Tối hôm trước Long đã có cuộc thảo luận với một người em trai mà Long chỉ vừa mới quen cách đấy mấy ngày thôi. Và chủ đề của cuộc thảo luận chính là về "Môi Trường Biển". Mặc dù là người Hà Nội, nhưng em nói những năm trước cứ đến hè là em và một số người bạn đều đi vào Đà Nẵng bằng xe máy. Vừa đi du lịch, vừa để tham gia vào các nhóm cứu hộ động vật biển cũng như bảo vệ môi trường biển.


   Em kể có lần em và các bạn lặn xuống ngắm một bãi san hô rất lớn, và tuyệt đẹp ở vùng biển Đà Nẵng. Vậy mà chỉ sau hai ngày cuối tuần thôi mà cả bãi san hô rộng lớn, tuyệt đẹp ấy đã trở nên tan tác bởi rác, bởi sự dẫm đạp của những "Vị Khách Du Lịch". Họ ra ngắm san hô, họ chụp ảnh tự sướng, livestream khoe lên Facebook, Zalo, Youtube... Và sau khi đã chơi chán chê rồi thì họ lại tàn phá chúng không thương tiếc.


    Em nói "Em ước gì những người khách du lịch sẽ học thêm nhiều kiến thức về biển, để họ biết giữ gìn và bảo vệ biển hơn".


    Nhưng Long nói với em rằng. Dù là những người dân nghèo cả đời chỉ quanh quẩn ở vùng rừng núi cao, xa xôi hẻo lánh. Nhưng chỉ cần họ được tiếp cận với tivi, đài báo thì họ cũng có thể hiểu được tầm quan trọng của môi trường biển rồi.


Còn những người đã có điều kiện để được đi du lịch đây đó thì hầu như họ đều là những người có tri thức, có trình độ cả. Chắc chắn là họ đã ít nhiều từng được nghe, được thấy, được biết, và cũng hiểu được việc bảo vệ môi trường nói chung, và bảo vệ môi trường biển nói riêng, là quan trọng đến mức nào. Thật đáng buồn thay, rất nhiều người "Kiến Thức Thì Có Thừa. Nhưng Ý Thức Lại Thiếu". Thậm chí có thể nói là họ chẳng hề có chút tí ti ý thức gì trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, môi trường biển cả. Họ ăn bánh kẹo, uống rượu bia, nước ngọt ở đâu, nhưng lại đem ra biển vứt… Thử hỏi ý thức của họ để ở đâu?


    Cách đây 4 - 5 năm. Cô em gái kết nghĩa ở Vĩnh Phúc, đang là sinh viên đại học bách khoa Hà Nội. Cùng với một người bạn của em về thăm Long. Và các em ngỏ ý muốn đi ra biển quê Long chơi. Vậy nên Long đã dẫn các em đi.


Các em đã phải vất vả lắm mới đẩy được chiếc xe lăn vượt qua bãi cát để đưa Long ra đến biển. Gọi là bãi cát, nhưng phải gọi là "Bãi Rác" thì đúng hơn, bởi vì khắp bãi cát toàn rác là rác. Mặc dù biển quê Long không phải nổi tiếng để có khách du lịch đến. Nhưng vừa rác từ ngoài biển dạt vào. Vừa rác do người dân gần đó đưa ra vứt...


Từng đùm từng bọc, từng bì rác vứt ngổn ngang từ trên rừng phi lao xuống khắp bãi biển. Thậm chí còn có cả xác của một con chó đã thối rữa mà ai đó đem ra vứt ngay gần với mép nước. Chỉ vài tiếng sau thôi là thủy triều lên sẽ cuốn nó trôi ra biển luôn.


    Nhìn em gái kết nghĩa và cô bạn của em mặt nhăn nhó, khó chịu vì bãi rác và nhất là vì mùi hôi thối từ xác con chó bốc ra. Long thấy rất ngại, rất xấu hổ với các em bởi ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân quê mình.


    Tối hôm đó Long đã có bài viết chia sẻ lên Facebook, Zalo để phản ánh về tình trạng "Ngập Rác" ở bãi biển. Long kêu gọi đoàn viên các xã. Kêu gọi các trường cấp 2, cấp 3 trong huyện nên thường xuyên tổ chức những buổi đi dọn vệ sinh môi trường ở khắp các cồn kỳ, rừng cây và ngoài bãi biển. Đặc biệt là phải tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, môi trường biển. Để cho quê hương mình trở nên Xanh, Sạch, Đẹp hơn. Để không khí được trong lành hơn. Và dù biển quê Long không được nổi tiếng, nhưng mỗi khi có con em đi xa về thăm quê thì sẽ chọn đi ra biển quê mình chứ không đi những nơi khác. Và nếu họ có mời bạn bè, đồng nghiệp về quê chơi thì cũng tự tin dẫn bạn ra biển quê mình, và họ sẽ thấy tự hào, hãnh diện mà nói với bạn bè thập phương rằng "Đây chính là bãi biển quê tôi".


Chứ không nên chỉ tập trung dọn cho sạch rác, tu bổ, sửa sang cho đẹp ở những nơi có nhiều người qua lại như dọc đường cái, như trước những điểm công cộng đông người thôi. Còn những chỗ như cồn kỳ, rừng phi lao, bãi sông, bãi biển thì lại thờ ơ, bỏ mặc.


   Long đã từng nói rằng, chỉ cần có đoàn xã nào đó. Có trường nào đó tổ chức đi dọn vệ sinh ở trên cồn, ngoài bãi biển thì cho dù hôm đó trời có nắng nóng thế nào thì Long cũng xin được tham gia để khích lệ tinh thần của các em, và cũng sẽ có thêm hiệu quả trong việc tuyên truyền ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, môi trường biển cho người dân. Bởi vì ngay đến một người tàn tật nặng, ăn nằm một chỗ như Long mà còn có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường như vậy. Thì những người bình thường, khỏe mạnh như họ không lẽ lại để thua kém Long?


   Thế nhưng "Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng". Huống chi tay của Long chỉ là tay què, tay liệt. Vừa "Thấp cổ bé họng". Lại vừa không có sức ảnh hưởng gì. Vậy nên những phản ánh, những ý kiến của Long cứ thế mà bị lãng quên.


Những năm qua, mỗi năm anh em, cậu cháu Long đều có vài lần đi ra biển, và buồn thay. Lần nào cũng thế, lần nào cũng vậy. Bãi biển quê Long vẫn bị bao phủ đầy các loại rác.


Mặc dù Long không thể thay đổi được ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường của người dân. Nhưng mỗi lần đi ra biển mà có đem theo bánh, kẹo thì Long đều nói các em, các cháu đưa vỏ về để bỏ vào thùng rác. Chứ không được vứt ra biển

    Nhân tiện nói về "Kiến Thức & Ý Thức" thì Long cũng xin chia sẻ thêm về một chủ đề đang rất nóng trên toàn thế giới. Đó chính là dịch Covid.


Hiện nay tình hình dịch ở nước ta đang ngày càng phức tạp. Về "Kiến Thức" thì cho đến giờ dù chỉ là đứa tre 5 tuổi thôi cũng đã biết nó cần phải làm gì để phòng tránh dịch.


Thế nhưng về "Ý Thức" thì có rất rất nhiều người dù đã già đầu lớn tuổi rồi, nhưng lại không hề có ý thức để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình, cũng như những người xung quanh. Họ vẫn chủ quan, vẫn thờ ơ, phớt lờ đi những cảnh báo từ chính quyền, và các phương tiện truyền thông.


Còn đáng buồn, đáng giận hơn là có những người dù đã biết mình có khả năng cao bị nhiễm dịch rồi, nhưng lại im lặng, trốn tránh chứ không chịu đi khai báo. Rồi có những người dù đi khai báo, nhưng lại "Lươn lẹo" không thành thật. Và còn có những kẻ trốn cách ly nữa. Tất cả họ không phải là không có kiến thức đâu. Mà chỉ là vì họ Không Có Ý Thức thôi.

Đôi Lời Tâm Sự: Phạm Sỹ Long

hình ảnh