Học y tế công cộng nhưng tôi chưa bao giờ có cái nhìn thực sự sâu sắc về nhân viên y tế lâm sàng. Những gì tôi biết chỉ là quá trình học tập vất vả đổi lấy đồng lương còm cõi và bạo hành. Vài năm trở lại đây, tôi có cơ hội được làm việc trong một bệnh viện chuyên khoa, và tôi thán phục trước sự tài giỏi của những bác sĩ ở đây. Để trở thành một bác sĩ, họ phải nằm trong top những thí sinh giỏi nhất nước, dành ít nhất 6 năm để học và thực tập, thêm 2 năm thực hành lâm sàng để được cấp chứng chỉ hành nghề, dành tối thiểu 10 tiếng ở nơi làm việc, dành thêm thời gian để liên tục cập nhật từ các hội thảo chuyên ngành và các nghiên cứu lâm sàng, và luôn đối mặt với những ngày trực 40 tiếng không ngủ. Họ kiêm nhiệm thêm các công việc quản lý, hành chính, nghiên cứu khoa học,… và phải nhấc mọi cuộc điện thoại bất kể giờ giấc, phải nhớ thông tin của tất cả các bệnh nhân để đưa ra các lời khuyên phù hợp. Họ phải là những con người ưu tú nhất của thế hệ mình để có thể chịu nổi thứ áp lực đó.

Nhưng những con người ưu tú đó, vẫn thiếu gì đó. Họ thiếu giao tiếp và kết nối với bệnh nhân. Hệ thống y tế quá tải không cho phép họ làm điều đó. Quan điểm lấy bệnh nhân làm trung tâm đã được truyền đạt và giảng dạy nhiều năm, nhưng khó có thể đánh giá việc áp dụng nó trên thực tế. Tôi đã từng nghĩ mình nhạy cảm về vấn đề này, khi tôi có thể nhận ra những sự thiếu giao tiếp đó nhanh hơn những người khác, những người còn đang mải mê với kết quả xét nghiệm, hội chẩn, chẩn đoán và phác đồ để xử lý căn bệnh. Nhưng Rana Awdish đã khai sáng cho tôi. Cô đã ở tâm của vòng tròn – bệnh nhân – và chỉ ra những lỗi hệ thống không thể tránh khỏi.

Bạn cần phải đọc cả quyển sách này để hiểu được thông điệp mà Rana gửi gắm. Nếu bạn chỉ đọc phần đầu, bạn sẽ thấy hệ thống y tế chứa đầy những nhân viên vô cảm và vô trách nhiệm. Nếu bạn chỉ đọc phần sau, bạn không hiểu tại sao việc tạo không gian chia sẻ cảm xúc an toàn lại quan trọng, và ý nghĩa thực sự của việc lấy bệnh nhân làm trung tâm trong chăm sóc y tế. Bạn cần cả hai, để hoàn thiện những trải nghiệm của mình.

hình ảnh
Rana là một bác sĩ làm việc ở khoa hồi sức tích cực, cô đã quen dần với việc đối mặt với bệnh nhân ở tình trạng hiểm nghèo, khi mà mọi quyết định của cô đều là quyết định sống còn. Cô và các đồng nghiệp của mình đã hết lòng với hệ thống đó, cô tin tưởng vào sự tuyệt vời và tốt nhất của nó, vì cô tin tưởng chính mình. Nhưng khi trở thành bệnh nhân ở chính nơi mình đã làm việc nhiều năm, Rana đã có một cái nhìn khác. Hoàn toàn khác. Cô đã được khai sáng theo cách đau đớn nhất. 

Trong những giây phút đầu tiên, Rana đối mặt với sự bất lực khi cô không thể kiểm soát cuộc đời mình. Là một bác sĩ, cô đã tách mình ra khỏi đau đớn về thể xác và tinh thần, không ngừng tìm kiếm để tự đưa ra chẩn đoán và cứu sống bản thân. Nhưng là một bệnh nhân, Rana đã nhận ra những đồng nghiệp của mình, và chính mình, luôn độc lập, đứng ngoài, thiếu sự lắng nghe và đồng cảm. Rana đã tự mình trải nghiệm những điều, mà nếu là trước kia cô sẽ coi nó là một sai sót không quan trọng, thậm chí còn chẳng nhận ra, nhưng ngay trong khoảnh khắc ấy, với tình trạng ngàn cân treo sợi tóc của mình, chúng đã khiến tinh thần cô sụp đổ. Ví dụ như khi những bác sĩ đang cố gắng cứu cô trong cơn nguy kịch nói rằng “cô ấy đang cố chết trên tay chúng ta” vì họ nghĩ cô không nghe thấy. Nhưng cô nghe thấy tất cả, và không bao giờ quên được.

Rana đã dành nhiều thời gian để đặt câu hỏi. Cô băn khoăn về việc tại sao những sai sót đó lại xảy ra: những sai sót không thể chấp nhận được về quy trình và cả những sai sót đến từ sự thiếu quan tâm của nhân viên y tế. Rana tự hỏi tại sao cô – bệnh nhân – lại có khoảng cách với bác sĩ của mình như vậy. Và cô nhận ra đó là hệ quả của một chuỗi sai lầm từ giảng dạy, nơi cô được dạy về bệnh chứ không phải bệnh nhân, nơi cô tôi luyện việc gạt bỏ cảm xúc của mình để đảm bảo sự khách quan khi ra quyết định. Cô nhìn lại mình và đồng nghiệp với góc nhìn thiện cảm hơn, họ vốn đã ở trong sự bế tắc này quá lâu, rằng họ cần có không gian an toàn để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực họ đối mặt hàng ngày, thay vì cố gắng chôn vùi nó. Có thể khi Rana nằm viện, nhiều người vẫn coi cô là đồng nghiệp, và buồng bệnh của cô là nơi an toàn cho họ. Họ chỉ mong có người lắng nghe mà thôi.

Sự bế tắc này cân phải kết thúc. Rana và đồng nghiệp đã tạo một nhóm hỗ trợ là chính các nhân viên y tế. Khi tầm quan trọng của việc cảm thông và lắng nghe đã được xác nhận, họ cùng nhau biến nó thành các chương trình hỗ trợ có ích hơn trong cơ sở y tế. Rana chia sẻ về chính trường hợp của mình, để mọi người có thể nhận ra ngay cả khi chiến thắng bệnh tật, thực ra họ đã thất bại như thế nào trong việc chữa lành bệnh nhân. Rana chính là nhân chứng sống, vì ngay cả khi đã khỏi bệnh, cô vẫn chưa được chữa lành.

Tôi đã tìm đọc nhiều quyển sách văn học và hồi ký về những người theo ngành y, nhưng chưa tác phẩm nào có thể gợi được sự đồng cảm từ tôi. Có thể vì thời gian xuất bản quá xa, có thể vì góc nhìn của tác giả không phải điều tôi tìm kiếm, cũng có thể vì văn học đã thi vị hóa quá nhiều cảm xúc. Nhưng Cú sốc thì khác. Tôi có thể mở bất kỳ chương nào của quyển sách, tiếp tục lắng nghe Rana, tiếp nhận cảm xúc của cô, và nhìn vào những đồng nghiệp của cô để tìm kiếm cách cải thiện những mối quan hệ này. Rana là một “case study” về tâm lý, về sự giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ. Nhưng đương nhiên, Rana đã dạy tôi một bài học mà tôi luôn luôn ghi nhớ: Rana là bệnh nhân, Rana là con người.

Tôi phải cảm ơn người đã mang quyển sách này về Việt Nam, cảm ơn người đã dành thời gian dịch và biên tập quyển sách này, và cảm ơn cả người đã giới thiệu quyển sách này cho tôi nữa. Tôi nghĩ rằng tất cả đều mong muốn có nhiều nhân viên y tế đọc quyển sách này hơn, đồng cảm với Rana, từ đó đồng cảm với bệnh nhân của mình để thực sự “chữa lành những tổn thương”, để có thể cùng bệnh nhân đạt được mục tiêu về sức khỏe của họ

Bệnh nhân cần được tôn trọng, ở bất kỳ lúc nào, và bất kỳ nơi nào, trong bất kỳ quyết định nào.