Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sau hơn 30 năm ẩn đật ở vùng rừng núi Hương Sơn, xứ Nghệ, được triệu ra Kinh sư chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và Chúa Trịnh Sâm bất ngờ khi nhận thấy các thày thuốc, cả bậc danh y trị bệnh ở kinh sư chỉ lấy phép công làm trọng (mong xử lý sớm cải thiện nhanh bệnh cho bề trên để dễ được ban thưởng, tâng công, nâng cao uy tín của mình trước lãnh đạo). Bệnh không nói là "phong hỏa" thì cũng là "thấp đàm" để nặng dùng thuốc công phạt đến khô kiệt tinh huyết, đẩy người bệnh vào tình thế bị thuốc làm hãm hại. Chân thủy, chân hỏa là cái cốt yếu để giữ mệnh, để cầu sống thì tuyệt nhiên không một chút nào coi làm trọng.
Sao cái Nghề Thuốc lại khó đến vậy. "Người nước ta học tập Nghề Y mà không tinh là vì mắc 2 cái bệnh: một là người trong đám Nho học đọc sách thuốc từ đầu đến cuối, một lượt là xong, tuyệt nhiên không nghi ngờ nghĩa sách, tự cho là không có gì khó, đến khi dùng thuốc lại hấp tấp bất cẩn, hai là văn lý tự hoạch (ý nghĩa câu văn, hàm ý sâu xa của sách) chỉ mới được nửa thôi, nếu có tập nghề thuốc thì cũng không khỏi tưởng tượng mơ hồ, nghi hoặc, như thể kẻ kéo dây cung, sức chẳng đủ thì cho là cung cứng".
"Từ xưa dùng thuốc tựa dùng binh
Sinh sát ai người dám rẻ khinh
Đầu sỏ nghề Y còn yếu kém
Quê mùa Ta thẹn lý chưa minh"
(Nguyên văn:
"Cổ vân dụng dược tựa dụng binh
Sinh sát quan đầu hệ mị khinh
Quốc thủ do đa khuy phạp xứ
Tàm dư cô lậu lý nan khinh").
Hiểu được chân bệnh mới dám kê "quế phụ" cho Nhà Chúa khi mạch nhanh nổi mà không sợ "đổ thêm dầu vào lửa" vì mạch là vô thần, vô lực, nhiệt nhiều là nhiệt giả "thượng thực hạ hư" nên ngoài nóng mà trong lạnh. Hiểu được thực bệnh mới dám kê "bạch truật", "thục địa", "càn khương", "ngũ vị" để bổ tỳ thổ, xử lý tỳ âm hư, vị hỏa quá nhiều, không tàng giữ được dương, âm hỏa võng hành (chuyển động không trật tự) cho Thế tử khi mà tất cả các thày thuốc khác đều đã "thanh nhiệt tả hỏa", công phạt sắc bén đến nỗi hư lại thêm hư, hao kiệt nguyên khí cho cậu bé.
Ngẫm lại thấy chuyện xưa không khác chuyện ngày nay là mấy, khi không hiếm trường hợp chỉ tập trung điều trị triệu chứng, bề nổi, không chịu khó mất công tìm nguyên nhân sâu xa gây bệnh để xử lý tận gốc và toàn diện vấn đề cho người bệnh.
Tham khảo bản dịch "Thượng Kinh ký sự", chương cuối trong bộ sách "Hải Thượng Y Tông tâm lĩnh" của Lãn Ông, bản dịch của Ứng Nhạc Vũ Văn Dĩnh từ bản khắc in của nhà sư Thanh Cao chùa Đồng Nhân (Võ Giàng, Bắc Ninh) năm đầu Hàm Nghi (1885), đăng trên tạp chí Sử - Địa, in lại trên "Những vấn đề lịch sử thời Trịnh - Nguyễn" của Nhà xuất Bản Hồng Đức - tạp chí Xưa & Nay năm 2021.
Nguồn: PGS.TS.Nguyễn Hoàng Anh