NS Hoài Linh 'ngâm' tiền từ thiện và sự tổn thương của đồng nghiệp, nhà hảo tâm và đồng bảo ở nhiều góc độ khác nhau. Cùng phân tích dưới đây!
Câu chuyện NS Hoài Linh chưa chuyển số tiền 14 tỷ đến đồng bào miền Trung khi quyên góp vào thời điểm cuối năm 2020 khiến nhiều khán giả bức xúc, cùng nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Có nhiều người cho rằng: "Tiền còn đó thì từ từ thực hiện việc từ thiện chứ có sao đâu?". Ý kiến này có vấn đề hay không?
Theo tôi là có! Vì chuyện nghệ sĩ Hoài Linh 'ngâm' tiền từ thiện và im lặng suốt nửa năm qua không nằm ở vấn đề số tiền có còn hay không, hoặc chuyện giải ngân số tiền này gặp khó khăn vì các yếu tố khách quan mà trong khuôn khổ bài viết này tôi xin phép bàn luận câu chuyện dưới góc nhìn về sự tổn thương của các đồng nghiệp đang thực hiện việc thiện nguyện, sự tổn thương của các nhà hảo tâm và nhất là sự tổn thương của đồng bào miền Trung.
NS Hoài Linh 'ngâm' tiền từ thiện và sự tổn thương của đồng nghiệp, nhà hảo tâm, đồng bào
Khi nói về quy trình từ thiện cho người dân vùng thiên tai, bạn nghĩ nó sẽ như thế nào? Dựa trên những bình luận trên mạng xã hội suốt thời gian dài qua, tôi nghĩ nó có thể vận hành theo những bước sau đây:
1/ Tiền từ thiện được người dân gửi đến cho một người (tổ chức) có sức ảnh hưởng mà họ tin tường;
2/ Sau đó, người (tổ chức) được người dân tin tưởng sẽ trực tiếp sử dụng số tiền này để cứu trợ nhanh chóng, cấp thiết cho người dân vùng khó khăn;
3/ Cuối cùng sẽ là công khai quá trình cứu trợ, kê khai số tiền giải ngân là bước để những nhà hảo tâm biết được số tiền của mình đã đi đến đâu và giúp đỡ được ai.
Dòng trạng thái NS Hoài Linh 'chốt sổ' nhận tiền và lên đường về miền Trung vào tháng 11/2020
Quy trình này được nhiều người của công chúng thực hiện trong thời gian qua. Quy trình này cũng phù hợp với những gì mọi người nghĩ về việc ỦNG HỘ CỨU TRỢ cho đồng bào đang gặp thiên tai trên khắp dọc đường dài của đất nước. Từ cứu trợ ở đây được dùng để nâng cao về mức độ cấp thiết của vấn đề, được hiểu với nghĩa là một phần chi phí để CỨU những trường hợp cấp bách và TRỢ lực để họ có thể sống chung với tình huống khó khăn đang diễn ra. Vì vậy khi cầm những số tiền này ít ai có thể ung dung 'ngâm' chúng như ngâm những bình rượu mơ thơm ngon để rồi một ngày nào đó nó sẽ cho ra một thành quả ngọt ngào.
Trên thực tế, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng khi nắm trong tay số tiền lớn, những người có sức ảnh hưởng huy động số tiền này nên nghĩ đến việc khắc phục, thay đổi nhiều thứ để những việc đau buồn như thế này sẽ không xuất hiện trong tương lai. Tuy nhiên, đây là một việc không dễ dàng và mang tính vĩ mô vì thực tế những điều này hoàn toàn quá sức đối với những người có sức ảnh hưởng 'tay không' cứu trợ người dân bằng một tấm lòng thiện và sự ủng hộ của công chúng. Vì vậy, câu chuyện vĩ mô kia xin phép không bàn đến trong bài viết này.
Số tiền cứu trợ được quyên góp từ rất nhiều những tấm lòng và giá trị tiền bạc khác nhau. Điều mà những nhà hảo tâm mong muốn khi họ trao gửi số tiền này đến những người có sức ảnh hưởng có lẽ là: Họ mong những chiếc bụng đói cần được lấp đầy - Họ mong những chiếc cổ khát được tưới mát và những bàn 'tay trắng' vì thiên tai sẽ nắm được một 'chiếc phao' cứu sinh dù to hay nhỏ để báu víu, để có động lực ham sống hơn khi trải qua những giây phút vật lộn với tử thần vì yếu tố khách quan. Phần lớn những nhà hảo tâm chuyển tiền cứu hộ đồng bào mong muốn những điều đó, họ không ngại ngần bày tỏ điều này trên mạng xã hội hay những lời cảm ơn đến những người đã thực hiện thay họ những điều này trong những tình huống thực tế mà ai cũng có thể thấy trong thời gian qua.
Hình ảnh cụ bà bật khóc và người dân vùng lũ nhận được thực phẩm cứu trợ từ nhà hảo tâm
Chắc chắn, các bạn vẫn nhớ những giọt nước mắt hạnh phúc khi họ nhận được những phần thực phẩm sau nhiều ngày cô lập, ánh mắt rực hi vọng có thể sống tiếp khi được cứu đói cứu khát và một chiếc phao 'vài triệu đồng' từ đồng bào của mình để họ có thể gầy dựng một cuộc sống mới sau khi mất trắng trong tích tắc.
Từ những phân tích trên, thử hỏi sao cộng đồng không bức xúc không tức giận khi biết rằng số tiền chục tỷ bị 'ngâm như rượu mơ' mà chẳng có một lời giải thích, một thông điệp cụ thể cho vấn đề này khi nam danh hài không 'lên đường về miền Trung' được như đã thông báo. Chỉ đến khi mọi việc được chất vấn thì mới biết được những lý do chung chung mơ hồ và đánh nhau chan chát với những hoạt động khác ở cùng thời điểm đó.
Rượu mơ ngon, được 'ngâm' lâu vì nó không phải là món ăn xổi, nhưng đừng biến tất cả mọi thứ thành 'rượu mơ' khi ngay từ đầu nó được gầy dựng tạo nên với danh nghĩa là CỨU TRỢ - là CẤP THIẾT - là NHANH CHÓNG... Và người đời vẫn truyền tai nhau câu nói 'một miếng khi đói bằng một gói khi no' là để biểu thị điều này.
Nhận định "Tiền còn đó thì từ từ thực hiện việc từ thiện chứ có sao đâu?" là một sự đánh tráo khái niệm khủng khiếp về cách vận động - sử dụng tiền cứu trợ từ thiện trong trường hợp này. Hãy nhớ rằng, số tiền vị danh hài kia nhận được từ công chúng là số tiền quyên góp để hỗ trợ cho chuyện lũ lụt, cho những đồng bào đang gặp biến cố trong cuộc sống chứ không phải là số tiền quyên góp cho những hạng mục từ thiện hàng năm, hàng tháng như một vài cá nhân, tổ chức vẫn đang làm thường nhật. Phân tách rõ như thế này để chúng ta đừng 'đánh tráo khái niệm' rằng tiền rồi cũng đến tay người dân thôi mà, thời điểm nào cũng như nhau!
Vụ việc này xuất hiện trên mạng xã hội với nhiều lời chỉ trích gay gắt, phía sau những lời chỉ trích gay gắt đến quyết định 'ngâm' tiền cứu trợ đó sẽ là gì?
Phải chăng, đó là sự đổ vỡ niềm tin của các nhà hảo tâm khi đã gửi những đồng tiền quý giá của mình dù mệnh giá là bao nhiêu để quyên góp cho một việc tốt. Nhưng vì một lý do chung chung nó đã bị 'ngâm' một cách bí ẩn. Thật sự, niềm tin là thứ khó để xây dựng và tồn tại lâu bền nhưng là thứ dễ bị mất đi nhất.
Phải chăng, người dân vùng lũ những người gặp khó khăn trong cơn hoạn nạn bị lợi dụng nhất định. Việc này thiên về cảm giác nhưng chắc chắn là một cảm giác rất đau đớn. Bạn thử nghĩ về việc mình bị lợi dụng thì sẽ rất rõ về việc này. Nhất là khi trên mạng xã hội thiếu gì những bình luận sát thương mỗi ngày kiểu: 'Được ủng hộ bao nhiêu tỷ mà than thở". Tin chắc rằng, nếu lựa chọn giữa tiền tỷ cứu trợ và sự yên bình thì chắc tiền chỉ là sự lựa chọn của người 'thiếu cố gắng' trong cuộc sống chứ còn những người cật lực cố gắng ai mà không chọn sự bình yên để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình.
Phải chằng, hành động 'ngâm' tiền này đang khiến cho những đồng nghiệp của nam danh hài này đã lăn lộn kêu gọi, đi ra vùng lũ cũng bị ảnh hưởng và tổn thương nhất định. Khi sẽ xuất hiện những định kiến về những việc họ làm trong quá khư, hiện tại hay tương lai...
Sẽ có nhiều 'phải chăng' nữa nếu chúng ta ngồi chi tiết liệt kê với nhau. Người ta bảo 'đúng người, đúng thời điểm' thì mọi hành động đều có giá trị hơn rất nhiều lần
Việc nghệ sĩ Hoài Linh chưa chuyển tiền từ thiện ủng hộ miền Trung khiến nhiều khán giả bức xúc
Có một điều chắc chắn, hành động 'ngâm' tiền từ thiện của nam danh hài đã gây đến nhiều hậu quả đến rất nhiều người. Đây không phải là những ảnh hưởng đến cá nhân của người quyết định 'ngâm' và không đưa ra những giải pháp xử lý khi nhận được số tiền lớn của nhân dân. Nếu bạn hỏi những hậu quả đó là gì? Tôi nghĩ, khi bạn đã chịu khó đọc một bài viết dài và chuyện về phân tích như thế này thì chắc chắn bạn cũng sẽ có những hạng mục hậu quả cho riêng mình.
Thú thật, khi đọc và thấy thông tin này xuất hiện trên mạng xã hội tôi cảm thấy buồn hơn là những cảm xúc khác. Vì sao là buồn, vì chỉ một hành động nhỏ đã khiến quá nhiều, quá nhiều tập hợp cộng đồng bị tổn thương sâu sắc. Sẽ mất bao lâu để sự tổn thương này lành lặn hay là chẳng bao giờ vì sẽ đến hẹn lại lên câu chuyện tổn thương này lại được chia sẻ, y hệt cơn đau xương khớp vẫn nhức buốt khi trời đổi gió, giông bão.
* Bài viết thể hiện văn phòng và góc nhìn của tác giả dựa trên những sự việc, thông tin được chia sẻ trên truyền thông.