Từ khi con còn bé, tôi đã thường nói câu "Không sao cả con ạ." với cậu nhóc. Con ị đùn rây cả ra giường: không sao cả, để mẹ chùi cho con nhé. Con cầm đồ ăn và trây khắp ghế: Không sao cả con ạ, mình sẽ lau ghế. Con cầm ly uống nước và sơ ý làm đổ hết nước xuống sàn nhà: không sao cả con ạ, mình sẽ làm khô nhà. Con chạy nhanh té đau xước cả đầu gối: Không sao cả con ạ, chỉ đau một chút thôi, con đứng lên đi…
Tôi không có thói quen la mắng con, mỗi lời mắng nhiếc là một mũi tên đâm vào tâm hồn đứa trẻ. Chúng chỉ là những con người bé bỏng, tập tành làm quen với thế giới rộng lớn. Chúng cần những lời động viên khích lệ để dám dấn bước khám phá trải nghiệm, chứ chúng không cần những lời chê bai mắng mỏ để rồi rón rén chạm vào thế giới. Đôi khi, sự khích lệ lại khiến trẻ ngoan hơn là lời mắng mỏ. Người ta bảo “dạy dỗ” trẻ con là thế, “dạy” phải kèm “dỗ”.
Lẽ dĩ nhiên, có đôi khi tôi cũng trót nói những lời lạnh lùng với con, sau đó thì hối hận khủng khiếp. Áp lực của những người mẹ thật lớn lao, phải cân bằng giữa công việc, gia đình, vừa phải làm vợ đảm kiêm luôn mẹ khéo chăm con. Để khôn g nặng lời với con, đòi hỏi người mẹ phải thật kiên trì, nhẫn nại và bình tĩnh. Tôi có một người bạn vì từ nhỏ đã luôn phải hứng chịu những lời nhiếc móc của cha mẹ, nên khi làm mẹ cô ấy cố gắng hạn chế bạo lực với con mình. Cô bộc bạch: “Ngày xưa, không hiểu sao mẹ lại có thể nói với tôi những lời cay độc đến thế. Những lời xỉ vả của mẹ khiến tôi cảm thấy minh là đứa ngu đần, vô tích sự, chỉ làm khổ bố mẹ. Đã có lúc tôi nghĩ có khi mình chết đi, chắc bố mẹ mừng lắm... Từ hồi đó, tôi đã xác định: sau này có con, tôi sẽ không đối xử với nó như bố mẹ đã đối xử với mình!”.
Thái độ của cha mẹ sẽ ảnh hưởng lớn đến nhân cách, tính tình đứa trẻ (Ảnh: Internet)
“Thương cho roi cho vọt” không hẳn đã đúng
Không phải người mẹ nào cũng rút kinh nghiệm thực tiễn để tránh tổn thương con mình. Nhiều bậc cha mẹ vì thiếu hiểu biết vẫn khăng khăng cho rằng “thương cho roi cho vọt”, nhiếc mắng cũng có nghĩa là yêu thương con và nhờ thế mà con mới sửa chữa khuyết điểm. Hoặc cha mẹ bất lực trong dạy dỗ con cái, phải dùng đến đòn roi, những lời cay nghiệt. Cha mẹ quá vất vả, căng thẳng, bận rộn thì lại “giận cá chém thớt”, bao nhiêu bực dọc đổ lên đầu con cái. Có trường hợp, như người bạn của tôi: từ bé đã bị đối xử rất lạnh lùng, đến khi có con cũng áp dụng cách dạy dỗ này đối với con một cách vô thức. Những cách này không giúp con tiến bộ, mà chỉ khắc sâu thêm oán thù.
Khi người lớn có lỗi, người lớn cũng mong có cơ hội để được giãi bày. Trẻ cũng vậy, chúng cũng muốn có cơ hội nói lên nỗi lòng, những lo lắng, suy nghĩ. Nếu có phê phán trẻ, hãy dùng cách thể hiện cảm xúc, vì dụ: “Con làm vậy mẹ buồn lắm”, “hành động đó của con rất nguy hiểm”… lời nói này có tác dụng khơi gợi và dẫn dắt cái tốt hơn là những lời đao to búa lớn. Hãy dạy con biết xin lỗi, và cha mẹ nên mạnh dạn xin lỗi con nếu lỡ dạy con quá đà. Đừng tiếc lời xin lỗi với con mình.
Một lần, tôi lỡ tay làm đổ chén cháo của con, con trai tôi vừa xoa xoa lưng mẹ vừa bảo: “Không sao, không sao đâu mẹ” rồi tất tả đi lấy khăn cho mẹ lau nhà. Tôi giật mình nhận ra: trẻ con sẽ học theo hành động của người lớn. Nếu hôm nay cha mẹ biết động viên, chăm sóc, dạy dỗ con, thì sau này khi chúng ta ở tuổi xế chiều lú lẫn, có lẽ sẽ có những đứa con ở bên mình, chăm sóc, động viên và dỗ dành. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, bao mệt nhọc tan biến.