Ngày 1/1/2025, báo Thanhnienonline đã đăng tải thông tin này. Bài viết có tiêu đề "Những thực phẩm giàu sắt hơn thịt bò giúp tăng cường sức khỏe". Nội dung cụ thể mình chia sẻ lại bên dưới như sau:

Bác sĩ dinh dưỡng Lê Thảo Nguyên (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, việc bổ sung sắt đúng cách giúp giảm tình trạng mệt mỏi, suy nhược, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, chán ăn, tê tay, chân, cải thiện khả năng tập trung… Đây là những triệu chứng phổ biến khi cơ thể thiếu hụt khoáng chất quan trọng này.

Bên cạnh việc lựa chọn thịt bò để cung cấp sắt thì chúng ta có nhiều nguồn thực phẩm khác cũng chứa hàm lượng sắt rất dồi dào.

1. Hải sản

hình ảnh

Trai, sò và hàu là các loại hải sản đứng đầu bảng xếp hạng về hàm lượng sắt. Riêng sò có thể cung cấp tới 28 mg sắt/100 g, cao gấp 10 lần so với thịt bò (khoảng 2,7-3.1 mg sắt/100 g). Đây là nguồn sắt từ động vật, cơ thể dễ hấp thụ nhiều hơn so với sắt từ thực vật. Ngoài ra, các loại cá như cá ngừ hay cá thu cũng bổ sung từ 1-2 mg sắt/100 g, đồng thời giàu omega-3, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và não bộ.

2. Các loại rau lá xanh đậm

hình ảnh

Không chỉ là nguồn cung cấp vitamin, rau cũng có hàm lượng sắt đáng kể. Rau bina (rau chân vịt) chứa khoảng 3,6 mg sắt/100 g, vượt trội hơn thịt bò. Các loại rau khác như cải xoăn, bông cải xanh không chỉ bổ sung 1 mg sắt/100 g mà còn chứa vitamin C, hỗ trợ hấp thụ sắt hiệu quả hơn.

3. Thịt đỏ

hình ảnh

Bên cạnh thịt bò, các loại thịt đỏ khác như thịt cừu, bồ câu và gan động vật (như gan gà, gan heo) cũng có hàm lượng sắt rất ấn tượng. Gan động vật cung cấp từ 6-12 mg sắt/100 g, vượt xa thịt bò và là lựa chọn lý tưởng cho những người cần bổ sung sắt nhanh chóng.

4. Trứng

Trứng gà chứa 2,7 mg sắt/100 g trứng, trứng vịt chứa 3,2 mg sắt/100 g trứng, trứng cút chứa 3,65 mg/100 g trứng.

Trong 100 g trứng gà chứa 2,7 mg sắt

5. Các loại hạt

hình ảnh

Hạt bí, hạt chia và hạt hướng dương không chỉ là các món ăn vặt lành mạnh, mà còn giàu sắt, cung cấp chất béo tốt và các khoáng chất quan trọng. Trong đó, hạt bí chứa hàm lượng sắt cao nhất với 9 mg sắt/100 g, cao gấp ba lần thịt bò; mè/vừng 14,55 mg/100 g.

6. Các loại đậu

Đậu đen, đậu nành, đậu xanh, đậu hà lan, đậu trắng… đại diện tiêu biểu trong nhóm các loại đậu. Đặc biệt, đậu nành cung cấp 5 mg sắt/100 g, cùng lượng protein thực vật chất lượng cao, phù hợp với chế độ ăn chay giúp bổ sung sắt cho người ăn chay.

7. Các loại trái cây giàu sắt

hình ảnh

Dù không quá nổi bật về hàm lượng sắt, nhưng một số loại trái cây như nho khô, mận khô, vải khô (chứa khoảng 1,9 mg sắt/100 g) vẫn là lựa chọn tốt để bổ sung khoáng chất. Cam, quýt tuy chứa ít sắt nhưng lại giàu vitamin C, giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả hơn từ các nguồn thực phẩm khác.

Bác sĩ Lê Thảo Nguyên cho biết, để tối ưu hóa việc bổ sung sắt, bạn nên kết hợp cả nguồn sắt từ động vật và thực vật, đồng thời bổ sung thêm vitamin C trong bữa ăn để cải thiện khả năng hấp thụ cho cơ thể.

Có rất nhiều loại thực phẩm từ nguồn thực vật và hải sản có thể cung cấp lượng sắt vượt trội, do đó chúng ta nên đa dạng khẩu phần ăn, không nên lạm dụng thịt bò. Hãy xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể một cách toàn diện.

hình ảnh

Mời bà con đọc thêm thông tin: Những dấu hiệu cơ thể một người đang bị thiếu sắt

Sắt là một khoáng chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hemoglobin - thành phần chính của hồng cầu, giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi cơ thể thiếu sắt, các chức năng này bị ảnh hưởng, dẫn đến nhiều triệu chứng và vấn đề sức khỏe. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến cho thấy cơ thể đang thiếu sắt.

1. Mệt mỏi và thiếu năng lượng


Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất khi thiếu sắt. Khi lượng hemoglobin giảm, cơ thể không nhận đủ oxy, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, và khó tập trung ngay cả khi nghỉ ngơi đầy đủ.

2. Da nhợt nhạt và móng tay giòn


Thiếu sắt làm giảm sản xuất hồng cầu, dẫn đến hiện tượng da nhợt nhạt hoặc thiếu sức sống. Ngoài ra, móng tay cũng có thể trở nên giòn, dễ gãy hoặc xuất hiện hiện tượng lõm hình thìa, đặc trưng của thiếu máu do thiếu sắt.

3. Thường xuyên cảm thấy khó thở


Thiếu oxy trong máu do thiếu sắt khiến cơ thể phải nỗ lực hơn để đáp ứng nhu cầu oxy, dẫn đến tình trạng khó thở, đặc biệt khi vận động nhẹ như leo cầu thang hoặc đi bộ nhanh.

4. Tim đập nhanh hoặc không đều


Thiếu sắt buộc tim phải hoạt động mạnh hơn để bơm máu và cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Điều này có thể gây ra cảm giác tim đập nhanh, hồi hộp, hoặc trong trường hợp nặng hơn, có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch.

5. Rụng tóc


Thiếu sắt có thể làm giảm lượng máu cung cấp cho các nang tóc, khiến tóc dễ rụng hơn bình thường. Đây là dấu hiệu thường thấy khi tình trạng thiếu sắt kéo dài.

6. Lưỡi sưng, đau và nhức


Một dấu hiệu ít được biết đến của thiếu sắt là lưỡi bị sưng, đau, hoặc xuất hiện các vết nứt ở khóe miệng. Điều này là do thiếu oxy cung cấp cho các mô trong cơ thể.

7. Thèm ăn bất thường


Một số người thiếu sắt có thể cảm thấy thèm ăn những thứ không phải thực phẩm như đất, giấy, hoặc đá. Đây là hội chứng "pica," liên quan trực tiếp đến tình trạng thiếu sắt nghiêm trọng.