Đừng để bữa ăn với trẻ đầy nước mắt!
Việc ăn uống với trẻ gần như trở thành nổi ám ảnh của các phụ huynh Việt Nam, nếu mọi người tinh tế để ý, có thể thấy trẻ ở Nhật ăn rất ngon, dễ dàng, tự lập và vui vẻ. Vậy, làm sao để các mẹ có thể học được điều này, hãy cùng mình đi qua loạt bài "Phương pháp Nhật giúp trẻ ăn vui" nhé.
Những bữa ăn đầy nước mắt, vì sao?
Chuyện ăn uống của con, nhất là các bé càng nhỏ tuổi, lại càng như một trận chiến không hơn không kém. Trẻ thì biếng ăn, chán ăn, sợ ăn, không thích ăn; mẹ thì phải dùng đủ cách để chăm con ăn, nào là con ói, nào phải “nhồi”, nào phải cầm bát đi rong, nào hăm doạ, năn nỉ, dụ dỗ trẻ. Thật sự, cảm giác cứ như việc chăm con ăn là quá trình đánh vật không bên nào nhường bên nào, dẫn đến stress và áp lực tăng dần theo năm tháng.
Phụ huynh bị áp lực ăn uống của trẻ từ những luật “bất thành văn”.
Ngoài thước đo các chỉ số chuẩn đã được các cơ quan, tổ chức y tế ban hành về chiều cao, cân nặng trẻ; thì việc so sánh hiện trang, chiều cao, cân nặng giữa trẻ này và trẻ khác là không được hợp lý cho lắm, do nó còn chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khác như gene, địa lý, kinh tế, thành phần gia đình…
Trên thực tế là vẫn còn rất nhiều phụ huynh bị áp lực bởi những nhận xét rất cảm tính. Những trẻ tròn trịa, mập mạp thì mẹ được khen là “nuôi con khéo”, “biết nuôi con”, ngược lại thì sẽ bị “trách yêu” là “Trơi ơi, mẹ ăn hết của con rồi, nuôi con hoài không béo…”; một áp lực vô hình rất lớn đè lên các bà mẹ nuôi con nhỏ. Mỗi khi các bà mẹ họp mặt gia đình hoặc bạn bè “bỉm sữa”, việc được hỏi các câu hỏi, tưởng chừng chỉ thể hiện sự quan tâm như “Sao cháu bà ốm quá vậy?”, “Bây chăm cháu sao còi thế?”, “Con mầy có bệnh gì không? Sao tuổi này lại thua ký con tao!”, lại chính là những áp lực vô hình nặng nề càng đè lên vai mẹ.
Các cô bị áp lực “ăn hết suất”.
Đó là chuyện ở nhà, còn tại các cơ sở giáo dục mầm non, thì việc “ăn hết suất” là một tiêu chuẩn quan trọng khi bố mẹ muốn đánh giá chất lượng việc nuôi dạy trẻ của các cô giáo ở trường. Mỗi khi đón con từ nhà trẻ về, các mẹ, các ba sẽ không quên để lại cho cô câu hỏi “nhỏ” – “Bé ăn hết suất không cô?”, chính những áp lực nhỏ tưởng chừng như vô hình này sẽ tích tụ lại trở thành áp lực ăn uống vô cùng lớn, gắn liền với biết bao nhiêu câu chuyện đau lòng, nhức nhối xã hội – ngược đãi, doạ dẫm và nhiều hành vi phản giáo dục khác chỉ để ép trẻ ăn “hết suất”.
Trẻ cũng có áp lực của trẻ.
Phụ huynh và Cô có áp lực của mình; trẻ tuy nhỏ, nhưng cũng có “áp lực ăn” của trẻ.
Đầu tiên là đồ ăn không ngon!
Không riêng gì trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn dù ý thức được việc ăn uống tốt hơn trẻ, cũng sẽ cảm thấy “ngán ngẩm” nếu ngày nào cũng phải ăn đi ăn lại một món. Nhiều cha mẹ do không có thời gian nên thường hầm, nấu lượng thức ăn lớn rồi để trong tủ lạnh khi đến bữa mới đem ra làm nóng, đồ ăn khi đó cũng không còn ngon như khi mới làm và trẻ sẽ có cảm giác chán ngán khi cả ngày chỉ được ăn một món như vậy.
Bên cạnh đó, việc xay nhuyễn mọi nguyên liệu thành hỗn hợp không rõ mùi vị cũng khiến trẻ thấy không ngon.
Ngoài ra, các món ăn tốt cho sức khoẻ mà phụ huynh luôn lựa chọn thì lại là những món “rất chán” với trẻ con, như các loại rau, trái cây…cùng gia vị lạt phếch, không kích thích được vị giác ở trẻ.
Thứ hai, trẻ không có ấn tượng tốt với việc ăn.
Như đã nói ở trên, việc hàng ngày tham gia vào “cuộc chiến” giữa ăn và không ăn, đã khiến tâm lý nhỏ bé của trẻ hình thành cảm giác sợ bữa ăn, một ấn tượng vô cùng không tốt.
Thứ ba, trẻ bị động trong việc ăn uống.
Hình ảnh trẻ dán mắt vào ipad xem các chương trình giải trí, miệng thì ngậm đầy cơm, mẹ thì tay đút, tay lau đã quá quen thuộc ở Việt Nam. Chính sự thúc ép và để trẻ bị động trong việc ăn uống cũng dẫn đến cảm giác “bị ép” ăn ở trẻ. Điều này khiến trẻ không có sự thưởng thức, không cảm nhận được vị ngon, sự thú vị của thức ăn.
Cuối cùng, là do cơ thể trẻ không tốt.
Việc cơ thể trẻ khó chịu như khi nóng sốt, mọc răng hay tiêu hoá có vấn đề đều ảnh hưởng đến chất lượng ăn và nhu cầu ăn uống của trẻ.
Bài tiếp theo: Các mẹ Nhật cho con ăn như thế nào?
Nguồn: Shopro - Phương pháp SPM - Dạy con kiểu Nhật