Vẫn biết mẹ thương con là điều rất hiển nhiên, nhưng thương sao cho đúng cũng là vấn đề cần quan tâm. Có những người mẹ rất mực thương con và lúc nào cũng bênh con bất chấp đúng sai, thương con như thế bằng mười hại con.
Rất nhiều trường hợp trẻ có lời nói, thái độ, hành vi không đúng ở nơi công cộng như la hét, chạy nhảy lung tung, làm vỡ đồ đạc, quậy phá… mà các bà mẹ vẫn dửng dưng xem như chuyện thường. Rõ ràng thấy sai trước mắt, nhưng không điều chỉnh con ngay.
Đến lúc có người nhắc nhở thì lại lấp liếm ngay rằng “Trẻ con mà!”, ý rằng, trẻ con thì biết gì, sao lại trách mắng?
Thế nhưng, thái độ nhắc nhở đó của người ngoài, không phải là nhắc đưa trẻ, mà nhắc những người làm bố mẹ, phải biết dạy con mình, “Con hư tại mẹ” cơ mà. Chưa kể, mọi việc trên đời này cần phải học mới biết được. Con còn nhỏ chưa biết, thì bố mẹ dạy cho con biết, nếu cứ để mặc và bênh con chằm chặp bất kể lý lẽ như vậy, rất có thể đến tận khi trưởng thành, con sẽ chẳng bao giờ biết được phải cư xử lịch sự nơi công cộng, phải tôn trọng người khác và sau này cũng phải uốn nắn cho con điều đó.
2. Khi con tranh chấp với đứa trẻ khác
Có một nguyên tắc nho nhỏ là, luôn để trẻ con tự giải quyết các mối quan hệ be bé của mình. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ đã cướp quyền này của con không thương tiếc. Hai anh em/ chị em tranh cãi, bố mẹ liền bảo ngay “Lớn phải nhường em!”, vậy là đứa lớn thì ấm ức còn đứa nhỏ thì hớn hở, được nước làm tới. Có chuyện gì, đứa em cũng nhăm nhe méc bố mẹ để tranh phần hơn với anh/ chị mình. Lâu dần thành thói mách lẻo, thậm chí còn chủ động bày trò quấy nhiễu anh/ chị của mình.
Nhưng trận chiến trong nhà không bao giờ gay cấn bằng trận chiến với người ngoài, cho dù là anh chị em họ, bạn học hay những đứa trẻ con nhà hàng xóm, hễ có tránh cãi một xíu là bố mẹ đã xuất hiện, tất nhiên là bênh con, quát nạt những đứa trẻ còn lại bất kể đúng sai.
Lâu dần, ở trẻ hình thành tâm lý ích kỷ, không biết nhường nhịn ai, cũng không biết cách chơi chung, và luôn ỷ lại vào bố mẹ, tranh phần hơn với bất kỳ ai.
Tính xấu này, ở trẻ nhỏ nhiều người có thể tặc lưỡi thông cảm, bỏ qua, nhưng nếu lớn hơn một chút, nó sẽ khiến trẻ bị xa lánh, chẳng ai muốn chơi cùng. Giao tiếp và chơi chung cũng là những kỹ năng sống cực kỳ quan trọng đối với một đứa trẻ, nếu quá bênh con, bố mẹ sẽ “hại” con thiếu kỹ năng này, khiến con thiệt thòi hơn khi đến tuổi ra đời tự lập.
3. Cô giáo cũng sai
Tôi đã từng chứng kiến một cảnh, trẻ vô lễ với cô giáo (là gia sư), và khi gia sư la và phạt học trò, người mẹ đã xông ra lăng mạ cô giáo, tất nhiên là ngay trước mặt con.
Được thể, con lại càng vênh váo, coi thường cả cô giáo của mình, vì nghĩ rằng cô sẽ chẳng bao giờ dám phạt mình nữa.
Thái độ này của người mẹ khiến con trở thành một đứa trẻ hư, không biết phép tắc. Nguy hiểm hơn, trẻ sẽ trở nên cố chấp và luôn tìm cách chạy tội, dù biết rõ lỗi của mình mười mươi. Điều này không có gì khó hiểu, khi từ bé con có thể làm sai mà không bị phạt, cũng chẳng ai uốn nắn rèn luyện cho con.
Tính tình của những đứa trẻ ích kỷ thường rất hung hăng ở bề ngoài (vì có bảo kê mà), nhưng thực chất lại khá yếu đuối, kém bản lĩnh và hèn nhát. Vì con không được tự lập và tự mình chịu trách nhiệm về bản thân, lâu dần sẽ chọn phương án trốn tránh, lấp liếm trong mọi vấn đề.
Giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành nhân cách một con người, trong đó, giáo dục gia đình chiếm đến 70%. Đừng đổ lỗi hết cho cô giáo, nhà trường, các bậc phụ huynh nên nhìn nhận rõ vai trò của bản thân đối với sự phát triển của con. Bắt đầu từ việc rất đơn giản, là bênh con có lý có tình, và dạy con trước khi con giao tiếp với người ngoài.