Không ít ba mẹ than phiền “Con nhà tôi giống ai mà lười biếng quá, bảo làm gì cũng không làm”, “Bé nhà tôi càng lớn càng lười, lười từ trong trứng nước”...

Không đứa trẻ nào lười bẩm sinh như một số ba mẹ vẫn nghĩ. Mỗi đứa trẻ đều như tờ giấy trắng, chính cách dạy của ba mẹ đã hình thành nên tính cách của con từng ngày.

🌈 Những lý do khiến trẻ lười biếng

🍀 Làm hộ con tất cả

Một số ba mẹ vì không muốn con phải vất vả, thua thiệt với người ta nên ra sức nuông chiều, làm thay con tất cả. Ba mẹ không cho con làm việc nhà, vì nghĩ rằng, làm việc nhà dễ khiến trẻ căng thẳng, cực nhọc, áp lực, chiếm nhiều thời gian học tập và vui chơi của con.

Tuy nhiên, cách yêu thương này chưa thật sự đúng đắn. Trẻ có thể sẽ quen với sự chiều chuộng, làm giúp; khi không được như ý muốn, con có thể sẽ đòi hỏi, thậm chí là trách ba mẹ, xem những gì ba mẹ làm cho mình là điều hiển nhiên. Từ đó, con có thể trở thành một người lười biếng, sống ỷ lại, ích kỷ, thờ ơ, nghĩ rằng, mọi thứ đã có ba mẹ lo. Chắc hẳn, bạn không xa lạ gì với tình huống, mẹ nhờ lấy cái này cái kia, nhưng đứa con không phản ứng, mãi cắm mặt vào điện thoại, gọi nhiều lần mới trả lời lại bảo mẹ tự lấy đi phải không nào?

🍀 Quá kỳ vọng vào con

Cũng có không ít ba mẹ nuôi dạy con với sự kỳ vọng cao. Ba mẹ luôn muốn con phải là một em bé siêng năng, chăm chỉ, hoàn hảo, ngoan ngoãn, từ cuộc sống hằng ngày đến học tập. Sự kỳ vọng này có thể phản tác dụng, khiến con cảm thấy áp lực, mệt mỏi, con có thể không còn muốn cố gắng nữa, trở nên lười nhác hơn.

🌈 Làm thế nào để trẻ trở nên tự giác hơn, chăm chỉ hơn?

🍀 Dẫu biết, khi để con làm việc gì đó sẽ mất nhiều thời gian hơn ba mẹ. Tuy nhiên, ba mẹ nên cho con quyền được tham gia, được trải nghiệm, và dạy con làm thay vì làm mọi việc cho con. Chẳng hạn, ba mẹ nên dạy con làm việc nhà. Việc dạy con làm việc nhà có thể giúp trẻ trở thành người có trách nhiệm, tự giác hơn. Khi làm việc nhà đã trở thành thói quen, trẻ cũng sẽ học được cách tự chăm sóc bản thân, biết giúp đỡ người khác khi cần,...

🍀 Ba mẹ không nên áp đặt, kỳ vọng quá cao vào con cái. Nếu bị áp đặt, la mắng, trách cứ thì con dễ sinh tâm lý bí bách, phản kháng, không nghe lời nữa, lười nhác hơn. Ba mẹ nên để con mang tâm lý thoải mái làm những gì con thích, dưới sự quan sát, chỉ hướng của ba mẹ. Trường hợp nếu con không thích học thì bạn cũng cần bình tĩnh, tiếp cận khéo léo để tìm ra lý do cũng như phương pháp học tập phù hợp với con, rồi nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu và chỉ con cách vượt qua.

🍀 Con trẻ thường rất hào hứng với những gì mình thích. Vì vậy, bạn cần giúp con tìm ra sở thích của con, có thể quan sát, cho con thực hành để phát hiện ra điểm mạnh của con là gì, từ đó tạo điều kiện cho con phát huy năng lực của mình. Điều này sẽ phát huy tối đa tinh thần ham học hỏi của trẻ. Quan trọng hơn, con được vui vẻ, được sống với đam mê của mình.

🍀 Với mọi đứa trẻ, lời khen, phần thưởng đúng lúc sẽ tiếp thêm niềm hào hứng trong con, con có thể nhận ra giá trị của bản thân mình, thêm nhiệt huyết, động lực để làm nhiều điều có ý nghĩa. Vì thế, ba mẹ đừng tiếc lời khen, lời động viên dành cho con đúng lúc.

🍀 Đặc biệt, để con trở nên tự giác hơn, siêng năng hơn, quan trọng nhất vẫn là ba mẹ làm gương tốt cho con. Con trẻ sẽ học và làm theo những gì ba mẹ nói và làm. Hãy là những tấm gương tốt cho con noi theo nhé!

🌷 Kiên nhẫn cùng con ba mẹ nhé! Khi hiểu con và chỉ hướng đúng, bạn nhỏ nào cũng đều đáng yêu, đáng mến, tự giác và tự lập!

Nguồn Cửa sổ vàng Nguyễn Duy Cương