Với nhiều gia đình, trẻ con như là “ông hoàng bà chúa”, luôn được phục vụ, luôn được cưng chiều, luôn được nựng nịu. Được thể, con càng lúc càng quấy quá, nghịch ngợm, quậy phá, không nghe lời, làm mình làm mẩy, chống đối bố mẹ… Bố mẹ có thể la rằng “Sao con hư thế!” mà không chịu thừa nhận, tất cả lỗi là do mình. Bởi lẽ, từ lúc con được 10 tháng tuổi, bố mẹ đã phải dạy con tuân thủ kỷ luật rồi.
Mời xem thêm:
Được 10 tháng, trí nhớ của bé đã được cải thiện có thể bắt đầu tiếp thu và học hỏi những điều mới mẻ. Bạn có thể để ý rằng, con đã biết lắng nghe những lời bạn nói, đặc biệt là những lúc cao giọng như "Không", "Á"... và có thể bắt chước lại y chang, từ lời nói, hành động cho đến âm sắc.
Bắt đầu dạy con về kỷ luật trong giai đoạn này cũng chính là dạy cho con những bài học về đúng - sai, quan tâm, tôn trọng những người khác, tự kiểm soát bản thân và sự an toàn. Đây là những khái niệm lớn, phức tạp và là những phẩm chất cực kỳ quan trọng đối với một đứa trẻ cũng như một người trưởng thành sau này, con sẽ mất nhiều năm để có thể hiểu hết được và con cần được tiếp cận từ sớm.
+ Đừng thể hiện tình yêu của mình với con bằng lời nói mà bằng hành động. Trong quá trình dạy con tuân thủ kỷ luật này, ba mẹ mới là đối tượng cần thay đổi và điều chỉnh hành vi của mình, vì con sẽ học điều đó từ ba mẹ. Hãy là những tấm gương lịch sự và tôn trọng mọi người, kể cả con.
+ Đừng quá khắt khe hay cứng ngắc. Nếu ba mẹ đặt cho con những tiêu chuẩn quá cao, con sẽ khó lòng mà nếm trải được cảm giác thành công và tự tin phát triển bản thân, thậm chí ngay cả khi ra khỏi tầm mắt của ba mẹ, con cũng không đủ tự tin về bản thân mình. Nhưng...
+ Phải đủ nghiêm khắc. Đặt ra những giới hạn và thực hiện một cách công bằng, con sẽ cảm giác được yêu thương và bảo vệ. Nếu ba mẹ quá dễ dãi, con sẽ nghĩ rằng chẳng ai quan tâm mình.
+ Không bao giờ mất cảnh giác về vấn đề an toàn. Ba mẹ có thể dạy con rằng bếp rất nóng, dao rất nhọn, cầu thang dốc đứng... rất nguy hiểm, nhưng không bao giờ để con một mình ở những nơi nguy hiểm đó.
+ Giọng điệu rõ ràng. Với nhiều đứa trẻ, ngữ điệu và âm sắc của lời cảnh báo mang tính chất quyết định chứ không phải là nội dung của câu nói. Vì thế, ba mẹ cần có giọng điệu rõ ràng trong các tình huống để con hiểu. Không thể vừa nói "Không được" vừa cười được, con nhận tín hiệu đó và sẽ nghĩ rằng ba mẹ chỉ nói thế thôi chứ thái độ đấy là ngầm cho phép rồi.
+ Đừng chỉ trích con. Luôn nhớ rằng, bản tính trẻ nhỏ không độc ác. Con không cố ý làm đau con mèo khi kéo đuôi nó, con chỉ tò mò rằng "chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình kéo đuôi con mèo" mà thôi. La mắng hay gọi con là "kẻ xấu" không dạy cho con được bài học về lòng nhân ái với mèo mà còn có thể nghiền nát sự tự tin của con.
+ Luôn nhất quán. Ba mẹ phải kiên định với quyết định của mình. Hai người luôn cùng một quan điểm, không thể "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" được. Ba mẹ cũng không nên đổi ý, vì như vậy con sẽ không coi trọng lời nói của ba mẹ nữa. Một khi ba mẹ đã không đồng ý thì con không được phép làm, nếu đã nói "Không" mà vẫn cho con làm điều đó, con sẽ chẳng bao giờ nghe lời nữa.
Ví dụ:
- Không được dùng dao để khuấy sữa có nghe rõ không?
--> Con dao này bén lắm, nó có thể làm con bị thương. Con nên dùng cái muỗng xinh đẹp này khuấy sữa.
- Đừng có kéo đuôi con mèo đấy!
--> Mèo là vật cưng, chúng ta vuốt ve nó như thế này này, chúng ta cho nó ăn như thế này này... (Dạy con cho biết cách chúng ta nuôi và chăm sóc một con mèo).
+ Khuyến khích con làm việc tốt. Khen ngợi để con tặng đồ chơi cho bạn hoặc giúp ba mẹ làm một việc gì đấy. Làm nổi bật những yếu tố tích cực bằng lời khen ngợi, khuyến khích sẽ có hiệu quả một cách mạnh mẽ.
Theo Whattoexpect