Các bà mẹ rất thích gối đầu tay cho bé đi ngủ, kể cả với bé sơ sinh. Tuy nhiên, thói quen này mặc dù giúp bé ngủ ngon nhưng lại không hề tốt cho sức khỏe của bé!
Mình có một người bạn vẫn thường gối đầu tay cho con ngủ, một tay làm gối đầu, tay kia ôm mông cu cậu, cứ như thế bé ngủ rất ngon và nếu bé giật mình hoặc xoay người thì lại xoa đầu hoặc xoa lưng nên một lúc bé lại ngủ say tít. Cách này làm bé ít bị giật mình, và nếu có tè dầm thì có thể xử lý được luôn. Dần dần trở thành thói quen, lúc nào cũng muốn gối tay mẹ để ngủ.
Mọi chuyện cũng chẳng vấn đề gì, nhưng sau khoảng 1 năm thì bạn mình phát hiện ra rằng đầu con không còn tròn trịa như các bé cùng tuổi. Sau gáy của con hơi bẹp xuống, đến khi đó lên mạng tìm hiểu mới phát hiện cách cho con ngủ như vậy là không khoa học. Vì vậy mình tổng hợp được bài này để giúp các mẹ không bị mắc sai lầm khi cho con ngủ nữa!
Theo các bác sỹ Nhi khoa, trẻ sơ sinh không nhất thiết nằm gối bởi lúc này kích thước đầu bé tương đương với chiều rộng của ngực. Tuy nhiên, nếu đệm nằm quá mềm mà bé lại mặc nhiều quần áo vì trời lạnh hoặc lo sợ sữa bị trào ra đệm khi bé nằm bú thì bạn có thể gấp đôi chiếc khăn mặt (làm bằng chất liệu sợi tự nhiên) để kê đầu cho bé.
Vậy lúc nào bé có thể sử dụng gối? Các bác sỹ cho rằng đợi đến khi bé được khoảng 3 tháng tuổi, lúc đó xương cổ của bé cũng khá cứng cáp và bé cũng “học” được cách điều khiển các đốt sống cổ của mình thuần thục hơn. Đó chính là lúc có thể cho bé nằm gối.
Với một số em bé không thích nằm gối cho đến tận khi 1 tuổi, chuyện này cũng là bình thường. Tuy vậy, sau 1 tuổi, vai bé dần dần mở rộng hơn nên để hỗ trợ cột sống và đảm bảo một giấc ngủ ngon cho bé, bạn vẫn nên kê thêm một chiếc gối dưới cổ khi bé đi ngủ.
Nhiều bà mẹ băn khoăn không biết nên chọn gối mềm hay cứng một chút thì tốt cho con. Thông thường, bạn rất muốn khuôn hình đầu của con được tròn để đảm bảo yếu tố thẩm mĩ nên hay chọn các loại gối có phần lõm ở giữa khá rõ và được làm bằng bằng chất liệu thô, cứng một chút để đảm bảo gối không bị xẹp và thay đổi hình dạng khi dùng lâu ngày.
Suy nghĩ này không hợp lý lắm, đặc biệt là với bé sơ sinh bởi nằm ngủ với chiếc gối như thế này, bé sẽ rất dễ bị mỏi cổ, lâu ngày sẽ thầy đau cổ, nhức vai…
Ngược lại, những chiếc gối mềm quá sẽ không có tác dụng hỗ trợ cột sống cho bé, đồng thời không có lợi cho tuần hoàn máu, thậm chí cản trở hô hấp do diện tích đầu, mặt tiếp xúc với gối lớn khi bé nằm thẳng hay nằm nghiêng.
Vậy một chiếc gối như thế nào mới tốt cho sức khỏe của bé?
Khi đi mua tại các cửa hàng, bạn hãy gạt sang một bên yếu tố “dễ thương” của chiếc gối mà chú trọng đến chiều rộng, chiều dài, độ dày cũng như chất liệu gối, vỏ gối.
Với chiều rộng, chỉ cần bằng hoặc lớn hơn một chút so với độ dài vai bé là thích hợp nhất. Với độ dày là 1 – 2 cm cho bé dưới 4 tháng tuổi, 3 – 4 cm cho bé 6 tháng tuổi và 3 – 9 cm cho bé từ 3 tuổi trở lên.
Về ruột và vỏ gối, như đã nói ở trên, cần chú ý đến độ mềm phù hợp. Bạn nên chọn vỏ gối làm bằng chất liệu thoáng khí, mặt vải tương đối mềm mại, lì chất, không bị xổ lông; ruột gối nên dùng bông tự nhiên hoặc tốt nhất là vỏ trấu để có thể thay đổi độ cao phù hợp với tư thế nằm của bé, đồng thời cũng tạo sự thông thoáng khí cho bé.
Một điều cần chú ý là vì bé hay bị trớ hoặc chảy dãi nên gối hay bị ẩm, bạn nên dự trữ sẵn vài chiếc vỏ gối để thay khi cần và thường xuyên phơi hoặc làm khô ruột gối dưới ánh nắng mặt trời mỗi tuần. Bên cạnh đó chiếc gối cho trẻ nhỏ dù bền và tốt đến mấy thì một năm cũng nên thay mới một lần.