Game - trò chơi điện tử đã không còn gì xa lạ với trẻ em ngày nay. Bên cạnh những lợi ích giải trí thì nó cũng mang lại những hệ quả không tốt nếu không có sự quản lý từ ba mẹ.



Trong xu thế bùng nổ mạng internet toàn cầu như hiện nay, các trò chơi trên mạng (game online) phát triển với tốc độ chóng mặt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người chơi, nhất là đối với trẻ nhỏ. Làm thế nào để giúp trẻ chơi game đúng cách? Đây là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh đã đặt ra.



Tôi có 2 con nhỏ, 1 cháu học cấp II, 1 đang đi mẫu giáo. Thỉnh thoảng, để thưởng cho con vì thành tích học tập tốt, vì con ngoan, con giúp đỡ bố mẹ việc nhà v.v... tôi cho phép các con chơi game online. Thời gian đầu khi các con mới chơi game, tôi qui định 1 tuần nếu con ngoan sẽ được chơi 2 lần, mỗi lần 30 phút vào tối thứ 4 và thứ 7 hàng tuần sau khi đã học và làm xong bài. Trong khi con chơi tôi cũng để ý xem con chơi trò gì. Cháu gái lớn thường chơi trang điểm cô dâu, trồng cây, nướng bánh, gà đẻ trứng, pikachu... nói chung là những trò chơi lành mạnh; Cháu bé trai hay chơi trò câu cá, bắn chim cánh cụt, đua mô tô... Tôi hoàn toàn yên tâm vì các trò chơi phù hợp với lứa tuổi của các con, giúp con rèn luyện nhanh tay, nhanh mắt và cũng giúp con giải trí sau những ngày học căng thẳng.



Nhưng một hôm, tôi giật mình khi thấy cậu con trai chơi một trò chơi ghê rợn. Tôi không nhớ rõ tên trò chơi này là gì (vì sau hôm đó tôi cấm con không bao giờ được chơi trò này nữa), nhưng cách chơi như sau: trên màn hình xuất hiện một hình người có nét vẽ bao quanh toàn thân hình người đó, nhiệm vụ của người chơi là di chuột như một lưỡi dao đi theo đúng hình vẽ, nếu di chuột lệch thì lập tức máu đỏ rỉ ra và kèm theo là những âm thanh kêu la rên rỉ của người đang bị cắt thịt. Không biết có phải thần kinh tôi yếu không, nhưng nhìn và nghe những hình ảnh và âm thanh trong trò chơi phát ra tôi thực sự sợ hãi. Tìm hiểu thêm tôi thấy còn rất nhiều trò chơi bạo lực, kinh dị mà trong khuôn khổ có hạn của bài viết này tôi không thể liệt kê ra hết được. Trong bài viết này tôi cũng không đi sâu phân tích những tác hại do game online gây ra.


Vấn đề đặt ra đối với tôi là có nên tiếp tục cho con chơi game? nếu không cho con chơi thì sẽ như thế nào? nếu tiếp tục cho con chơi thì phải như thế nào?



Tôi đã suy nghĩ và thấy rằng:


1. Cho con chơi game là việc có thể chấp nhận được vì chơi game cũng có những mặt lợi của nó. Ví dụ: rèn khả năng phản xạ, rèn khả năng phân tích tình huống, rèn sự kiên nhẫn, luyện nhanh mắt, nhanh tay và kích thích khát khao chiến thắng cũng như chấp nhận sự thất bại trong khi chơi v.v...


2. Khi cho con chơi game thì phải có sự kiểm soát của bố, mẹ hoặc người lớn để giúp trẻ chọn trò chơi phù hợp lứa tuổi và chơi những trò chơi lành mạnh. Thời gian cho trẻ chơi cũng phải được bố trí hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học và sức khoẻ của trẻ.


3. Xác định chơi game chỉ là trò chơi phụ, còn rất nhiều các trò chơi khác mà con có thể chơi và bố mẹ có thể cùng tham gia chơi với con như: vẽ, đọc truyện, các trò chơi vận động... để tránh cho trẻ chơi nhiều dẫn đến nghiện game online.



Giúp trẻ chơi game đúng cách là việc làm không khó đối với các ông bố bà mẹ. Chỉ cần chúng ta bớt chút ít thời gian quan tâm tới trẻ là có thể giúp trẻ không "tụt hậu" trong thời đại bùng nổ mạng toàn cầu như hiện nay và giúp trẻ không bị ảnh hưởng từ những hậu hoạ khôn lường do game online gây ra.




Ngọc Hà


Theo: tamly.com.vn