Nhiều lúc muốn làm mẹ hiền cũng khó khi trẻ 2 tuổi ăn vạ khóc nhè! Không hiểu sao bé lại cứ nằng nặc đòi cái này cái kia, bạn không cho thì bé lại khóc la cả tiếng đồng hồ không thôi.
Dỗ cỡ nào cũng không nín.
Con nhà mình khóc hét cả tiếng đồng hồ, không hiểu nổi bé lấy năng lượng từ đâu nữa!
Stress vô cùng các mẹ ạ mặc dù em đã là mẹ 3 con…
Lại trải qua 7749 cách khác nhau hòng trị cái tật ăn vạ khóc nhè của bé như: Dọa chuột, dọa đánh và đánh thật, dụ dỗ, năn nỉ, ôm bé…. mỗi lần bé khóc quấy. Tình cảnh vẫn mèo lại hoàn mèo.
Khi dọa chuột, bé nhà mình không hề sợ.
Khi dọa đánh và đánh: đúng là bé rất sợ nhưng tần suất lần sau lại cao hơn lần trước. Lại khá tội nghiệp bé vì sợ mà không dám khóc nhưng bé lại có xu hướng bạo lực đánh đấm với những người khác, với những trẻ khác.
Dụ dỗ, năn nỉ, ôm bé… trong lúc bé khóc quấy thì tác dụng lại bằng 0 vì bé dùng dằng và chả chịu nín tẹo nào, lại còn khóc to hơn nữa.
Vậy cách nào đây? Sau khi thử và sai nhiều lần thì xin chia sẻ cách sau đây mình thấy hiệu quả nhất:
Thứ nhất, cần hiểu tâm lý của trẻ 2 tuổi ăn vạ khóc nhè
Ở độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi, bé đã có thể khám phá ra điều mình thích và chỉ muốn làm những gì mình thích mà thôi. Mọi điều trái ý bé bé sẽ biểu lộ 1 cách duy nhất: khóc la nằng nặc đòi cho bằng được…. Vì ở độ tuổi này, bé chưa thể kiểm soát hay kiềm nén cảm xúc của mình vì bé cũng chưa có nhiều từ vựng để diễn tả. Bé sẽ lôi bạn đến nơi bé muốn bạn đi tới, bé sẽ trèo lên ghế đòi bạn cho ăn thứ mà bé thích….Bé thể hiện mong muốn của mình vô cùng mãnh liệt….
Ở độ tuổi này, khóc là một phần của sự trưởng thành. Nhưng bạn không thể chiều theo mọi điều bé muốn được vì sẽ trở thành thói quen đòi gì được nấy không tốt sau này. Điều này sẽ làm bé hình thành nên nhận thức: “À! mình muốn cái gì thì cứ gào lên khóc thế là kiểu gì bố mẹ cũng mua cho thôi”; và nhận thức này sẽ theo bé cho đến khi lớn lên. Đừng để bé trở thành ông này bà kia nhé.
Thứ hai, hãy mặc kệ trẻ khi trẻ 2 tuổi ăn vạ khóc nhè
Để đối phó với trẻ khi trẻ 2 tuổi ăn vạ khóc nhè, cha mẹ không nên nuông chiều con theo cách đáp ứng tất cả những gì bé muốn. Thay vào đó, khi bé ăn vạ, khóc lóc, cha mẹ hãy mặc kệ bé muốn khóc đến bao giờ thì khóc. Khi bé đã nguôi cơn giận và nín khóc, cha mẹ có thể ôm bé vào lòng vỗ về; phân giải cho bé hiểu; làm như thế nào là ngoan, như thế nào là hư; nếu ngoan thì con sẽ được gì, nếu hư con sẽ bị gì…
Ví dụ tối đến vào lúc 9h là cả nhà sẽ tắt đèn để đi ngủ. Nhưng bé thì nhất quyết la ó phản đối không cho mẹ tắt đèn. Cách của mình là mình thông báo bé đã hết giờ chơi, tới giờ đi ngủ rồi và tắt đèn. Tắt xong bé la ó phản đối rồi mình bật đèn lại để bé dịu lại cảm xúc 1 chút. Sau đó mình ngồi với bé chờ đợi (2 mẹ con sẽ không có bất cứ hoạt động gì khác nữa) và thậm chí lấy gối ra nằm đợi bé. Bé nhà mình ngồi im mãi khoảng chừng 15-20 phút sau thì ngoan ngoãn theo mẹ vào phòng ngủ.
Cách này mình thấy hiệu quả và tần suất bé hiểu chuyện càng lúc càng nhiều theo thời gian. Dần dần, bé dễ dàng hợp tác với bạn vào các lần sau hơn.
Thứ 3, đánh lạc hướng trẻ 2 tuổi ăn vạ khóc nhè:
Để giữ cho trẻ toàn, ba mẹ luôn ngăn cản con cái tiến lại gần bất kỳ nơi nào có vẻ nguy hiểm cho con, nhưng điều này thường làm bé tức giận và khóc lóc vì không được đến nơi mình muốn.
Cách tốt hơn là ba mẹ hãy đánh lạc hướng và chuyển hướng bé bằng cách gọi to tên của bé để bé quay trở lại với cha mẹ; sau đó chỉ cho bé thấy một cái gì đó thu hút, chẳng hạn như con gà, bông hoa, quả bóng bay… để bé quên đi nơi đang muốn chạy tới. Hoặc ba mẹ có thể đưa món đồ chơi mà bé ưa thích, hoặc món đồ ăn nào đó để chuyển hướng sự chú ý của bé.
Thứ 4, bản thân cha mẹ cần kiềm chế cơn giận khi kỷ luật bé:
Khi trẻ 2 tuổi ăn vạ khóc nhẹ, cha mẹ rất dễ bị cảm xúc chi phối mà lên cơn phẫn nộ la quát hay thậm chí đánh đập bé. Nếu cha mẹ cảm thấy mình trở nên tức giận; không thể kiểm soát; hãy đi chỗ khác và hít thở thật sâu.
Bởi vì, bé sẽ học theo cách hành xử của bạn mà khó học cách kiểm soát cảm xúc sau này. Ba mẹ là hình mẫu mà bé dễ bắt chước theo nhất.
Bé có thể trở nên bạo lực hơn với chính những người xung quanh của bé nếu bạn thường xuyên đánh bé.
Kỷ luật trẻ 2 tuổi ăn vạ khóc nhè; cha mẹ nên hiểu rằng, đứa trẻ hai tuổi không cố tình hư và làm cha mẹ buồn; chỉ là bé chưa thể tìm được cách diễn đạt tốt hơn. Vì thế, cha mẹ hoặc người thân cần kiên nhẫn; hướng dẫn bé cách thể hiện sự mong muốn. Khi bé đã hiểu những điều cha mẹ nói; mọi chuyện sẽ đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều!
Mình vẫn còn thấy hối tiếc khi cảm thấy vô cùng tức giận mà quát mắng và đánh đập bé. Lúc đó, bé cứ khóc lóc bám lấy chân mình cho dù mình có cố gắng tách bé ra như thế nào đi nữa. Bé rất sợ cha mẹ không thương bé nhưng chỉ do lúc đó bé không biết nói như thế nào mà thôi!
Đối với bé 2 tuổi đến 3 tuổi, cha mẹ là cả thế giới của bé vì cả ngày bé chỉ quanh quẩn bên cha mẹ mà thôi. Vậy nên cha mẹ cần hãy thật kiềm chế cảm xúc của mình và kiên nhẫn với con hơn.
Bé sẽ trải qua giai đoạn này sớm thôi và bé sẽ học thêm nhiều cách để biểu lộ cảm xúc hơn khi bé dần lớn khôn….
Chúc ba mẹ thành công!
From: tuduydep.com