Bạn có thể cảm thấy sốc và đau khổ khi biết con mình bắt nạt những đứa trẻ khác, cho dù là đánh nhau, xúc phạm bằng lời nói, bắt nạt ngầm hay bắt nạt qua mạng. Tuy vậy, bạn cần xử lý ngay. Nếu không, con bạn có thể có những hành vi nguy hiểm hơn ảnh hưởng đến các trẻ khác, kết quả học tập và quan hệ xã hội. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em là kẻ bắt nạt có nguy cơ phát triển hành vi chống đối xã hội, quấy rối trong công việc, lạm dụng trẻ em, quấy rối tình dục và lạm dụng chất gây nghiện về lâu dài.


Hiểu về hành vi bắt nạt


Trẻ bắt nạt vì nhiều lý do. Có thể trẻ cảm thấy bất an và việc bắt nạt làm trẻ cảm thấy quan trọng hơn, thu hút sự chú ý, hay là kiểm soát được tình hình. Cũng có thể trẻ không biết hành vi này không thể chấp nhận được. Có thể bắt nạt là một phần của các hành vi chống đối. Nếu vậy, trẻ cần được giúp đỡ để quản lý cảm xúc. Trẻ có thể thiếu kỹ năng cần thiết để hợp tác với những người khác.Các chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp thường có thể giúp trẻ giải quyết những khó khăn này. Trẻ có thể sao chép hành vi nhìn thấy ở nhà, như bạo lực và cách đối xử không thân thiện trong gia đình và đối xử với người khác theo cách tương tự. Trẻ bị bắt nạt lại đi bắt nạt những trẻ yếu thế khác.


Giúp trẻ dừng bắt nạt các trẻ khác


Hãy cho trẻ biết rằng bắt nạt là không thể chấp nhận và sẽ có hậu quả nghiêm trọng ở nhà, trường học, cộng đồng nếu việc này tiếp tục. Hãy tìm hiểu những lý do đằng sau hành vi của trẻ và giải quyết những lý do đó.


Bạn có thể thử áp dụng các cách sau đây:


• Nghiêm túc xem xét hành vi bắt nạt. Nói và hành động để trẻ hiểu rằng bạn không tha thứ cho hành vi bắt nạt ở mọi nơi mọi lúc. Xây dựng nội quy về bắt nạt và thực hiện nghiêm túc nội quy đó. Ví dụ, nếu trẻ bắt nạt những đứa trẻ khác qua email, tin nhắn văn bản, hoặc một trang web mạng xã hội, trẻ sẽ bị tịch thu điện thoại hoặc cấm sử dụng máy tính trong một khoảng thời gian. Nếu trẻ gây hấn với anh chị em ruột hoặc người khác ở nhà, bạn phải can thiệp để chấm dứt hành vi đó ngay. Trong bài viết Làm cha mẹ tích cực: Các biện pháp kỷ luật quyết đoán có những hướng dẫn chi tiết hơn về nội dung này. Dạy trẻ cách phản ứng thích hợp hơn và bất bạo động như bỏ đi chỗ khác hay nhờ người lớn phân xử.


• Dạy trẻ ứng xử tôn trọng và thân thiện với mọi người. Trẻ có thể cần hướng dẫn cụ thể về cách chào hỏi, giao tiếp với các trẻ khác, cách nói khi trẻ muốn cùng tham gia chơi như 'Cho tôi chơi với các bạn nhé?', cách chia sẻ đồ chơi như 'Chúng ta có thể lần lượt chơi hoặc cùng nhau chơi cái máy bay này'; cách bày tỏ quan điểm và tình cảm như 'Tôi thấy khó chịu nếu bạn đẩy tôi như vậy. Bạn đừng đẩy tôi nữa.' Cách động chạm vào người khác, như nắm tay nhẹ nhàng thay vì xô đẩy hoặc cắn, v.v. Dạy cho trẻ rằng chế giễu sự khác nhau (ví dụ, về chủng tộc, tôn giáo, vẻ bề ngoài, nhu cầu đặc biệt, giới tính, hoàn cảnh kinh tế xã hội) là sai và khơi gợi sự đồng cảm của trẻ với những người khác với mình. Bạn có thể cùng con tham gia một nhóm cộng đồng để trẻ có thể tương tác với những đứa trẻ khác.


• Tìm hiểu về đời sống xã hội của trẻ. Hãy hiểu về các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng hành vi của trẻ. Nói chuyện với cha mẹ của bạn bè của con và các nhân viên/ hiệu trưởng trong nhà trường. Tình hình bắt nạt ở trường học và trong nhóm bạn của trẻ như thế nào? Có những loại áp lực nào? Thảo luận với trẻ để giúp trẻ thích ứng. Hãy cho trẻ tham gia vào các hoạt động ngoài giờ học để gặp gỡ và phát triển tình bạn với những trẻ khác.


• Khuyến khích hành vi tốt. Quan tâm và khen ngợi trẻ khi trẻ cư xử tốt và xử lý các tình huống môt cách xây dựng hay tích cực.


• Nêu gương tốt cho trẻ. Hãy suy nghĩ cẩn thận về cách bạn nói chuyện và cách bạn xử lý các xung đột và các vấn đề khi có mặt trẻ. Nếu bạn cư xử hung hăng thì trẻ có thể bắt chước bạn. Do đó, bạn nên chỉ ra những mặt tích cực chứ không phải là tiêu cực ở người khác. Và khi có xung đột trong cuộc sống, hãy cởi mở về những gì bạn thất vọng và cách bạn quản lý cảm xúc của mình.


Bắt đầu từ gia đình


Trẻ sống với những tiếng la hét, gọi tên miệt thị, coi thường, chỉ trích gay gắt, hay giận dữ bạo lực của anh chị em hoặc cha mẹ/ người chăm sóc có thể hành động tương tự trong các hoàn cảnh khác. Việc trẻ tranh chấp với anh chị em ở nhà là chuyện bình thường và trừ khi có nguy cơ đánh nhau, tốt nhất bố mẹ không nên can thiệp. Nhưng bố mẹ cần theo dõi việc trẻ gọi tên nhau và bất cứ đụng chạm chân tay và cần nói chuyện với từng trẻ thường xuyên về những gì có/ không thể chấp nhận được.


Điều quan trọng là kiểm soát hành vi của bản thân bạn. Xem lại cách bạn nói chuyện với con và cách bạn phản ứng với cảm xúc mạnh của mình khi trẻ ở bên cạnh. Sẽ có những tình huống cần có kỷ luật và phê bình mang tính xây dựng. Nhưng phải cẩn thận không để cho điều đó trở thành việc gọi tên hay buộc tội. Nếu bạn không hài lòng với hành vi của trẻ, nhấn mạnh rằng đó là hành vi mà bạn muốn trẻ phải thay đổi và bạn tin rằng trẻ có thể làm được điều đó.


Nếu gia đình bạn đang gặp khó khăn mà bạn cảm thấy có thể đã góp phần vào hành vi của trẻ, tìm kiếm giúp đỡ từ trường học và trong cộng đồng của bạn. Họ hàng, người quen, nhân viên tư vấn hướng dẫn, mục sư, cha sứ, nhà chùa, các chuyên gia trị liệu và bác sĩ của bạn có thể giúp đỡ.


Xin trợ giúp


Để giúp trẻ ngừng bắt nạt trẻ khác, hãy nói chuyện với nhà trường để giúp bạn xác định tình huống dẫn đến hành vi bắt nạt và hỗ trợ. Bác sĩ và các chuyên gia tâm lý cũng có thể giúp đỡ nếu con của bạn có tiền sử tranh cãi, thách thức, khó khăn trong việc kiểm soát sự tức giận.


Việc giúp con ngừng bắt nạt có thể khó khăn và khiến bạn bực bội. Hãy nhớ rằng nếu bạn bỏ mặc, trẻ sẽ tiếp tục hành vi xấu. Hơn nữa kiềm chế bắt nạt ở hiện tại là bước tiến tới thành công và hạnh phúc bạn mong muốn cho trẻ ở trường học, nơi làm việc, và các mối quan hệ trong suốt cuộc đời.


Tài liệu thu thập từ các nguồn khác nhau và dịch ra tiếng Việt vì mục đích phi lợi nhuận với sự tài trợ của Tổ chức Dịch vụ Cộng đồng Á Châu (Asian Community Services Trust), 15-19 Clifton Court, Panmure, Auckland, New Zealand.