Nhiều năm rồi, tôi nghĩ không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều người nữa cũng cảm thấy Tết chẳng còn là dịp đặc biệt hay thiêng liêng lớn lao. Tết đến cái lợi trước tiên là không phải đi học đi làm, có tiền thưởng, nhưng cái mệt kéo theo là chi phí, chuyện về quê, chuyện quà cáp, lì xì. Vậy đó mà dần dần ý nghĩa của ngày Tết từ từ hoen mục đi. Tôi cũng chẳng còn nặng lòng gì và thấy những điều đọc được về Tết trên báo trên mạng thật “lãng mạn hóa”.
Nhưng Tết năm nay, tôi - và có lẽ cả xóm này - đều rưng rưng xúc động trước một câu chuyện đoàn viên ngày Tết. Số là trong xóm tôi có gia đình của một cụ bà đã lớn tuổi - bà Hai -, một nách chăm bốn đứa cháu nhỏ cả nội cả ngoại. Tôi là người mới ở vùng này, vì lấy chồng mới về đây, cũng được tầm sáu năm nhưng chưa một lần thấy con bà về ăn Tết hay thăm lũ trẻ. Nghe mọi người nói chuyện, thì biết đâu cũng mười năm rồi chẳng có đứa con nào về cả, người còn nói có khi họ đã có cuộc sống riêng trên thành phố rồi, không muốn vướng víu con cái, mẹ già, nên trốn luôn, gửi tiền sinh hoạt phí về thôi.
Năm đầu tiên tôi về làm dâu, đêm mà nhà tôi trải chiếu nấu bánh chưng bánh tét, mấy đứa nhỏ trong xóm cũng qua chơi cùng. Còn nhớ, bà Hai tay dắt bốn đứa, lao nhao hồn nhiên sang chơi. Tôi trộm nghĩ “con cái gì mà tệ quá, để mẹ già một thân nuôi con mình, đứa lớn dắt đứa bé như vầy”. Tôi thấy xót xa lắm. Sau này, có nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện, tôi được bà trải lòng và lại càng thấy xót hơn. Bà Hai có đến ba người con, hai trai một gái, đều dựng vợ gả chồng hết rồi nhưng cái số nghèo nó cứ đeo bám mãi không buông. Sau khi sinh con, lần lượt từng người con rồi vợ - chồng họ gửi con lại cho bà, quyết lên Sài Gòn đi làm hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn. Bà nói “may là tụi nó lên đó chứ không thì bà cháu nhà này sao có cái ăn, tụi nhỏ sao được đi học”. Gọi là “đi làm”, nhưng bà Hai kể đứa thì đi bán hàng rong mấy món ăn vặt, đứa bán trái cây, đứa bán nước ở ngã tư nào đó bà không nhớ tên đường….
“Năm nào, tụi nó cũng muốn về hết cô à, nhà mình mà, con cái mình mà, cũng ngót nghét 10 năm rồi không nhìn mặt sắt đá sao mà không nhớ. Nhưng tụi nó có cái lý của tụi nó, tui không trách oán gì được. Tết, ở lại Sài Gòn, kiếm được nhiều tiền hơn ngày thường. Hơn nữa, về đây, vé xe, cô biết rồi đó, mỗi người cũng hai trăm mấy ba trăm ngàn, chưa nói là vé tết thì mắc hơn đó nhe. Tui nói vậy chỉ sợ cô cười, chứ hai ba trăm ngàn với nhà tui nó lớn dữ lắm. Tụi nó bán bánh tráng, trái cây, nước nôi, giỏi lắm một ngày lời được năm chục một trăm, còn chi phí ăn uống nhà cửa ở trên đó nữa. Có tiền là tích cóp góp về đây cho tụi nhỏ đi học hết, chỉ mong ngày Tết mấy đứa con và bà già này được tấm áo mới, không nợ học phí, ăn no lớn khỏe là mừng. Có một năm, tụi nó hùn nhau để hai vợ chồng thằng út về ăn Tết với tui, mà rồi cũng có được đâu, chen mua vé xe không lại”
Chưa năm nào, tôi thấy xóm này ăn Tết vui như vậy. Dường như tất thảy mọi nhà đều được lan tỏa hạnh phúc đoàn viên từ nhà bà Hai, nên trân quý hơn cái Tết, cảm thấy hơi ấm của sự thiêng liêng của việc đoàn tụ gia đình đem lại. Ngày hai chín Tết, tôi nhìn thấy gia đình lớn của họ đi trên đường làng, tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ ăn, áo quần, một chị còn cầm trên tay cành mai mua muộn. Chưa bao giờ tôi thấy Tết lại ý nghĩa như thế.
Vé tết đoàn viên” dành tặng đến 5.000 hoàn cảnh khó khăn được về quê sum họp cùng gia đình trong dịp Tết cổ truyền Ất Mùi 2015. Từ xưa tới nay, tôi vốn không đánh giá cao các chương trình của những nhãn hàng tổ chức vì cảm thấy thiếu thực tế.