cũng bớt đi đôi phần, vì anh trai tôi đi xuất khẩu lao động và chị gái cũng đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Nghĩ thương anh chị vì nhà nghèo mà không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng bù lại, nhờ lăn lộn kiếm sống sớm và biết thương bố mẹ, nên anh chị tôi đều sống rất tình cảm và một khía cạnh nào đó đều rất giỏi giang trong việc kiếm sống. Chỉ có điều, xuất phát điểm của anh chị thấp, nên cuộc sống của gia đình riêng của họ hiện tại chỉ gọi là phần nào no đủ. Trở lại cuộc sống sinh viên của tôi, tôi vẫn trung thành với chính sách tiết kiệm, vì biết rằng bố mẹ, anh chị vất vả lắm mới kiếm được đồng tiền cho tôi ăn học. Tôi cũng tranh thủ đi làm gia sư, nhưng cũng không được nhiều. Anh trai tôi bảo: tập trung vào học hành, chuyện tiền nong cứ để anh lo.
Vậy mà sau 4 năm đại học, tôi lại vội vã đi lấy chồng. Ngày cưới tôi, mẹ khóc như tôi đi chết. Mẹ bảo con gái mới lớn, chưa va vấp gì, vừa học xong đã lấy chồng, lại còn lấy chồng xa, mẹ sợ con sẽ khổ. May mắn thay bố mẹ chồng và chồng tôi là người tốt, họ hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Gia đình nhà chồng tôi khá là đầy đủ, nên tiền chồng kiếm được đưa tôi, tôi vẫn thi thoảng gửi về biếu bố mẹ. Anh chị tôi cũng đều có gia đình riêng, cuộc sống của mẹ tôi phần nào bớt khổ. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, mẹ chưa được hưởng 1 ngày sung sướng thì đã nhận được tin sét đánh ngang tai. Bác sĩ bệnh viện 108 gọi riêng chúng tôi ra thông báo: mẹ tôi bị ung thư giai đoạn cuối. Ngay cả anh trai tôi cũng khóc. Chúng tôi khóc thương mẹ vì một đời vất vả lam lũ, mẹ chưa 1 ngày được hưởng cuộc sống sung sướng, đến manh áo mới mẹ còn không dám mua, nay án tử đã treo lơ lửng trên đầu. Trước đó, năm tôi học đại học năm thứ 2, mẹ tôi đã phải cắt đi 1 quả thận vì bị suy nặng, sức khỏe mẹ cũng đã yếu đi rất nhiều từ dạo ấy. Chúng tôi bàn nhau giấu mẹ cho mẹ vui vẻ, nhưng chẳng sự thật nào giấu được mãi. Rồi gia đình chuyển mẹ sang viện K để điều trị. Nhưng sức khỏe mẹ yếu, lại thêm ung thư đường ruột, ăn uống không hấp thụ được nên mẹ không đủ sức khỏe để xạ trị. Mỗi lần vào viện thăm mẹ, nhìn mẹ gầy yếu mà lòng tôi lại thêm đau.
Không thể tiếp tục xạ trị, mọi hi vọng gần như đã hết. Vậy là mẹ về nhà, sống nốt những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời. Anh chị tôi tìm mọi nơi để cắt thuốc nam cho mẹ uống, mong kéo dài cuộc sống của mẹ thêm ngày nào hay ngày ấy. Dù mẹ đau ốm nhưng mọi việc mẹ đều rất tự chủ, mẹ tự ăn uống, vệ sinh. Mẹ bị ung thư trực tràng, nên phải đóng bỉm vì không tự chủ được việc đại tiện. Mỗi lần đóng, mẹ lại rạch đôi chiếc bỉm ra, mẹ nói làm thế để tiết kiệm, đỡ tốn tiền của gia đình. Những đêm mẹ bị cơn đau hành hạ, mẹ chỉ dám rên khe khẽ ở trong buồng, vì mẹ không muốn ảnh hưởng giấc ngủ của người khác. Nằm ôm con bên ngoài nhà, tôi thương mẹ trào nước mắt mà không biết phải làm sao. Tôi không biết cách an ủi mẹ, không biết cách làm cho mẹ bớt đau, và nhất là không thể chia sẻ nỗi đau cùng mẹ. Mẹ vẫn nói, giờ mẹ chết, mẹ chỉ thương em Bảo, vì em còn quá nhỏ, chưa học hết cấp 2, còn các con, các con đã lớn, mẹ cũng phần nào yên tâm rồi.
Mẹ tôi về nhà cũng đã gần được 1 năm, mẹ cũng dần khá lên, còn tự đạp xe đi chợ, tự nấu cơm được. Chúng tôi cũng cảm thấy phấn khởi hơn nhiều...Vậy mà một hôm đang trên đường đi làm về, anh trai tôi gọi điện nói, mẹ mấy hôm nay thấy yếu hơn, các em thu xếp về thăm mẹ sớm đi. Tôi chỉ trả lời rằng còn vài hôm nữa đến ngày 2/9, được nghỉ mấy ngày thì tôi cho con tôi về thăm mẹ 1 thể, anh trai ngập ngừng đồng ý... Ngay hôm sau anh trai lại gọi điện, nói tôi về ngay đi không thì không kịp. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, tôi vội vã gọi chồng rồi 2 vợ chồng tức tốc về quê. Đi chưa được 10', có điện thoại của anh trai, lòng tôi càng như lửa đốt. Nhưng vừa bấm nhận cuộc gọi, tôi đã nghe thấy tiếng người ồn ào, tiếng anh trai tôi nấc nghẹn: không kịp rồi Vân ơi. Mọi thứ sụp đổ ngay trước mắt tôi. Vì tham công tiếc việc, tôi không được nhìn mặt mẹ lần cuối. Tôi không bao giờ tha thứ cho bản thân mình về việc đó. Tôi còn chưa kịp nói "con yêu mẹ", hay thậm chí "con thương mẹ" trong suốt cả cuộc đời...Về nhà tôi lao vào chỗ mẹ, nhưng họ đã phủ khăn trắng lên mặt mẹ, tô vẽ mặt mẹ cho đỡ nhợt nhạt, lại còn buộc chặt chân tay mẹ vào 2 thanh tre nẹp 2 bên...Lòng ngập tràn biết bao nhiêu ân hận, nuối tiếc, nhưng tất cả đã trở nên vô nghĩa. Nói con yêu mẹ, con thương mẹ lúc này, mẹ cũng đâu có nghe thấy. Bao năm tháng sống bên mẹ, tại sao tôi chưa bao giờ nói với mẹ những câu đơn giản ấy...
Một Giáng sinh nữa đang đến gần. Mỗi mùa giáng sinh con lại nhớ đến mẹ, nhớ mỗi đêm trở về nhà sau lễ giáng sinh lạnh giá, lại có nồi xôi gấc ấm nóng của mẹ. Nhà có cây gấc, đêm giáng sinh nào mẹ cũng nấu xôi gấc. Mẹ không bao giờ đi lễ đêm giáng sinh, mà mẹ chỉ ở nhà chuẩn bị ăn khuya cho mọi người. Cuộc đời mẹ tất cả chỉ là hi sinh và hi sinh.
Đôi dòng tri ân viết cho mẹ nhân mùa Giáng Sinh.
Con, Vân"