Độ tuổi từ 1-3 tuổi là khoảng thời gian trẻ ưa khẳng định bản thân, thường thể hiện những điều mình thích và không thích một cách rõ rệt. Vì chưa biết cách bày tỏ cũng như khả năng ngôn ngữ còn hạn chế nên đôi khi bé thường có những hành động hung hăng như đánh, đấm, cắn người khác khiến bạn lo lắng và bối rối.
Bạn thân mến, đây là một biểu hiện thường thấy trong quá trình phát triển của trẻ, và ở mức độ trong chừng mực thì hành vi này là tín hiệu cho thấy con đã thêm nhận thức, có cá tính và muốn thể hiện cái tôi của mình. Tuy nhiên, tuyệt đối không được cho qua mà bạn cần biết cách xử lý đúng, vì đây là cơ hội để chỉ hướng và giáo dục con thích hợp. Vậy, bạn xử lý những hành vi ấy như thế nào?
Vì sao trẻ trở nên hung hăng?
Như chúng ta đã biết, trẻ đang trong giai đoạn hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Vì chưa biết cách thể hiện cũng như kiểm soát cảm xúc của mình nên chưa thể cư xử như người trưởng thành được. Chính vì vậy, khi con cảm thấy khó chịu vì không đạt được điều gì đó mà con muốn, hay muốn gây sự chú ý,... con có thể sẽ đánh, cắn để thể hiện cảm xúc con đang có.
Hơn nữa, con trẻ dễ bắt chước, học theo những điều từ môi trường xung quanh một cách vô thức. Do đó, khi con nhìn thấy ba mẹ không hòa thuận với nhau, ba mẹ đánh mắng con, các bạn khác đánh nhau; nội dung bạo lực, thiếu tích cực trên phim ảnh, mạng xã hội... thì con có thể học theo đó ba mẹ à. Đồng thời, mỗi trẻ cũng sẽ có cá tính riêng nên có một số trường hợp dù ba mẹ không đánh mắng thì con cũng có thể có hành vi đó trong một số giai đoạn phát triển nhất định của trẻ.
Xử lý những hành vi ấy như thế nào?
Ba mẹ nên kiên nhẫn nhé, trẻ đang trong quá trình học cách thể hiện cảm xúc, và cũng chưa biết hành vi đánh người khác là sai. Vì vậy, la mắng, cấm đoán hay thậm chí đánh con ngay lúc ấy chưa phải là giải pháp đúng đắn.
Điều đầu tiên ba mẹ cần làm là giữ bình tĩnh, vì thái độ bình tĩnh sẽ giúp trẻ học được cách điều khiển cảm xúc của mình như thế nào. Sau đó, ba mẹ cần đưa con ra khỏi tình huống đó. Điều này sẽ giúp trẻ hạ nhiệt hơn. Ba mẹ cần nói chuyện với con, lắng nghe con để hiểu rõ nguyên nhân; nhận biết và đón nhận cảm xúc hiện tại của con, có thể thay con nói tên cảm xúc ấy lên để vừa thừa nhận vừa dạy trẻ cách diễn đạt như “Ba/mẹ biết là con đang giận/buồn vì…”
Khi con đã ổn định tâm lý, ba mẹ có thể cầm tay con, nói cho con biết rằng “Khi bực tức, việc đánh, cắn không phải là cách giải quyết vấn đề; và một em bé ngoan không nên có những hành vi như thế, đó là hành động không tốt. Nó sẽ làm tổn thương người khác”, lưu ý hạn chế giải thích quá nhiều vì có thể kỹ năng phân tích lý do ở trẻ còn hạn chế.
Sau khi giải thích, ba mẹ cần đưa ra lời khuyên con cần phải làm gì với từng tình huống cụ thể. Ví dụ, khi con tức giận, thay vì đánh bạn sẽ làm bạn đau, con có thể đếm ngược, đi ra chỗ khác chơi trò khác... Sau một thời gian, trẻ sẽ có sự kết nối hành vi của mình với hậu quả của hành vi đó, cũng như được ba mẹ chỉ dẫn cách làm thay thế, từ đó nhận thức rằng việc đánh hoặc cắn là không tốt và trẻ sẽ không thực hiện hành động đó mà sẽ làm cách ba mẹ dạy. Và đương nhiên, điều này phải lặp đi lặp lại rất nhiều thì con trẻ mới học được và dần thay đổi, ba mẹ bao dung và kiên nhẫn với con nhé. Một điều ba mẹ cần lưu ý nữa là luôn ở bên con để ghi nhận và khen ngợi kịp thời mỗi khi bé có sự tiến bộ, dù là hành vi nhỏ.
Theo thời gian, khả năng ngôn ngữ và nhận thức của con phát triển cũng như được ba mẹ chỉ hướng những cách xử lý tích cực, con sẽ dần hiểu đánh, cắn người khác là không nên và sẽ thay thế bằng những hành động tích cực hơn, biết cách thể hiện cũng như làm chủ cảm xúc tốt hơn.
Nguồn: Cửa sổ vàng Nguyễn Duy Cương