Mấy hôm nay các trường đại học bất đầu công bố điểm chuẩn và chuyện con nhà ai đỗ đại học nào, ngành gì chắc chắn là chủ đề hot mà khắp nơi đang bàn luận. Tất nhiên, tôi chúc mừng với thành công của các cháu, nhưng tôi nghĩ lại thời của chúng tôi, cánh cửa đại học là một cái gì đó vinh quang lắm, hiếm hoi lắm, chứ không đại trà như bây giờ.

Tôi năm nay 40 tuổi, từng học đầy đủ các cấp, lần lượt từ mầm non, cấp 1, cấp 2, cấp 3 cho đến hết đại học. Ở trường, tôi học cũng thuộc loại khá, nhưng không đều các môn. Loanh quanh suốt từ cấp hai đến cấp ba, cố lắm tôi cũng chỉ được điểm trung bình tổng môn là 6,5 đến 7,0 là hết cỡ.

Thời đó, cả trường tôi học chủ yếu được loại học sinh khá, kiếm được bạn nào đạt loại học sinh giỏi (trung bình 8,0 tổng các môn) đã rất khó rồi. Những bạn đạt suýt soát 9,0 điểm thì phải nói là siêu hiếm. Thậm chí, có khi cả khóa không có ai được mốc đó. Hầu hết đám học sinh chúng tôi đều nhàng nhàng 5,0 đến dưới 6,5 điểm là đa số.

Hồi đó, học sinh xếp loại yếu, kém là rất bình thường, chuyện bị đúp lại lớp cũng chẳng phải là hiếm.

Thế mà, nhìn vào bảng điểm của các học sinh bây giờ, để kiếm được một bạn xếp loại khá còn khó, chứ nói gì tới học sinh trung bình. Đi đâu tôi cũng thấy toàn là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc.

Rồi đến chuyện thi đại học cũng rất khác ngày xưa. Thời của tôi, đại học là một cái gì đó thật sự rất ghê gớm, vì nó đòi hỏi học sinh phải 'cày cuốc' tối ngày, học hành đàng hoàng. Thi tốt nghiệp cấp ba thì học sinh có thể ngồi cùng để hỗ trợ nhau được, chứ thi đại học thì không có thực lực đừng có mơ trúng tuyển.

Các trường đại học top 5 thời bấy giờ là mơ ước của tất cả học sinh. Tôi khi, ấy với sức học của mình cũng chỉ dám đăng ký thi vào trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. May mắn là tôi thi đỗ và tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại Trung bình - Khá.

hình ảnh

Thi đại học từng là cuộc chiến khốc liệt và chúng tôi đã nỗ lực hết mình để giành lất vinh quang cho mình, ảnh minh họa, nguồn: dSD

Còn bây giờ, tôi thấy các bạn học sinh cấp ba ai cũng có học bạ đẹp, toàn điểm 9, 10, thậm chí chưa tốt nghiệp THPT đã biết là đỗ đại học rồi (bằng hình thức xét tuyển học bạ).

Hậu quả là không ít bạn bị ảo tưởng về khả năng của bản thân. Đến lúc đi học đại học, mới trải qua năm đầu, các bạn đó đã thấy quá khắc nghiệt, vượt quá sức học của mình. Lúc đó, nhiều người mới đánh giá đúng được năng lực thực chất của mình không phù hợp với môi trường đại học.

Nói thật, tôi thấy các bạn học sinh bây giờ đi học phổ thông rất nhàn. Một phần cũng chính là vì các bạn không phải lo nghĩ gì nhiều đến việc thi đại học. Khi việc trúng tuyển đại học trở nên quá dễ, chỉ cần học bạ đẹp là đỗ, không đỗ trường này thì đỗ trường khác, thành ra nó tạo tâm lý chủ quan, học hành không chuyên cần cho học sinh. Hậu quả là không ít người bước chân vào giảng đường đại học mới nhận ra mình không theo nổi và lại nghỉ ngang chừng.

Nhớ lại thời  của chúng tôi ngày xưa, dù điểm học toàn 5,6 nhưng chúng tôi dùi mài để thi đại học dữ dội lắm, xác định không vào được đại học thì thi cao đẳng hoặc trung cấp. Điều này chắc bất cứ ai ở thế hệ 8x, 9x đời đầu đều đã trải qua.Trước mỗi kì thi Đại học, chuyện học sinh ngồi ôn luyện tới 2,3 giờ sáng mới ngủ là bình thường. Hôm sau lại dạy sớm để đi  học. Chúng tôi đều tự học, hỏi nhau là chính chứ không có gia sư, lớp học thêm  nhiều như các bạn đâu.

Tôi không biết các bạn bây giờ như thế nào nhưng cảm giác đỗ đại học của chúng tôi trước kia là một khoảnh khắc vinh quang mà cả đời không ai quên được. Chúng tôi tham dự kì thi đại học với tất cả sự nỗ lực và hồi hộp chờ đợi nhà trường thông báo điểm, chứ không có chuyện chưa thi cấp 3 đã đỗ đại học bây giờ đâu.

Vậy nên, thời chúng tôi không thấy mấy ai nghỉ ngang khi học đại học cả, vì hầu hết đều là có thực lực và chúng tôi trân trọng nó lắm'

Trên đây là quan điểm của một người xung quanh thực trạng "Sinh viên năm nhất 'sốc đại học' vì xét tuyển học bạ". Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai phương thức xét tuyển đại học chủ đạo vẫn là điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm gần 50% TS trúng tuyển) và xét học bạ (trên 30% trúng tuyển). Điều này đặt ra dấu hỏi về việc xét tuyển sớm có đạt hiệu quả hay gây lãng phí, mất thời gian của cả thí sinh, phụ huynh, lẫn trường đại học?

Kết quả so sánh điểm thi tốt nghiệp THPT của hai nhóm thí sinh trên cho thấy có 60% thí sinhtrúng tuyển bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp ba môn khoảng 20 điểm. Trong khi đó, 60% thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có điểm thi tốt nghiệp THPT ba môn trên 23 điểm. Như vậy, sự chênh lệch kết quả thi tốt nghiệp THPT của hai nhóm này là trên 3 điểm.