Được rồi, nếu phải đánh giá bộ truyện này bằng một câu ngắn gọn, thì Hoa Ban sẽ nói: Chuyện tình sử kinh điển của nhà đế vương, thấm đẫm máu, nước mắt, hạnh phúc lẫn bi thương!
Đây là một bộ tiểu thuyết rất thơ, rất nhạc, với một dàn nam chính-phụ rất đỉnh và một nữ chính khiến người ta yêu. Câu chuyện xây dựng nên một bố cục quyền lực của triều đình Đại Chu, những âm mưu quỷ kế chốn cung đình nhưng không phải giữa những người phụ nữ mà là giữa những người đàn ông.
Bích tiêu cửu trùng là hoàng quyền chí thượng.
Xuân ý vũ là dung nhan tuyệt sắc
Bích tiêu cửu trùng xuân ý vũ – chín tầng trời xanh sắc xuân sáng ngời, nó là câu chuyện về một hồng nhan bị cuốn vào cuộc chiến quyền lực tàn khốc và không tình người. Tựa đề đã nói lên tất cả, nó cũng là cụm từ ghép nên từ hình tượng 5 nhân vật chính.
Bích trong Trang Bích Lam, con người cũng như cái tên, thanh đạm, nho nhã, người đàn ông gắn liền với mối tình đầu bất diệt, tinh khiết và chân thành.
Tiêu trong Đường Thiên Tiêu, con người của quyền lực và sự đánh đổi, người đàn ông đứng trên đỉnh cao thiên hạ, ẩn nấp 10 năm trong cái kén nhẫn nhục, rồi đúng thời cơ mà đoạt lại giang sơn. Ngài là người có tất cả và cũng mất tất cả, bởi vì ngài có thể phủi bỏ tư tình, có thế hy sinh tình thâm, có thể dẫm lên mọi thứ nên ngài xứng đáng với ngôi vua, chỉ có Thiên Tiêu mới làm được như vậy.
Trùng trong Đường Thiên Trọng (trùng âm với Trùng), tâm nuôi chí lớn, lòng nuôi hận thù, ngài chưa bao giờ là người tốt. Thủ đoạn, xảo trá, âm mưu, thứ gì Thiên Trọng cũng làm được. Chỉ khi tiểu nhân thiên hạ chết hết thì ngài mới trở thành quân tử. Thiên Trọng thừa tài năng, dư chí khí nhưng chỉ thiếu sự nhẫn tâm. Không thể dẫm lên mọi thứ, không thể buông tha chữ Tình, vì thế mà ngài thua dưới tay Thiên Tiêu. Kẻ làm vua, kẻ làm giặc, thật ra hoàng đế chưa hẳn là người hạnh phúc hơn.
Ý trong Nam Nhã Ý, đóa hoa xinh đẹp và trung trinh, người con gái sống vì tình yêu, chờ đợi rồi tuyệt vọng trong tình yêu. Một nửa thanh xuân của nàng đã dâng cho người nhưng chưa bao giờ được đáp lại tương xứng. Bởi vì trong mắt người, hoàng quyền luôn nặng hơn tư tình. Nhã Ý là cô gái tốt, một thứ báu vật sáng giá mà kẻ sở hữu đã nhẫn tâm vứt đi. Nàng là vật hy sinh và cũng dần liệm tắt tình yêu cho người ấy. Năm dài tháng rộng… sẽ có một ngày người hiểu ra mình đã có những gì và mất những gì. Thứ có được là cô độc hay thứ mất đi là hạnh phúc cả đời?
Vũ trong Ninh Thanh Vũ, đóa sen mọc từ bùn, mang kiếp “hồng nhan họa thủy”. Tranh chấp, giành giật, cướp đoạt rồi vướt bỏ. Nàng đã trải hết cái khổ đau trên đời, từ tay người này đến tay người kia, kẻ nhẫn tâm chà đạp, kẻ nhắm mắt buông tay… để rồi chỉ còn lại một người. Người vì nàng không cần ngôi báu, người vì nàng vứt bỏ giang sơn, người vì nàng xem thường mạng sống. Thanh Vũ là hồng nhan họa thủy, triều đại sụp đỗ vì nàng, Trang gia chu di cửu tộc vì nàng, Thiên Trọng buông đao chịu trói vì nàng, hàng vạn quân binh bại trận vì nàng… Một cô gái nhỏ bé làm khuynh đảo thiên hạ, đây là vinh hạnh hay là oan trái? Dẫu sao, hồng nhan thì cứ họa thủy, họa thủy nhưng có người chấp nhận, họa thủy nhưng có người cam nguyện hy sinh. Có lẽ trên khắp thế gian, Thanh Vũ là hồng nhan họa hủy may mắn nhất, cũng mãn nguyện nhất…
Bích tiêu cửu trùng xuân ý vũ – tầng mây xanh như ngọc bích, mệnh đời trắc trở lao đao.
Chuyện kể rằng Nam Sở mang danh bại quốc, quy phục dưới hoàng triều Đại Chu. Nước mất nhà tan, Thụy Đô đổi chủ. Người ta nói vì vua Nam Sở yếu hèn, vì Đại Chu cường thịnh trường an. Nhưng có ai biết phía sau cái hoang tàn đỗ vỡ là mối duyên oan nghiệt gắn liền với người con gái tên Ninh Thanh Vũ. Nàng tươi đẹp như hoa sen, tinh khiết như bầu trời, hồng nhan khiến hoàng đế Lý Minh Xương điên đảo, bằng mọi cách muốn chiếm đoạt vào tay. Sở đế ép hôn, tình lang chống trả. Trang Bích Lam bất chấp hoàng quyền, bất chấp phận tôi thần, quyết đấu tranh cho tình yêu thanh mai trúc mã. Để rồi thứ còn lại là tan gia bại tộc, một nữ nhân liên lụy mấy trăm sinh mệnh của Trang gia. Nam Sở gãy một đại cột, họ Trang tan tát trốn về Giao Châu, Đại Chu thừa cơ hất chân Lý đế. Sóng to gió lớn cứ vậy dồn dập. Nước Sở biến mất như mây khói, chiến tranh cướp đoạt bao mệnh người… chung quy cũng vì một cái hồng nhan.
Một triều đại khép lại, một trang mới lại mở ra. Thụy Đô nay là của Đường Thiên Tiêu trên danh nghĩa và của Đường Thiên Trọng trên thực tế. Còn nàng Ninh Vũ là cái bóng mờ, ẩn nhẫn suốt ba năm.
Nàng ở Thụy Đô. Một ngày là trông. Một đêm là ngóng. Một khắc là hy vọng. Một phút là tương tư.
Bích Lam chàng ở đâu? Mối tình của cả đời thiếp ở đâu? Người phương xa có oán hận, có nhung nhớ hay là buông xuôi? Hồng nhan họa thủy, hại cả đại gia tộc, hại cả một quốc gia, liệu ai còn muốn vướng vào?
Thanh Vũ trong những tháng dằng dẳng đã chôn thanh xuân cùng đế đô, nhất kiến chung tình chờ một người có thể không bao giờ xuất hiện. Nàng khiến chính mình mang dung mạo tầm thường, tìm chỗ nương tựa ở người chị kết nghĩa Nam Nhã Ý.
Sự chờ đợi của Thanh Vũ là Trang Bích Lam.
Sự chờ đợi của Nhã Ý là Đường Thiên Tiêu.
Ai cũng có một đức lang quân trong lòng.
Chỉ tiếc thay không mối duyên nào có kết cục tốt đẹp. Kẻ thứ 5 trong câu chuyện – cũng là người làm hai đôi tình nhân lạc lối – Đường Thiên Trọng.
Nếu cái tên này không xuất hiện, có lẽ Thanh Vũ đã mãi mãi hạnh phúc bên Bích Lam. Có thể Nhã Ý sẽ là một phi tần được cưng yêu nhất. Có lẽ chim yến đã về tổ cũ và con thuyền tìm lại bến neo.
Người đàn ông đó không có vẻ nho nhã, thanh đạm như Bích Lam, không có vẻ tuấn tú, sáng ngời như Thiên Tiêu, không có sự dịu dàng, không có nét mê hoặc. Anh chỉ là con người của chiến trường tàn khốc, của chém giết đánh đập, của nợ máu và nợ tình.
Khi Đường Thiên Tiêu đang chơi chọi dế, đùa giỡn với cô bạn thanh mai trúc mã Nhã Ý thì Thiên Trọng đang lay lất nơi sa trường tử vong. Từng mảnh đất của Đại Chu là do anh và phụ thân – Nhiếp chính vương Đường Thừa Sóc lấy sinh mệnh, mồ hôi và giọt máu để tìm về. Qúa nửa giang sơn nằm trong tay Thiên Trọng. Và ngôi vị chí tôn là của Thiên Tiêu.
Nếu hỏi ai xứng đáng hơn thì thật khó trả lời.
Thiên Trọng lớn lên trong chém giết, trưởng thành bằng kí ức tuổi thơ đau đớn và thù hận. Trả thù là động lực sống, tranh ngôi đoạt vị là niềm vui. Con người đó không có ánh sáng, chỉ có bóng đêm
Thiên Tiêu là con đại bàn thu vuốt, khép cánh. Mười năm tại vị là 10 năm ẩn nhẫn, cam chịu. Khuất phục trước Đường Thừa Sóc, cúi đầu trước người anh họ từng rất quý mến, yêu thương. Thiên Tiêu nhắm mắt làm con rối hoàng đế chỉ chờ một ngày hạ gục Hầu gia. Anh đã nhìn thấy người mẹ vì tương lai của con mà chịu sự đánh đập của Nhiếp chính vương phi, vì ngai vàng cho con mà nằm dưới gối Đường Thừa Sóc. Giữa họ là lưu luyến hay yêu đương thì người Thái hậu cũng đã hy sinh đức hạnh, chịu sự chèn ép mà che chở Thiên Tiêu. Phía sau vách tường cung điện cao chót vót là trăm vạn bí mật đáng sợ, là sự nhẫn tâm và tuyệt tình của nhà đế vương. Thiên Tiêu đã học được điều đó…
Có thể là vì cái quay đầu của Thiên Trọng khi bàn tay bé nhỏ đưa ra cầu cứu. Có thể là sự bất lực khi đứng nhìn gia đình Nam Nhã Y bị sát hại. Có thể vì hình ảnh người mẹ treo mình trên dãi lụa trắng… Có rất nhiều nguyên nhân khiến Thiên Tiêu đủ nhẫn tâm để hy sinh mọi thứ, đủ vứt bỏ để có được vương quyền. Mọi thứ đều là sự lựa chọn. Ngài chọn quyền thế nên phải mất tình thâm. Ngài chọn ngai vị nên phải bầu bạn cùng cô độc. Đừng oán trách, cũng đừng quay đầu nhìn lại vì trên đời không có Nếu như…
Giang sơn này là của ngài, bờ cõi này chỉ thuộc về ngài, vì lẽ đó mà Nam Nhã Ý lẫn Ninh Thanh Vũ mãi mãi là bóng hình xa vời mà Thiên Tiêu không có quyền mơ ước.
Đó là sự lựa chọn, không phải định mệnh, không do ai sắp đặt, chỉ là sự LỰA CHỌN.
Trái ngược hoàn toàn với Thiên Tiêu chính là Đường Thiên Trọng. Anh cũng có sự lựa chọn và đó là mái nhà có cuộc sống bình an, tháng năm nồng nàn và say đắm… Tình yêu đủ khiến trái tim sắt buông quá khứ bi thương, buông lòng tham vọng và hận thù. Tình yêu đủ khiến một con rồng thu mình vào chiếc giỏ tre, sống cuộc đời hiền lành của loài rắn nhỏ – quấn lấy thứ mình yêu thích, lăn lộn hết đời với mê say…
Nếu không có Ninh Thanh Vũ – cô nàng hồng họa thủy thì có lẽ chủ nhân Đại Chu chưa hẳn là Thiên Tiêu. Nếu không có Thanh Vũ, có lẽ không có rào cản nào khiến con hổ dữ lùi bước. Nếu không có Thanh Vũ có lẽ ngài sẽ có nhiều thứ khác – ngôi báu, quyền lực, giang sơn.
Thế nhưng dù thời gian có quay lại thì Thiên Trọng vẫn muốn gặp gỡ và yêu nàng, bởi vì ngài biết không có gì sánh bằng đóa hoa sen này, không có gì lưu luyến hơn, thèm khát hơn và đẹp đẽ hơn. Thiên Trọng bại trước Thiên Tiêu, không phải kém tài, kém trí, kém lực mà là kém sự nhẫn tâm. Ngài không có cách nào buông tay với tình yêu, cam nguyện để nó thành điểm yếu chí mạng. Ngài từng nghĩ phải có tất cả, giai nhân lẫn hoàng quyền. Nhưng sự đời không dễ cho ai toại nguyện.
Giữa hai thứ, chỉ được chọn một.
Thiên Tiêu thắng vì anh chọn quyền.
Thiên Trọng thua vì anh chọn tình.
Nói trắng ra không có thắng với thua, chỉ có sự lựa chọn.
Bích tiêu cửu trùng xuân ý vũ – câu chuyện hồng nhan và vương quyền, có nước mắt, có nụ cười, có đắng cay… Là hạnh phúc, là bi thương, là tuyệt vọng, là hối hận, là mãn nguyện hay là cam lòng… đó là do chính ta lựa chọn, không được trách ông trời, không được oán duyên mệnh bởi vì phải cho đi một thứ thì mới nhận lại một thứ. Cuối cùng cái nắm trong tay có khiến ta hạnh phúc, đó mới là kết cục.
Bích tiêu cửu trùng xuân ý vũ – Hai mỹ nhân tuyệt sắc và ba anh tài thiên hạ
Bích tiêu cửu trùng xuân ý vũ – Năm số mệnh với năm sợi tơ duyên nhưng chỉ lưu lại hai sợi xem như viên mãn.
Đó là sợi tơ hồng của Thanh Vũ cùng Bích Lam. Yêu từ thuở còn thơ, lớn lên với giấc mộng hoa sen tịnh đế. Chàng trai nho nhã thư sinh nhưng có thể vì tình yêu xông vào biển lửa. Hết lần này đến lần khác, Bích Lam vẫn luôn yêu, luôn chờ đợi nhưng tiếc là anh không thể uống tình yêu để sống. Không như Đường Thiên Trọng chỉ có mỗi Thanh Vũ trong mắt, Trang Bích Lam còn có gia tộc và quân đội ở Giao Châu, còn có Nam Nhã Ý hai lần cứu anh, ân nghĩa nặng tựa thái sơn. Đến cuối cùng, chỉ có thể oán trách tơ duyên èo uột, khi tách trà ấm nóng chàng chọn buông tay, khi tách trà lạnh chàng về thì đã muộn. Tình đầu là tình đẹp nhất và đáng nhớ nhất nhưng tình sau mới đi theo ta đến hết cuộc đời. Nếu phải đúc kết cho mối nhân duyên này thì đó là nguyên lý về một tách trà thơm. Trà đã nguội dù có thượng hạn cũng không bằng một tách trà nóng dù đắng cay… Mọi thứ gói gọn trong hai từ “Phải chi…”. Nhân duyên không hợp thời thế, không đủ dứt khoát, không đủ hy sinh. Thôi thì cứ để nó chết trong tâm hồn, biến thành tàn tro kỉ niệm. Cuộc đời phía trước còn rất dài, bóng hình xưa nay xa nhưng bóng hình nay rất gần, hãy cứ trân trọng những gì đang có.
Sợi tơ duyên của Đường Tiên Tiêu và Nam Nhã Ý càng mong manh và dễ đứt hơn. Đầu tiên là anh hy sinh cô đem cống đến Nam Sở. Ở đất khách quê người chờ đợi bao năm rồi lại lần nữa Nhã Ý bị hy sinh để trả thù Thiên Trọng. Một đám cưới nhầm tân nương đẩy Nhã Ý vào thế giới cô đơn trống vắng, giống như năm tháng thầm lặng yêu người. Nếu hỏi Thiên Tiêu có tình hay không, chắc chắn là có. Thế nhưng cái tình ấy không đủ lớn để được đánh đổi, không đủ mạnh để buông xuống uy quyền. Nhã Ý đã hiểu ra cái đắng cay của tình quân vương, chỉ ngắn như thế, chỉ được tới đó và chỉ để làm vật hy sinh. Một lần cuối cùng quyết chí buông tay, Nhã Ý đi tìm một duyên phận vững bền, đáng tin cậy và đáng gửi gắm hơn. Đó là Bích Lam. Tuy chàng chưa yêu, tuy chàng chỉ một lòng với người cũ nhưng Nhã Ý tình nguyện gắn bó bởi cô đã tìm thấy một người đàn ông có thể yêu hết mình, chân thành và kiên định. Bích Lam đã khiến cô tin trên đời vẫn còn một tình yêu cao đẹp như thế. Cô hy sinh bao nhiêu, chịu thiệt bao nhiêu cũng rất vui lòng. Tháng ngày phía trước vẫn còn dài lắm… ai cũng có thể tin rằng Trang Bích Lam và Nam Nhã Ý rồi sẽ mỉm cười nắm tay nhau đi hết cuộc đời…
Sợi tơ duyên của Đường Thiên Trọng và Ninh Thanh Vũ có lẽ là cái bền bỉ nhất, gan lì nhất và cứng rắn nhất. Nói cho cùng thì đây là nghiệt duyên. Thiên Trọng mất 1 giây để yêu nàng không cần lý lẽ. Thanh Vũ mất 2 năm để vùng vẫy khỏi nanh vuốt của con thú dữ, dằn co, trốn chạy, tuyệt vọng rồi tự vẫn. Biết bao phen quyết tuyệt không theo nhưng đến cùng vẫn là nàng đầu hàng trước số phận. Bởi vì biết thỏa hiệp, biết lùi bước nên nàng nhận ra tù giam lộng lẫy này không hề lạnh lẽo. Nó vẫn mang thứ hơi ấm đơn thuần, trân trọng và chở che. Chỉ vì trong tim đã có Trang Bích Lam nên Thanh Vũ không cách nào tiếp nhận, nàng có thể dùng cái chết để chống đối nhưng bao lần Diêm Vương vẫn bại trận trước một Thiên Trọng không biết buông tha. Anh dùng vũ lực để chia cắt hai người, dù uy hiếp để bắt nàng quy phục, từ tiểu nhân đến quân tử cách gì cũng dám làm. Đường Thiên Trọng khi đã muốn thì nàng đừng hòng thoát. May là Thanh Vũ biết cứng biết mềm, biết chấp nhận và thỏa hiệp với nghịch cảnh. Tình yêu của nàng mãnh liệt đến đâu thì cũng không dào dạt bằng Thiên Trọng.
Yêu, biết tự khi nào?
Hai mươi mấy năm cuộc đời là ta giết người và người giết ta, Thiên Trọng đã trưởng thành dưới lớp vỏ kẻ sát nhân, kẻ mưu mô tàn độc, kẻ tham vọng và hận thù.
Nhưng mà đêm hôm ấy đã thay đổi tất cả. Ngài nhìn thấy một bóng hằng nga lẻ loi bên hồ sen, tiếng sáo thê lương khắc khoải và gương mặt thấm đẫm nước mắt. Thật là trớ trêu làm sao! Thiên Trọng trúng sét ái tình vì người con gái đang tương tư kẻ khác. Nước mắt nàng rơi cho ly biệt, rơi vì Bích Lam nhưng cũng vô tình rơi thẳng vào lòng Hầu vương Đại Chu. Đêm đó, cô công chúa nước Sở cứu ngài một mạng và ngài dành cho nàng tình yêu cả đời. Hai năm chinh chiến, xâm chiếm rồi thâu tóm Nam Sở, Thiên Trọng vẫn không ngừng tìm kiếm nàng tiên nga ở Thụy Đô đêm ấy. Nghiệt ngã thế nào lại lấy nhầm Nam Nhã Ý, nghiệt ngã thế nào nàng lại thành phi tần của Đường Thiên Tiêu. Nếu hoàng đế muốn trả đũa anh họ thì xem như ngài đánh đúng chỗ đau rồi. Dù có ra sao, dù Thanh Vũ thuộc về hoàng đế hay thần tiên nào trên đời thì Thiên Trọng cũng không từ bỏ. Anh chỉ có thể yêu một người, trái tim anh không đủ bao la như Thiên Tiêu, không thể chứa nổi thiên hạ, quyền lực lẫn trăm nghìn giai nhân một lúc.
Thiên Trọng chỉ yêu Thanh Vũ, tất cả chỉ có thế, hễ yêu là cứ yêu thôi, không cần lý lẽ, không cần nguyên do…
Anh truy đuổi khi nàng và Bích Lam trốn chạy, dùng mạng Nhã Ý và Bích Lam để uy hiếp Thanh Vũ, tất cả chỉ vì muốn giữ người bên cạnh, không có được trái tim thì lấy thân xác, chỉ cần là của nàng Thiên Trọng đều yêu. Cứ để nàng hận, cứ để nàng căm ghét, cứ để nàng xem thường, Thiên Trọng không đòi hỏi gì, chỉ cần có một người suốt ngày thờ ơ, lạnh lùng, suốt ngày đóng vai khúc gỗ hoặc la mắng, chửi rủa, Thanh Vũ muốn gì cũng được, làm gì cũng được nhưng tuyệt đối không thể rời xa anh.
Thiên Trọng biết mình còn cách cái gọi là “chính nhân quân tử” đến trăm dặm. Sau khi bất ngờ nhìn thấy mỹ nhân trong lòng bật khóc và dấu thủ cung sa đỏ chói dần nhạt màu, Thiên Trọng chợt hiểu anh quá kém, Bích Lam và Thiên Tiêu đều “quân tử” hơn, tôn trọng nàng hơn, biết chừng mực hơn. Thôi mặc kệ, cứ làm tiểu nhân đi, cứ xấu xa, cứ vô đạo đức đi, chỉ cần chiếm được, có được thì tội danh nào cũng nguyện gánh. Trong ba người đàn ông, Thiên Trọng là si tình nhất, lì lợm nhất, xấu xa nhất, cố chấp nhất, nhưng cũng là yêu nhất, hy sinh nhất. Ở bên cạnh ngài, Thanh Vũ xem như bị kết một “án chung thân hoa lệ”, đừng mong trốn thoát, đừng mong bỏ chạy. Nhưng cái lồng son còn bao gồm cả tình yêu mênh mông, vượt qua sức cảm dỗ của quyền lực và thiên hạ…
Ngài từng nói dù có chết cũng phải kéo nàng chết cùng, là người là ma đều chỉ thuộc về ngài.
Ngài cũng nói nếu rơi vào nguy hiểm, ngài phải giết nàng trước rồi mới yên tâm chết đi…
Nói là nói vậy, bá đạo, tiêu cực và ngang ngược như vậy nhưng khi chuyện đó thực sự xảy ra thì Thiên Trọng đã làm gì?
Chẳng làm gì cả, kiếm trên tay cũng buông, giáp trên người cũng bỏ, sự nghiệp và tính mệnh đều nhẹ tựa lông hồng. Đó là sự thất bại, một sự thất bại mà Thiên Tiêu hay Bích Lam không bao giờ làm được và là sự thất bại khiến Thanh Vũ tình nguyện dính bên ngài cả đời. Còn cần gì hơn thế nữa? Khi mà kẻ xấu xa đó dùng hành động xấu xa để chiếm đoạt rồi dùng mạng sống để buông tay. Ngài cao ngạo là vậy, ngang ngược là thế nhưng đứng trước Thanh Vũ, con rồng chỉ là con rắn nhỏ mà thôi. Ai mà chẳng rung động trước hình ảnh người anh hùng bỏ thuộc hạ, bỏ chiến mã, bỏ cuộc chơi, ngài chỉ âu yếm ôm giai nhân trong lòng với đôi mắt kiên định, bình tĩnh nhìn rừng cờ và đoàn quân thù từng bước tiến tới… Bởi vì trong giây phút đó, mọi thứ không còn ý nghĩa, chỉ cần Thanh Vũ sống, hạnh phúc và bình an là đủ rồi, ngài có thể dùng mọi thứ để đổi lấy sinh mệnh này, cũng sẽ cam lòng để nàng đến với người đàn ông tốt hơn ngài, đỉnh điểm của tình yêu chính là như vậy!
Sau bao nhiêu bão táp, sấm rền… rồi ai cũng có một kết cục cho mình. Đường Thừa Sóc là một Nhiếp chính vương nắm quyền khi còn sống và vẫn nắm thời cuộc sau khi chết đi. Thật ra người đạo diễn đứng sau mọi việc chính là lão già đang nằm trong quan tài. Ông vừa bảo vệ thái hậu cùng Thiên Tiêu nhưng cũng không muốn đẩy đứa con ruột vào sinh tử. Tình yêu và tình thân ông đều muốn chu toàn. May mà có một vị vương gia yêu Đại Chu, yêu Tuyên thái hậu, yêu Thiên Tiêu, yêu Thiên Trọng, tình yêu công bằng và bao quát nên nó giữ mọi thứ không đi quá xa, cứng đúng chỗ mềm đúng lúc. Thật may có Đường Thừa Sóc là bậc tiền bối anh minh và độ lượng như thế.
Câu chuyện khép lại với một cái kết xem như mỹ mãn và phù hợp nhất.
Khi Nam Nhã Ý và Trang Bích Lam thong thả trở về Giao Châu, có lẽ vị hoàng đế đang kiêu hãnh thưởng thức ngai vàng.
Khi Ninh Thanh Vũ và Đường Thiên Trọng chật vật trốn về Hoa Ly, có lẽ vị hoàng đế đang mãn nguyện nhìn vạn dặm giang sơn.
Nhưng khi Bích Lam có Nhã Ý bên cạnh, Thiên Trọng có Thanh Vũ sớm chiều thì vị hoàng đế có trăm nghìn giai lệ mãi tìm kiếm đôi bóng hồng nhan…
Ngài vốn có một đóa tường vi nhưng đã chọn vứt bỏ.
Ngài từng có một đóa sen hồng nhưng cũng hy sinh.
Ngài bỏ qua hai bông hoa đẹp nhất trần đời để chọn chiếc ghế đúc vàng cao lớn và uy nghiêm. Đó là lúc ngài hiểu ra mình có gì và đã mất gì…
Nhã Ý và Bích Lam có lẽ sẽ hạnh phúc, thời gian có lẽ đủ dài để chàng quên Thanh Vũ và đủ ngắn để Nhã Ý tiếp tục đợi chờ…
Còn Thanh Vũ và người đàn ông xấu xa kia thì vẫn cứ xấu xa thôi, xấu xa tới nổi đem nàng vĩnh viễn rời bỏ Giang Nam, xấu xa tới mức khiến nàng khó nhọc sinh hai đứa trẻ, con gái sẽ giống nàng và con trai sẽ giống ngài. Một “hồng nhan họa thủy” sống hết đời bên người đàn ông đáng ghét như Thiên Trọng đã là hạnh phúc của hạnh phúc rồi!
Bích tiêu cửu trùng xuân ý vũ – câu chuyện về tình và quyền, câu chuyện của mỹ nhân và anh hùng, câu chuyện của níu kéo và buông tay, câu chuyện của sung vầy và cô độc, mỗi người có một lựa chọn và đi đến một kết thúc.
Bầu trời vẫn trong xanh màu ngọc bích
Sắc xuân vẫn tươi thắm mặn mà.
Miễn là họ có nhau hoang mạc cũng là mỹ cảnh. Ai cô đơn trong vàng son, rừng đào cũng hóa bụi mù…