Những người vĩnh viễn nằm xuống thường được an ủi bằng câu nói hết sức nhẹ nhàng: Thế là khỏe, anh ta giũ sổ được món nợ trần gian. Món nợ trần gian - dành riêng từng số phận, tính ra kỹ càng thì đến biết bao nhiêu loại nợ? Nhưng nếu chỉ các loại nợ ở hàng xôi, hàng bún, hàng cà phê, rượu bia, thuốc lá lẻ... kể cũng chưa đáng để giũ sổ mà nhắm mắt, xuôi tay. Đằng này, oái oăm cho gã, cái anh chàng thủ kho nhút nhát, hiền lành, lương mỗi tháng chưa đủ để đãi bạn bè một bữa nhậu hạng trung lại nợ Nhà nước đến hàng trăm triệu đồng thì biết lấy gì mà trả?
Minh họa: VĂN TIN
Nhiều tháng nay, đôi lúc, gã tự hỏi trong cái công trình xây dựng dở dang này, những con số vật tư đang chui xuống đất hay chắp cánh bay lên trời mà gã không hề hay biết. Gã cộng, trừ, nhân, chia (kể cả trên đủ các loại máy tính… đi mượn), nhưng vẫn không sao tính toán ra. Rốt cuộc, gã phải chấp nhận ký vào một văn bản chịu bồi thường, chịu trách nhiệm mang món nợ. Vì vậy, gã tuyệt vọng vô cùng! Gã chỉ muốn quẳng đi món nợ, muốn giũ sổ, muốn trái tim ngừng đập, để không còn hay biết gì những việc trần gian.
Nghĩ đến đó, bỗng dưng tai gã ù lên. Tay chân gã lạnh ngắt. Tim gã đập thình thịch liên hồi, rồi trở nên đứt quãng, thoi thóp... Eo ơi, cái chết đến đơn giản vậy sao? Gã muốn gào lên xin đổi ý kiến, đề nghị cái chết dừng lại cho gã suy nghĩ kỹ hơn chút nữa. Dầu sao, gã vẫn còn ít điều mơ ước dở dang. Nhưng muộn rồi!... Thần chết đang đưa bàn tay rùng rợn vuốt vào sống lưng của gã. Thôi vĩnh biệt trần gian, vĩnh biệt những ngã tư đèn xanh đèn đỏ, vĩnh biệt những hoa hậu, á hậu, những cô người mẫu thời trang gã vẫn hằng thầm lặng khát khao qua màn ảnh nhỏ...
Chân gã còn đang dò dẫm tìm lối bước lên thiên đường, bỗng có tiếng chuông reng, reng... từng hồi khẩn cấp. Gã giật mình, hốt hoảng tưởng rơi tõm xuống địa ngục, không dè hai chân gã chạm phải nền gạch hoa của phòng trực cơ quan. Gã bần thần dụi mắt nhìn quanh... Thường khi, những ngày này, trong thời điểm bàn giao giữa hai ban lãnh đạo cũ và mới của công trường vốn vắng vẻ. Đội xây dựng giải tán đi tìm việc làm mới. Nhân viên hành chính chỉ vào ra đánh cờ tướng và bàn chuyện nhảm. Giờ đây lại là đêm Giáng sinh, công trường càng thêm quạnh tẻ. Tổ bảo vệ phần lớn là nhân viên hợp đồng, hoặc lo là sẽ bị đuổi việc bất cứ lúc nào nên phó mặc cho gã với ca trực tăng cường.
Gã đứng dậy, lạnh lẽo đến nhấc ống nghe điện thoại.
- A lô, tôi nghe đây, ai gọi ở đầu dây?
- Xin lỗi, có phải cơ quan X đó không?
Tiếng một cô gái vọng lại.
- Vâng, cơ quan X đây, địa chỉ đang được báo chí quan tâm rất nổi tiếng trong thời gian gần đây đấy! Mà cô là nhà báo định điều tra chứ gì?
- Không, tôi muốn gặp anh Quang, nhân viên bảo vệ.
Gã định trả lời không có, song cái giọng nói ngọt ngào trong trẻo của cô gái làm gã tiếc nuối, chần chừ.
Gã trả lời bừa:
- Tôi là Quang đây. Cô là ai? Từ đâu gọi đến?
Có tiếng cười khúc khích, dường như là đến hai ba cô gái đang tụm lại bên kia đầu dây:
- Thôi đừng đùa, anh không phải là Quang. Nếu anh Quang về nhờ anh nhắc giùm có Lan, Oanh, Yến ở trường THYT gọi đến hỏi thăm.
- À, tôi vẫn nghe Quang nhắc về các cô hoài!
- Xạo, nhắc như thế nào?
- Thì nhắc là... các cô rất vui tính! Nhưng mà này, đêm Giáng sinh sao các cô không đi chơi?
- Tụi tôi ở xa đến học nội trú, đâu có quen ai. Hơn nữa đang ca trực!
- ......
Bên kia đầu dây hai ba giọng nói thì thầm. Họ có vẻ định cúp máy. Cái cảm giác chết chóc nặng nề còn rờn rợn trong gã, khiến gã vội vã trì hoãn:
- Các cô vui lòng nói chuyện thêm một tí nữa đi. Chẳng giấu gì, tôi cũng đang trực. Công trường giờ này chỉ có mình tôi, buồn kinh khiếp! Các cô mà bỏ máy, tôi sẽ nằm lăn quay ra chết liền!
- Nói chuyện hở? Chuyện gì bây giờ? Anh nói thử đi!
Nhanh như một cái máy, gã lập tức nhập đề hư cấu một câu chuyện vớ vẩn, lòng thòng. Mỗi lần đoán chừng các cô gái ra chiều uể oải, gã lại thay đổi thể loại. Từ chuyện xi nê, đến chuyện tiểu thuyết, chuyện như đùa, đến chuyện ma... huyên thuyên một hồi gã cũng hết chuyện. Gã vẫn còn đủ tỉnh táo để biết rằng, mỗi lúc gã đang trở nên vô duyên. Gã đành trả các nữ sinh nội trú về với cái đêm Giáng sinh xa nhà của họ. Gã cũng quay về lại thực trạng của các công trường vắng tanh, lạnh ngắt, nặng trĩu nợ nần, và những con số xoay vòng mà xưa nay gã vốn rất lạ lẫm.
Đêm dần về khuya. Ngoài khoảng sân rộng, những bóng cây lắt lay như những bóng ma gầy yếu đùa giỡn trên đống gạch, sắt ngổn ngang. Cái cảnh tượng hoang vu làm gã bùi ngùi nhớ đến những đêm đốt lửa giữa công trường của anh chị em công nhân thực hiện kế hoạch thi đua. Kể cũng lạ, cùng một công việc khi nhìn bằng con mắt này, thì những biện pháp khẩn trương nhanh chóng được gọi là linh động, sáng tạo; khi nhìn bằng con mắt kia, người ta cho điều đó là tranh thủ, có ý đồ, cần dừng lại để kiểm tra, xem xét… Và như thế, công trường xây dựng dở dang đã khép cổng giải quyết theo cách nhìn của “con mắt” không vui vẻ, chia đều cho những người có trách nhiệm một ít tội, một ít nợ trong đó có gã...
Xa xa, chốc chốc từng hồi chuông nhà thờ vang lên ngân nga, giục giã. Giờ này ông già Noel đang đi khắp thế gian, trèo vào những ống khói tặng quà cho trẻ em. Đã mấy nghìn năm rồi, không biết ông già Noel lấy đâu ra quà để tặng mãi cho trẻ em thế nhỉ? Liệu ông có biết rằng nơi cõi trần này vẫn còn vô số kho tàng quà tặng đang bỏ không đó chăng? Tự dưng, gã bỗng muốn trở thành ông già Noel. Khi làm ông già Noel, điều trước tiên, gã sẽ đem phân phối cái công trường đang trì trệ, dở dang của gã cho mọi người. Gã vui sướng trở lại máy điện thoại bảo cho các cô nữ sinh nội trú biết ý định của gã:
- A lô, phải trường THYT đó không?
- Vâng trường THYT đây. Ông muốn gặp ai?
- Cho tôi gặp ngay các cô Lan, Oanh, Yến. Tôi là ông già Noel đây!
Bên kia đầu dây có tiếng gọi nhau ơi ới. Tiếng chân chạy lịch bịch. Tiếng thì thầm. Ông già Noel, một ông già Noel vừa xuất hiện… Một giọng sôi nổi hỏi lại:
- Ông già Noel đó ư? Ông đang ở đâu đấy?
- Tất nhiên không phải ở trên thiên đường. Cũng không phải ở trên ống khói, bởi vì trường nội trú của các cô không có ống khói.
- Thế ông già Noel đang ở công trường X phải không?
Cả ba cô gái cùng cười vang, vì lập tức họ đã phát hiện ra cái gã vớ vẩn ban nãy.
- Đúng thế. Vậy các cô cần đến đây gấp để nhận quà.
- Quà? Ông già Noel có quà thật à? Nhưng quà của ông là những gì?
- Tôi có sắt, thép, xi măng, gạch, cát sạn...
- Sao lại kỳ cục vậy? Quà của ông già Noel phải là đồ chơi, bánh kẹo mới đúng chứ!
- Cái đó để dành cho trẻ nhỏ. Nhưng nếu cần thiết, các cô cứ đến đây tôi sẽ biến thành ra tất cả thứ gì các cô thích. Ví dụ quần jean, áo pull chẳng hạn...
- Thôi đừng có liều. Ông già Noel biến hóa tài sản công trường thành quà tặng thì lấy gì người ta xây dựng?
- Các cô khỏi lo. Công trường này người ta bận kiện cáo, đấu đá, tranh chấp hơn thua. Hàng trăm tấn xi măng trong kho sẽ bị chết, sắt thép giữa sân sẽ bị hoen gỉ vất bỏ ngổn ngang, gỗ ván, cột kèo đang làm mồi cho mọt đục khoét...
Ông già Noel càng lúc càng thao thao bất tuyệt:
- Các cô đến ngay bây giờ đi. Tặng xong công trường này, tôi lại phải tiếp tục đến những công trình đang bỏ bê dở dang vô trách nhiệm khắp nơi để biến nó thành bánh kẹo, đồ chơi cho trẻ em. Đừng chần chờ nữa.
- Chà gay quá, chưa đổi ca trực. Ông già Noel chờ một tí được không?
- Một tí cũng không sao. Miễn là trong đêm nay, và đến ngày mai tôi về lại thiên đường rồi.
- Nhưng liệu khi chúng tôi đến nơi ông có dám tặng quà như ông vừa nói hay không?
- Có thể ông già Noel trong truyền thuyết thì không dám. Còn tôi là ông già Noel của thời đại công nghệ thông tin, thời đại @…
- Vậy ông gắng chờ cho nhé!
Cúp máy điện thoại, ông già Noel cảm thấy vui vui với mẩu chuyện vừa nghĩ ra. Ông đi đi lại lại quanh công trường như ông già Noel trong truyền thuyết đang băng qua những cánh đồng tuyết mang quà tặng trẻ con. Ông không còn mang nỗi âu lo nợ nần oan ức của gã thủ kho lúc ban đầu. Ông yên tâm hồn nhiên chờ đợi để làm theo lời hứa với các cô gái, cho đến khi mê thiếp…
Đêm hôm ấy, lần đầu tiên trong cuộc đời làm ông già Noel, ông nằm mơ thấy mình quyết định từ chối thiên đường, vĩnh viễn ở lại trần gian, sau khi biến hóa những kho tàng đang bị bỏ quên đến mục rã khắp mọi nơi thành đồ chơi, bánh kẹo, quần jean, áo pull... Vì lẽ dễ hiểu, ông cảm thấy có trách nhiệm ở lại với gã thủ kho tội nghiệp, để mai đây cùng gã làm rõ cho kỳ cùng cái ranh giới phân biệt giữa thiện - ác, đúng - sai.
^^^^^^^^^^^^^^^^^^^
Tác giả: Trần Trung Sáng
Nguồn: Internet