Thứ bảy, 18/2/2006



Tập cho bé thói quen đi ngủ đúng giờ


"Ngủ đi con, ngủ dậy mẹ mua bong bóng hình con vịt cho chơi ha. Bé giỏi lắm á... Ông già đâu rồi, vô bắt bé Hương đi...". Mỗi ngày, dù trưa hay tối, chị Linh đều phải dỗ dành, hết ngọt ngào tới dọa nạt mới ép được cô công chúa nhỏ khép mắt ngủ.


Hầu hết các bậc phụ huynh đều rơi vào tình trạng giống chị Linh khi muốn chăm sóc giấc ngủ cho "cục cưng". Quả thật không có cô, cậu bé nào lại thích thú khi phải đi ngủ cả. Các bé luôn tìm đủ mọi lý do có thể nghĩ ra như coi hoạt hình thêm chút nữa, không buồn ngủ, chơi cho xong một trò chơi với bạn... để trì hoãn việc lên giường cả trưa và tối.


Nếu chiều theo ý thích, để trẻ chơi tới lúc buồn ngủ mới đi ngủ sẽ ảnh hưởng không tốt cho thói quen và sự phát triển của bé. Do đó, bằng cách này hay cách khác mỗi người đều cố gắng cho bé ngủ theo cách mà mình có thể nghĩ ra được. Không ít người áp dụng các biện pháp như đánh đòn, phạt quỳ, không cho xem ti vi... nếu trẻ không chịu đi ngủ. Điều này gây nên ức chế cho trẻ về mặt tâm lý. Theo một số bác sĩ tâm lý, việc cho trẻ ngủ đủ số giờ cần thiết và rèn luyện cho trẻ thói quen đi ngủ đúng giờ là cả một nghệ thuật đòi hỏi kỹ năng và sự kiên trì từ các bậc cha mẹ.


Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Phòng khám nhi khoa Victoria Healthcare Mỹ, cho biết tiêu chuẩn chăm sóc giấc ngủ của trẻ em tại Mỹ như sau:
bé 2-3 tuổi
cần trung bình
11-13 tiếng ngủ đêm
1-3 tiếng ngủ trưa
;
bé 4-5 tuổi
cần trung bình từ
10-12 tiếng ngủ đêm
1-3 tiếng ngủ trưa
; từ
6-8 tuổi
cần
10-11 tiếng ngủ mỗi ngày
.


Để bé ngủ đủ số giờ như thế, người lớn nhất định phải tập được cho trẻ thói quen đi ngủ đúng giờ cố định trong ngày để đồng hồ sinh học bên trong bé giữ nhịp tim đều đặn và tự điều chỉnh. Các nghiên cứu cho rằng, trẻ dưới 8 tuổi đi ngủ lúc 20h là tốt nhất. Thức khuya sau 21h hoặc đi ngủ vào các giờ khác nhau có thể làm bé mệt và khó ngủ hơn.


Theo bác sĩ Đoàn, để tránh trẻ mè nheo, trì hoãn đi ngủ, người mẹ nên tạo ra một chuỗi việc làm trước đó cho bé như đi tắm, thay đồ, đọc truyện bé nghe. Điều đó có tác dụng như một thỏa thuận làm cho bé cảm thấy được đáp ứng yêu cầu và phải thực hiện cam kết chứ không cảm thấy bị áp đặt. Các công việc này cũng chỉ nên kéo dài tối đa 45 phút.


Cách làm như trên là một trong những cách vừa phát huy tính sáng tạo tự lập vừa đưa trẻ vào khuôn khổ kỷ luật cần thiết. Nhất là khi trẻ được khoảng 6 tuổi, tính độc lập của trẻ đã bắt đầu thể hiện.


"Trong số các lý do trẻ đưa ra để trì hoãn việc đi ngủ sớm là sợ dưới giường có ma, sợ bóng tối... Không nên làm ngơ cũng không nên quá lo lắng vì điều đó, sợ hãi là một phần tất yếu trong quá trình trưởng thành. Nếu bé gặp ác mộng hãy ngồi bên cạnh trò chuyện đến khi bé chìm vào giấc ngủ", bác sĩ Đoàn cho biết thêm.


Mỹ Lan