Từ những ước mơ, mong muốn của trẻ, cha mẹ có thể đồng hành cùng con thiết lập mục tiêu để hiện thực hóa hoặc ít nhất là giúp con đi đúng hướng.
Để mục tiêu trở thành thói quen
Trẻ nhỏ thường không ít lần nói ra ước mơ của mình. Có những ước mơ rõ ràng như “muốn trở thành bác sĩ/phi công”, “con muốn trở thành cô giáo”; có trẻ lại mong muốn “trở thành siêu anh hùng/ người nhện giải cứu thế giới”… Những ước mơ của trẻ có thể là mục tiêu chưa cụ thể, thực tế nhưng khi có ước mơ sẽ giúp trẻ giàu trí tưởng tượng hơn.
cha mẹ có thể tham khảo thêm bài viết Điểm số có phải thước đo thành công ở một đứa trẻ?
Ví dụ, trẻ muốn làm phi công, trong thoáng chốc, điều này khiến con mơ tưởng về bầu trời xanh bao la, mây trắng và những chú chim bên cạnh. Cảm giác mơ mộng đó thật thú vị. Có trẻ sẽ thích thú tìm hiểu mọi thứ về ngành này qua phim, sách, đồ chơi và mọi người xung quanh. Mọi điều trẻ làm đều mong muốn hiện thực hóa giấc mơ đó. Do vậy, nếu phụ huynh muốn con phát triển trong lĩnh vực gì? Đừng ngại ngần lo sợ sớm tạo ra tâm lý không thích ở trẻ.
Theo cô Nguyễn Kim Ngân (giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Hà Nội), hãy cứ đặt mục tiêu và vun vén hạt giống đam mê trong con. Bởi sớm đặt ra mục tiêu cho bản thân giúp trẻ có một tầm nhìn dài hạn và rộng hơn về điều mình muốn thực hiện. Điều này tạo cơ hội cho trẻ nhìn nhận được những thiếu sót của bản thân để dần cải thiện. Thậm chí là có đủ thời gian để quan sát và ứng phó với những biến động của cuộc sống. Đó còn là thời gian để thực hành và trở thành thói quen của trẻ.
Ví dụ, cha mẹ mong muốn nuôi ước mơ của con trở thành người dẫn chương trình. Để làm tốt lĩnh vực này, con cần liên tục cập nhật tin tức, nắm bắt xu hướng, tạo dựng hình ảnh, kỹ năng viết lách… Họ tạo cơ hội để con thực hành việc này nhiều. Dần dần, nó trở thành chính thói quen của trẻ.
Nhiều cha mẹ cho rằng, việc đặt mục tiêu cho tương lai phải thực tế. Thế nhưng, theo cô Ngân, với trẻ nhỏ, mọi việc chúng làm đều dựa trên cảm xúc rất nhiều và không mảy may quan tâm đến lợi ích của tương lai.
Vì vậy, nếu cha mẹ nói với con những cái như: Con phải có mục tiêu này. Nó có tương lai, lương cao, cơ hội rộng mở… Mà điều đó không khiến trẻ cảm thấy hứng thú, chúng sẽ cảm thấy phiền phức và chán ghét nó ngay lập tức.
Cô Ngân ví dụ như câu chuyện ước mơ trở thành phi công. Trong quá trình tư duy, trẻ không mảy may nghĩ đến lương cao và cơ hội việc làm. Chúng chỉ nghĩ đến những thứ mình thích thôi. Đó là được bay lên bầu trời, cảm nhận bầu trời xanh và mây trắng. Do đó, cách đặt mục tiêu và hoàn thành mục tiêu cho bé hiệu quả đầu tiên là việc cha mẹ truyền được cảm hứng và ước mơ với mục tiêu đó cho con.
Không chỉ là truyền cảm hứng về ước mơ, phụ huynh cũng cần dành thời gian để trò chuyện với con về ý tưởng hiện thực hóa ước mơ đó. Chẳng cần phải là những chiến lược, kế hoạch hay phương pháp cao xa. Người lớn chỉ cần ngồi trò chuyện và chỉ cho con những hành động đơn giản có thể làm ở hiện tại để hiện thực hóa mục tiêu của mình.
Nếu con muốn trở thành phi công, hãy nói với trẻ: Để trở thành một phi công con cần có một sức khỏe tốt, kiến thức về máy bay, bầu trời… Để có một sức khỏe tốt, con phải thường xuyên tập thể dục, thể thao để rèn luyện sức khỏe. Để có một tri thức tốt về máy bay, bầu trời… con phải chịu khó tìm tòi, đọc sách và hỏi mọi người xung quanh. Những câu nói đơn giản này, chính là những ý tưởng tuyệt vời với trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn cần phải định hình trong đầu mình quá trình thực hiện mục tiêu của con như thế nào. Để từ đó chủ động hướng con bước đi đúng hướng.
“Cha mẹ hãy luôn nhớ kỹ năng đặt mục tiêu hiệu quả cho bé là nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Nếu cha mẹ đặt mục tiêu cho bản thân con phải đạt được những điều quá lớn vượt quá sức của chúng. Chúng sẽ cảm thấy áp lực, sợ và chán ghét mục tiêu đó”, cô Ngân chia sẻ.
Chỉ đồng hành, không làm hộ
Theo cô Nguyễn Kim Ngân, cách đặt mục tiêu và hoàn thành mục tiêu không hướng đến việc làm quá trình thực hiện mục tiêu của trẻ thêm áp lực. Cha mẹ chỉ nên trò chuyện với trẻ để việc hiện thực hóa mục tiêu trở nên nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, chỉ nên đồng hành chứ không làm hộ, đặc biệt, cha mẹ gợi ý nhưng cần tôn trọng quan điểm của con.
Hãy giúp con hình dung chính xác ra những việc mà trẻ cần làm để đạt được mục đích bằng việc hướng dẫn con nên ghi ra những yêu cầu và xếp chúng lần lượt theo thứ tự. Con có thể vẽ một bức tranh tổng quát về lộ trình để đạt được việc đó là gì? Ví dụ như mục tiêu của con năm nay là vào được đội tuyển bóng đá của trường. Vậy những việc mà con cần làm là gì?
Sau đó, hãy cùng con bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong bản kế hoạch, từng bước một để tránh cho con cảm thấy nản chí. Điều quan trọng trẻ cần nhớ là kỷ luật trong việc thực hiện kế hoạch. Hãy theo sát con và thường xuyên kiểm tra tiến độ để có những động viên và giúp con điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, hãy luôn cởi mở và ủng hộ con một cách nồng nhiệt để con cảm thấy có thêm động lực mỗi ngày.
Cũng theo cô giáo này, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú và tràn đầy động lực khi nhận được lời khen và sự khích lệ. Trái lại, trẻ sẽ chán nản khi làm mãi một việc mà không được ai ghi nhận, khuyến khích. Điều này chắc chắn khiến bé chán ghét việc đang làm và sớm từ bỏ mục tiêu. Vì vậy, đừng quên và tiếc lời khen ngợi con.
“Nhiều gia đình khuyến khích trẻ lập kế hoạch cho bản thân từ rất sớm. Ngoài việc học, trẻ được tập kinh doanh, hoạch định công việc cần làm khi có thời gian rảnh. Có trẻ giúp đỡ gia đình và được trả lương trong mùa Hè, thậm chí tìm người thân và hàng xóm để nhận làm việc đơn giản hoặc chăm sóc thú nuôi như đưa chó đi dạo hoặc cắt cỏ, trông em bé… Đây cũng là điều thú vị để con được trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm sống.
cha mẹ tham khảo thêm kiến thức nuôi dạy giáo dục trẻ phát triển toàn diện cho con
Do vậy, nếu trẻ có nhu cầu hoặc ý tưởng làm các hoạt động kinh doanh nhỏ, hãy khuyến khích và cùng con xây dựng mục tiêu. Hãy cho trẻ lập danh sách hàng hóa cần mua và lên kế hoạch các vật liệu cần thiết để vận hành”, cô Ngân chia sẻ.