Theo chia sẻ của luật sư Phạm Thanh Hữu, Thủy Tiên làm từ thiện đúng đắn. Những ý kiến cho rằng ca sĩ Thủy Tiên vi phạm pháp luật chỉ là sự hiểu sai quy định pháp luật.
Giữa lúc bão lũ vẫn còn đang hoành hành tại các tỉnh miền Trung, những chuyến hàng cứu trợ, vận động bà con quyên góp hỗ trợ cho đồng bào đang được các đơn vị, cá nhân cấp bách thực hiện. Tuy nhiên, khi mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ, một nỗi lo bất ngờ xuất hiện: Liệu các cá nhân đang đứng ra vận động quyên góp có bị coi là phạm pháp?
Thực tế, Thủy Tiên là cái tên khiến nhiều khán giả quan ngại. Bởi có ý kiến cho rằng việc nữ ca sĩ nhận hơn 100 tỷ ủng hộ đồng bào miền Trung là vi phạm pháp luật. Trước vấn đề này, trang Tổ quốc đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh để có lời giải đáp minh bạch cho cư dân mạng.
Hình ảnh ca sĩ Thuỷ Tiên đến miền Trung trợ giúp cho bà con chịu ảnh hưởng của mưa lũ.
Theo đó, luật sư Phạm Thanh Hữu cho rằng Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước, khắc phục hậu quả do hỏa hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện… đứng ra tổ chức.
Luật sư khẳng định Thủy Tiên làm từ thiện đúng đắn bởi việc này không thể sử dụng Nghị định 64/2008/NĐ-CP để điều chỉnh. Do đó, việc căn cứ vào Nghị định 64/2008/NĐ-CP để cho rằng ca sĩ Thủy Tiên vi phạm pháp luật là không đúng, thể hiện sự hiểu sai quy định pháp luật.
Câu hỏi đặt ra: Thủy Tiên làm từ thiện đúng đắn hay phạm pháp?
Theo ông Phạm Thanh Hữu, trường hợp Thủy Tiên nhận tiền đóng góp của người dân để cho đồng bào miền Trung trong thời gian qua sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Người dân tự nguyện gửi tiền cho ca sĩ Thủy Tiên với mong muốn nhờ ca sĩ Thủy Tiên chuyển số tiền này cho đồng bào miền Trung đang gặp hoàn cảnh khó khăn do bão lũ gây ra và ca sĩ Thủy Tiên đã nhận tiền và thực hiện đúng.
Như vậy, có thể thấy người dân tự nguyện gửi tiền cho ca sĩ Thủy Tiên là bên tặng cho tài sản, đồng bào miền Trung đang gặp hoàn cảnh khó khăn được nhận tiền từ ca sĩ Thủy Tiên là bên được cho tài sản, còn ca sĩ Thủy Tiên chỉ là người giữ vai trò trung gian (có thể gọi là người được bên tặng cho tài sản "ủy quyền" làm thay).
Luật sư khẳng định Thủy Tiên làm từ thiện đúng đắn, vì cô chỉ là người trung gian.
Rõ ràng, trong các bước nêu trên, từ việc người dân gửi tiền cho ca sĩ Thủy Tiên đến việc Thủy Tiên giao tiền từ thiện tới tay đồng bào miền Trung đang gặp hoàn cảnh khó khăn đều là tự nguyện, không có sự lừa dối mà đó là nghĩa cử cao đẹp và hoàn toàn có lợi cho xã hội nên không thể nói ca sĩ Thủy Tiên vi phạm pháp luật.
Có thể thấy, việc xử lý Thủy Tiên làm từ thiện trái luật sẽ khó thuyết phục được người dân trước những điều tốt đẹp cô đang làm. Bởi nếu căn cứ theo Nghị định 64, rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đều đang vi phạm pháp luật khi tự thân vận động quyên góp, tự tổ chức các chuyến hàng cứu trợ đến với đồng bào. Song, nếu xử lý câu chuyện này rồi, sẽ còn mấy ai tin vào những cuộc vận đồng, quyên góp sau này?
Thủy Tiên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tiền từ thiện.
Chủ đề gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Nguồn tin & ảnh: Tổng hợp.